Năm 2024, kinh tế Việt Nam chịu nhiều ảnh hưởng từ biến động toàn cầu như: xung đột khu vực Trung Đông và Ukaine, suy giảm kinh tế ở các nước lớn, thiệt hại do biến đổi khí hậu, thiên tai… Tổng quan trong nước cũng gặp nhiều thách thức. Thị trường tài chính, tiền tệ, và bất động sản gặp khó, tín dụng tăng chậm, giá vàng biến động mạnh và bất động sản mất cân đối. Đặc biệt, cơn bão Yagi gây thiệt hại nặng nề về người và của cũng khiến kinh tế tổn thất hơn 88.700 tỷ đồng, tương đương 0,62% GDP năm 2023, và làm giảm khoảng 0,24% GDP năm 2024.
Mặc dù gặp rất nhiều khó khăn thách thức, năm 2024, Việt Nam vẫn nằm trong nhóm các nước có tăng trưởng kinh tế cao nhất khu vực. Sự quyết liệt sáng suốt trong chỉ đạo, cùng nỗ lực của toàn thể nhân dân đã khiến GDP bứt tốc trong những tháng cuối năm, có thể cán đích tăng trưởng trên 7%, vượt mục tiêu 6,5%-7% do Quốc hội đặt ra.
Đáng mừng hơn, sau nhiều năm lỡ hẹn, năm 2024, Việt Nam có thể đạt được và vượt toàn bộ 15/15 chỉ tiêu kinh tế-xã hội. Mức tăng trưởng GDP trên 7% đảm bảo chỉ tiêu GDP bình quân đầu người đạt 4.700 USD-4.730 USD. Đặc biệt, theo ước tính, chỉ tiêu tốc độ tăng năng suất lao động năm 2024 ước đạt 5,56%, vượt mục tiêu 4,8%-5,3% do Quốc hội giao.
Về xuất nhập khẩu, Việt Nam ghi nhận những thành tựu lớn. Đến ngày 14/12, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt gần 745,4 tỷ USD, trong đó xuất khẩu đạt 384,4 tỷ USD và nhập khẩu gần 361 tỷ USD, tăng lần lượt 14,5% và 16,3% so với cùng kỳ năm trước. Dự báo, kim ngạch cả năm có thể vượt 782 tỷ USD, phá kỷ lục 732 tỷ USD của năm 2022.
Xuất khẩu nông lâm thủy sản cũng đạt kỷ lục lịch sử, với kim ngạch ước tính 62,4 tỷ USD, tăng 18,5% so với năm 2023. Các mặt hàng nông sản như cà phê, gạo, rau quả, hạt điều tiếp tục lập kỷ lục mới.
Việt Nam tiếp tục khẳng định vị thế là điểm đến hấp dẫn của dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tại khu vực châu Á trong năm 2024. Trong 11 tháng năm nay, cả nước thu hút gần 31,4 tỷ USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), nằm trong nhóm 15 nước đang phát triển thu hút FDI lớn nhất thế giới. 2024 cũng là năm thứ 3 liên tiếp Việt Nam đạt mức giải ngân FDI trên 20 tỷ USD. Không chỉ tập trung vào lĩnh vực công nghiệp, các nhà đầu tư FDI còn mở rộng sang các ngành dịch vụ, bán lẻ và bất động sản.
Năm 2024, Việt Nam đã thu hút nhiều “ông lớn” công nghệ toàn cầu đến thăm và đề xuất hợp tác, đầu tư. Đầu năm, tỷ phú Bill Gates đến Đà Nẵng, góp phần nâng cao giá trị nhận diện du lịch Việt Nam, đồng thời lan tỏa hình ảnh du lịch đến khách quốc tế, đặc biệt là nhóm khách chất lượng cao.
Vào cuối tháng 9, ông Nick Clegg, Chủ tịch phụ trách Đối ngoại Toàn cầu của Tập đoàn Meta, đã có chuyến công tác tại Việt Nam và công bố kế hoạch mở rộng sản xuất thiết bị thực tế ảo tại nước ta vào năm 2025.
Tháng 11, Foxconn – nhà cung ứng của Apple – thông báo khoản đầu tư 80 triệu USD vào hoạt động sản xuất chip tại Bắc Giang. Cùng thời gian này, SpaceX của tỷ phú Elon Musk tiết lộ ý định đầu tư 1,5 tỷ USD vào Việt Nam. Ngoài ra, Tập đoàn Trump Organization đã ký thỏa thuận hợp tác để đầu tư tổ hợp khách sạn, sân golf và khu dân cư tại Hưng Yên với tổng vốn khoảng 1,5 tỷ USD.
Đến tháng 12, tỷ phú Jensen Huang quay trở lại Việt Nam sau một năm. Ông đã ký kết thỏa thuận giữa Chính phủ Việt Nam và Tập đoàn NVIDIA về việc thành lập Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Trí tuệ Nhân tạo (AI) cùng Trung tâm Dữ liệu AI tại Việt Nam.
Nhờ những nỗ lực cải cách thể chế và chiến lược thu hút đầu tư chặt chẽ, Việt Nam được kỳ vọng sẽ duy trì vị thế là điểm đến hàng đầu của các nhà đầu tư quốc tế trong những năm tới.
Năm 2024, Việt Nam đã có những bước tiến lớn về cơ sở hạ tầng.
Ngày 30/11, Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, với tổng vốn hơn 67 tỷ USD, tốc độ thiết kế 350 km/h. Đây là “siêu dự án” chưa từng có ở Việt Nam, được thông qua sau 18 năm nghiên cứu và chuẩn bị.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định: “Đường sắt cao tốc Bắc - Nam mang tính chiến lược phát triển hạ tầng quốc gia, là công trình biểu tượng kỷ nguyên vươn mình của đất nước”.
Với chiều dài dự kiến 1.545 km, tuyến đường sắt này sẽ kết nối Hà Nội với TP.HCM qua 20 tỉnh thành, rút ngắn thời gian di chuyển giữa hai trung tâm kinh tế lớn nhất cả nước xuống chỉ còn 6 giờ. Theo Bộ Giao thông Vận tải, dự án không chỉ tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội mà còn mở ra cơ hội lớn để ngành công nghiệp cơ khí Việt Nam bứt phá mạnh mẽ.
Song song với đó, lĩnh vực giao thông đô thị cũng ghi nhận bước tiến quan trọng với việc tuyến metro số 1 (Bến Thành – Suối Tiên) chính thức đi vào vận hành.
Ngành năng lượng chứng kiến sự tái khởi động Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận, mở ra cơ hội phát triển nguồn năng lượng đa dạng, bảo đảm an ninh năng lượng, và hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
Bên cạnh đó, Dự án đường dây 500kV mạch 3 từ Quảng Trạch đến Phố Nối, dài 519 km, đã hoàn thành chỉ sau hơn 6 tháng thi công, thiết lập kỳ tích về tiến độ và hiệu quả trong xây dựng hạ tầng điện lực quốc gia.
Năm 2024 có thể được xem là năm của những “cơn sốt”. Đầu tiên phải kể tới “cơn sốt vàng”. Đây là kênh đầu tư thu hút sự quan tâm lớn nhờ liên tục lập kỷ lục mới cả thị trường trong nước lẫn quốc tế.
Trên thế giới, giá vàng khởi đầu năm 2024 ở mức 2.060 USD/ounce và duy trì xu hướng tăng suốt cả năm, tăng hơn 27% và đạt đỉnh 2.790 USD/ounce vào ngày 30/10. Nguyên nhân chính là nhu cầu tìm nơi trú ẩn an toàn trước các bất ổn địa chính trị và kinh tế toàn cầu. Báo cáo quý 3 từ Hội đồng Vàng Thế giới cho thấy tổng nhu cầu vàng toàn cầu đạt 1.313 tấn, tăng 5% so với cùng kỳ và lần đầu vượt ngưỡng 100 tỷ USD.
Cùng xu hướng với thế giới, giá vàng trong nước cũng ghi nhận những bước tăng ngoạn mục. Đầu năm 2024, vàng miếng SJC được niêm yết ở mức 70,5 – 73,5 triệu đồng/lượng (mua - bán), trong khi vàng nhẫn 9999 dao động từ 61,8 - 63 triệu đồng/lượng. Sau đó, giá vàng trong nước liên tục tăng mạnh và nhanh hơn nhiều so với thị trường thế giới. Mức chênh lệch giữa giá vàng miếng SJC và vàng thế giới có lúc lên đến 18 – 20 triệu đồng/lượng. Đỉnh điểm là ngày 10/05, giá vàng SJC lập kỷ lục mới ở mốc 89,9 – 92,2 triệu đồng/lượng (mua – bán). Tính đến cuối tháng 11/2024, vàng nhẫn tăng 35% và vàng SJC tăng 15% so với đầu năm. Vàng trở thành một trong những mặt hàng “nóng” nhất thị trường năm qua.
Trước diễn biến này, lần đầu tiên sau 11 năm, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã tổ chức đấu thầu bán vàng miếng để bình ổn thị trường. Qua 6 phiên đấu thầu, tổng cộng 48.500 lượng vàng đã được đưa ra thị trường. Sau đó, NHNN triển khai bán vàng cho 4 Ngân hàng quốc doanh (Agribank, Vietcombank, VietinBank và BIDV) và Công ty SJC để các đơn vị này bán lại cho người dân. Với những chỉ đạo nhanh chóng, quyết liệt của NHNN, giá vàng trong nước đã rút ngắn khoảng cách với giá vàng thế giới xuống chỉ còn 3-4 triệu đồng/lượng và trở nên ổn định hơn vào cuối năm.
Bên cạnh vàng, năm 2024, thị trường bất động sản cũng ghi nhận nhiều biến động mạnh mẽ với giá tăng ở hầu hết các loại hình, đặc biệt là chung cư, đất nền và nhà trong ngõ.
Theo Bộ Xây dựng, đến quý III/2024, giá căn hộ chung cư tại Hà Nội tăng 4-6% theo quý và 22-25% theo năm, có nơi tăng cục bộ đến 35-40%. Nhiều dự án mới đạt mức giá sơ cấp 60-70 triệu đồng/m², thậm chí lên tới 100-130 triệu đồng/m². Tính chung toàn quốc, giá chung cư bình quân đã tăng từ 35 triệu đồng/m² vào đầu năm 2021 lên 51 triệu đồng/m² trong quý III/2024, tăng 45% trong 4 năm.
Bên cạnh chung cư, đất nền và nhà đất cũng trở thành điểm nóng với các phiên đấu giá gây chấn động.
Tiêu biểu, tại xã Tiền Yên, Hoài Đức, giá trúng đấu giá cao nhất đạt 133,3 triệu đồng/m², gấp 30 lần giá khởi điểm. Phiên đấu giá tại Sóc Sơn ngày 29/11 ghi nhận chỉ 22/58 lô thành công, tuy nhiên 3 lô bị bỏ cọc sau khi có người trả giá tới hơn 30 tỷ đồng/m2 cùng một số lô bị đẩy giá lên gần trăm triệu đồng/m2. Ngay sau đó, Công an TP. Hà Nội đã tạm giữ hình sự 5 đối tượng liên quan tới vụ đấu giá đất này.
Đối mặt với tình trạng trên, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có Công điện chỉ đạo các địa phương kịp thời chấn chỉnh công tác đấu giá quyền sử dụng đất và đã đạt kết quả nhất định, từng bước đưa công tác đấu giá quyền sử dụng đất đi vào nề nếp, góp phần bổ sung nguồn thu cho ngân sách địa phương. Ngoài ra, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng chỉ đạo các cơ quan, đơn vị chức năng rà soát công tác tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất trên địa bàn đảm bảo đúng pháp luật, công khai, minh bạch; kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm các quy định của pháp luật trong đấu giá quyền sử dụng đất, ngăn chặn hành vi lợi dụng đấu giá quyền sử dụng đất để trục lợi, gây nhiễu loạn thị trường.
Năm 2024 ghi dấu sức mạnh đồng lòng giữa Nhà nước và nhân dân, với hàng loạt chính sách kịp thời tháo gỡ điểm nghẽn kinh tế.
Hàng loạt luật (sửa đổi) quan trọng có hiệu lực và đi vào cuộc sống. Luật Đất đai số 31/2024/QH15, Luật Nhà ở số 27/2023/QH15, Luật Kinh doanh bất động sản số 29/2023/QH15 đã được Quốc hội thông qua với hiệu lực sớm hơn 5 tháng so với kế hoạch.
Chính phủ quyết liệt tháo gỡ pháp lý cho các dự án lớn, chấn chỉnh hoạt động đấu giá đất, đảm bảo minh bạch và ngăn chặn trục lợi. Ngân hàng Nhà nước kịp thời bình ổn giá vàng, quản lý chặt thị trường, hướng dòng vốn vào sản xuất kinh doanh. Đồng thời, xác thực sinh trắc học được triển khai, giảm mạnh các vụ lừa đảo tài chính.
Sự hợp tác và trách nhiệm cao từ nhân dân đã góp phần biến thách thức thành cơ hội, hướng tới mục tiêu chung là vượt qua khó khăn và ổn định cuộc sống.
Năm 2024, cụm từ “kỷ nguyên vươn mình của dân tộc” trở thành điểm nhấn nổi bật. Theo Tổng Bí thư Tô Lâm, sau gần 40 năm Đổi mới, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, đất nước đã bước vào một kỷ nguyên mới với những thành tựu to lớn, tạo nền tảng vững chắc cho niềm tin vào tương lai.
Việt Nam đặt mục tiêu đến năm 2030 trở thành quốc gia đang phát triển với nền công nghiệp hiện đại và thu nhập trung bình cao. Đến năm 2045, mục tiêu là trở thành quốc gia xã hội chủ nghĩa phát triển với mức thu nhập cao. Để hiện thực hóa các mục tiêu này, cần phát huy tinh thần tự lực, tự cường, khơi dậy khát vọng phát triển, đồng thời kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại.
Trong bối cảnh thế giới đang thay đổi mang tính thời đại, giai đoạn từ nay đến năm 2030 được xác định là thời điểm quan trọng để thiết lập trật tự mới và thực hiện mục tiêu chiến lược 100 năm, tạo nền tảng vững chắc cho hành trình phát triển tiếp theo của đất nước.
Nguồn: [Link nguồn]
-01/01/2025 03:51 AM (GMT+7)X | ||||||
CN | T2 | T3 | T4 | T5 | T6 | T7 |