Năm đại hạn với vị đại gia tuổi Hợi từng “hét ra lửa”
Trong năm 2018, nhiều đại gia ngân hàng đã “ngã ngựa” và phải trả giá. Trong đó có đại gia tuổi Hợi là Trầm Bê. Trước khi “xộ khám”, ông này từng có thời kỳ “hét ra lửa”.
Từ cậu bé nghèo đến đại gia tài chính ngân hàng
Những thông tin về đại án nghìn tỷ liên quan tới Trầm Bê có lẽ nhiều người đã biết. Thế nhưng, gia thế, tuổi tác, sở thích... của ông này vẫn còn nhiều điều bí ẩn vì ông vốn rất kín tiếng.
Nói Trầm Bê kín tiếng, bởi trước khi thâu tóm ngân hàng Phương Nam, sau đó là ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank), ông này không đứng tên đại diện pháp luật hay xuất hiện trong bất cứ báo cáo tài chính của doanh nghiệp nào. Vì thế, vào thời điểm này, không ai rõ Trầm Bê là ai?
Trầm Bê sinh ngày 10/9/1959 (Kỷ Hợi) tại tỉnh Trà Vinh và chỉ có trình độ học vấn 6/12. Xuất thân trong một gia đình nghèo, ông Bê từng đi ở đợ cho gia đình giàu có tại địa phương. Tuổi thơ cơ cực, ông phải nuôi từng con gà, con heo... đợi chúng lớn lên mang ra chợ bán kiếm tiền. Thậm chí, nhiều người dân địa phương còn cho biết, quanh năm, ông chỉ có mỗi bộ quần áo bà ba dính da.
Ông Bê là con lớn trong gia đình có 4 con và là một trong những gia đình gốc Hoa ít ỏi sinh sống tại khu vực Trà Cú. Vợ ông là bà Viên Đông Anh, cũng là một người Việt gốc Hoa. Vợ chồng ông có 3 người con và đều tham gia vào các vị trí chủ chốt, đầy quyền lực tại các ngân hàng, công ty của gia đình.
Về cuộc đời, Trầm Bê bắt đầu “trở thành” doanh nhân là khi thành lập công ty Chế biến Lâm sản Đông Anh (giai đoạn 1991 - 1994) với cương vị là Giám đốc, sau đó là Chủ tịch HĐQT vào giai đoạn 1995 – 2001. Đến năm 2002, Trầm Bê là Chủ tịch HĐQT công ty Chế biến Thủy hải sản Sơn Sơn.
Một trong những khoảnh khắc hiếm hoi ông Trầm Bê.
Thời điểm này, Sơn Sơn chiếm lĩnh gần như 100% thị trường chiếu xạ thanh long tại Việt Nam mà trong giới “làm thanh long” có lẽ ai cũng biết. Điều đáng nói, giá chiếu xạ thanh long mà Sơn Sơn đưa ra cao gấp 4 lần so với giá của Thái Lan nhưng vì độc quyền nên các doanh nghiệp đều phải chấp nhận.
Rồi Trầm Bê bắt đầu tham gia vào thị trường bất động sản, bằng việc mua cổ phần của công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng Bình Chánh (BCCI). Ông cũng là thành viên HĐQT từ năm 1999. Sau đó Trầm Bê chính thức bắt tay xây dựng bệnh viện Triều An...
Ít lâu sau, ông nhảy sang đầu tư vào lĩnh vực ngân hàng với việc trở thành thành viên HĐQT của ngân hàng Phương Nam vào năm 2004. Tuy nhiên, người ta biết đến Trầm Bê nhiều nhất là khi ông thâu tóm Sacombank, một trong những ngân hàng mạnh ở khu vực phía Nam. Đây cũng là thời điểm mà những thông tin về Trầm Bê, đặc biệt là gia sản của vị đại gia này được bới móc, xới tung.
Đến đầu năm 2012, Trầm Bê đã gần như “nắm” Sacombank với chức vụ là Phó Chủ tịch HĐQT, trong đó, Trầm Khải Hòa (con của Trầm Bê) cũng là thành viên HĐQT của Sacombank. Rồi Trầm Trọng Ngân (con trai thứ 2) cũng lên giữ chức Phó Chủ tịch thường trực HĐQT ngân hàng Phương Nam (sáp nhập vào Sacombank).
Sở thích “ngông”
Còn nhớ năm 2005, Trầm Trọng Ngân là con trai của Trầm Bê bị băng nhóm của Bình “kiểm” bắt cóc đòi tiền chuộc 10 triệu USD (tương đương khoảng 160 tỷ đồng thời điểm ấy). Khi bị bắt và ra tòa, Bình “kiểm” trả lời thẳng: “Vì biết rõ ông Bê rất giàu có nên đã tổ chức bắt cóc con để đòi tiền chuộc. Từ đây, người ta bắt đầu chú ý tới đại gia lắm tiền này”.
Trong cuộc đời, ông Bê đã xây dựng chùa Vàm Ray tại Trà Vinh, được xem là ngôi chùa Khmer lớn nhất Việt Nam. Dù vậy, việc cổng chùa mang tên ông, thậm chí là hình ảnh gia đình tràn ngập khắp chánh điện đã gây phản cảm cho nhiều người và dấy lên dư luận không tốt lúc bấy giờ.
Tuy nhiên, nhiều thông tin cho biết, đây chính là ngôi chùa mà ông Bê từng vào ăn ở, tu học (một truyền thống của người Khmer) lúc thiếu thời. Quãng thời gian ở tại chùa, ông Bê đã được nuôi dưỡng và trưởng thành, thế nên, việc ông quay lại xây chùa này bề thế là điều dễ hiểu. Ngoài ra, ông Bê còn công đức cho nhiều ngôi chùa khác nhưng theo nhận xét của nhiều người, số tiền đó vẫn chưa thấm vào đâu so với vườn tùng cổ có giá trị hơn trăm tỷ (khoảng 1.000 cây tùng) được nhập về từ Nhật Bản, hay những bức tượng khổng lồ bố trí quanh nhà.
Năm 2012, hiệp hội Bảo tồn Động vật hoang dã cũng đã có công văn gửi Công an huyện Trà Cú và Công an tỉnh Trà Vinh về việc ông Trầm Bê (ngụ tại xã Hàm Giang, huyện Trà Cú) mới bị kẻ gian trộm mất sừng tê giác quý. Sau đó, dư luận, báo chí lên tiếng ầm ầm nhưng bản thân ông Trầm Bê vẫn “im hơi lặng tiếng”.
Mãi đến 2 ngày sau, ông Bê mới cung cấp cho báo chí tài liệu và bằng chứng của việc được một người bạn tặng con tê giác đã được làm khô nhân dịp tân gia của gia đình vào tháng 3/2007. Con tê giác này đã được cơ quan quản lý buôn bán quốc tế các loài động vật hoang dã (Cites) cấp phép ở Nam Phi và Việt Nam?. Thời điểm này, người ta cũng kháo nhau chuyện Trầm Bê chuyên về những món “hàng hiếm”?.
Những người tiếp xúc nhiều với Trầm Bê nhìn nhận ông là người vô cùng kỹ tính, hiếm khi phát biểu trước báo chí. Chính vì lý do này khiến Trầm Bê gây sự tò mò cho dư luận vì chỉ nghe tiếng mà không biết lai lịch ra sao. Dù vậy, ước đoán số tài sản của ông Bê rơi vào hàng nghìn tỷ đồng, căn cứ vào các cương vị mà ông nắm giữ tại một số công ty, ngân hàng.