Ngay sau Tết nguyên đán Tân Sửu, những ngày đầu năm 2021, hiện tượng giá đất tăng xuất hiện tại nhiều địa phương, tạo ra những cơn sốt đất khó tin. Đất đai sôi sục khắp nơi, giá tăng chóng mặt, trung bình tăng 10% sau mỗi tháng. Cục bộ một số nơi tăng 2-3 lần chỉ trong 1-2 tháng.
Song song với cơn sốt đất trên phạm vi cả nước, 2021 cũng là năm chứng kiến lượng F0 bất động sản tăng cao. Không có con số thống kê chính thức về lượng F0 tham gia thị trường song theo đánh giá của các đơn vị nghiên cứu, lực lượng này đã làm cho thị trường bất động sản trở nên sôi động hơn bao giờ hết.
Bất chấp những tác động tiêu cực của dịch Covid-19 kéo dài gần hai năm, thị trường BĐS liên tục xôn xao về những cơn sốt đất bùng phát trên diện rộng khắp các tỉnh thành từ Bắc vào Nam.
Anh Thái, một người làm nhân viên văn phòng, cũng là nhà đầu tư BĐS tại Hà Đông, Hà Nội chia sẻ, anh và những người đồng nghiệp của mình đã thắng lớn trong đợt sốt đất sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán 2021.
Nhà đầu tư 8X cho biết chỉ trong quãng thời gian 2 tháng sau Tết nhóm đầu tư của anh đã liên tục sang tay những lô đất đã đầu tư trước đó với tổng doanh thu khoảng 10 tỷ đồng, sau khi trừ đi các chi phí và vốn bỏ ra nhóm của anh lãi được gần 2 tỷ đồng. Sau khi chia nhau, người thu lời cao nhất hơn 1 tỷ đồng, những người còn lại cũng bỏ túi từ vài chục tới vài trăm triệu đồng (dựa theo số tiền góp đầu tư).
Anh Thái cho biết, thời gian này giá đất nền ở nhiều khu vực tại Hà Đông thậm chí tăng theo tuần, lượng nhà đầu tư các nơi đổ xô về đây tìm đất do giá khu vực này còn rẻ hơn nhiều khu vực khác tại Hà Nội.
Nửa cuối quý 3, do ảnh hưởng đợt bùng phát lần thứ 4 của dịch Covid-19, thị trường BĐS một lần nữa bị “nén" lại. Sau khi dịch bệnh được kiểm soát, thị trường BĐS một lần nữa "nóng" trở lại.
Theo ghi nhận của Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam, đất đai sôi sục khắp nơi, giá tăng chóng mặt, trung bình tăng 10% sau mỗi tháng. Cục bộ một số nơi tăng mạnh hơn, điển hình nhất là các vùng ven Hà Nội như Quốc Oai (tăng 20%), Ba Vì (45%); Hòa Bình (46%); Bắc Ninh (20%); Hưng Yên (26%)...
Anh Dũng, một nhà đầu tư BĐS đến từ Nam Định cũng cho biết giá đất nhiều khu vực tăng mạnh trong năm 2021 bất chấp dịch Covid-19. Nhà đầu tư này kể, đầu năm 2020 mua một mảnh đất 30m2 tại Yên Nghĩa, Hà Đông, Hà Nội với mức giá chỉ 18 triệu đồng/mét vuông. Tuy nhiên, sau khi các biện pháp giãn cách phòng chống dịch lần thứ 4 trong năm 2021 được gỡ bỏ, anh đã chốt lời khoản đầu tư này với mức giá 28 triệu đồng/mét vuông. Số tiền thu được, anh tiếp tục xuống tiền đầu tư tại khu vực Chúc Sơn, Chương Mỹ, Hà Nội với mức giá 19 triệu đồng/mét vuông. Anh Dũng cho biết với mỗi khoản đầu tư của mình thường kéo dài từ 2-3 năm tùy khu vực.
Cơn sốt đất cuối năm ngày càng lan rộng ở nhiều tỉnh thành. Có nơi ghi nhận tăng gấp đôi, gấp 3 hồi đầu năm như ở Kỳ Anh - Hà Tĩnh, Lâm Đồng, hay Bà Rịa Vũng Tàu... trở thành tâm điểm được các nhà đầu tư đến săn lùng đất.
Chị Trịnh Phương, một nhà đầu tư kiêm tư vấn về BĐS tại TP HCM cho biết trong 3 tháng cuối năm 2021, có những tháng bản thân chị đã chốt bán thành công hàng chục lô đất nền với giá từ vài trăm triệu đến vài tỷ đồng tại Lâm Đồng và Bà Rịa Vũng Tàu.
Chị Phương cũng cho biết, ảnh hưởng của dịch Covid-19 đã thay đổi thói quen tìm mua đất của những nhà đầu tư khi nhiều người sẵn sàng chốt cọc online khi xem video và hình ảnh được các tư vấn viên BĐS giới thiệu. Bản thân chị cũng chốt được cả chục thương vụ bán đất nền qua kênh online.
Theo chị Phương, chưa bao giờ thấy nhiều người quan tâm thị trường bất động sản khu vực này như thời gian qua. Cùng một mảnh đất nhưng hôm trước và hôm sau giá đã khác nhau. Cách đây 2 năm, giá đất vườn nhiều nơi tại khu vực Châu Đức, Đất Đỏ dao động chỉ từ 400-500 triệu đồng/sào (1.000m2), đến giữa năm 2021, hầu như khá hiếm nơi còn có giá dưới 1 tỷ đồng/sào và đặc biệt từ sau đợt giãn cách lần thứ 4 đến nay, giá đất lại tiếp tục tăng cao, phần lớn đã vượt mức trên dưới 2 tỷ đồng/sào.
“Nhiều người tỏ ra tiếc hùi hụi vì hôm trước do dự chưa quyết định, chỉ qua một đêm, hôm sau đã có người mua mất. Và chỉ sau thời gian ngắn giá đã tăng 20-30%” – chị Phương kể.
Nhà đầu tư này cũng cho biết sức nóng của thị trường Bà Rịa Vũng Tàu dường như không dừng lại ở khu vực nào mà lan tỏa trên diện rộng. Sau các khu vực Phú Mỹ, Xuyên Mộc,… tăng nóng, giá bất động sản đã bị đẩy lên cao. Thời điểm cuối năm, huyện Đất Đỏ đã trở thành điểm nóng mới khi liên tục ghi nhận sự đổ bộ của nhà đầu tư, đặc biệt đối với các khu vực gắn với các trục hạ tầng chính nhưng có giá còn “mềm”.
“Từ số tiền vốn hơn 2 tỷ bán miếng đất dịch vụ gần nhà bố mẹ đẻ thời điểm giữa năm 2019, sau hơn hai năm mua đi bán lại giờ đây tôi đã có 5 miếng ở các khu vực khác nhau. Nếu bán giá mềm để thu tiền về thì số vốn của tôi đã thành hơn 10 tỷ đồng” – nhà đầu tư này chia sẻ thêm.
Thống kê của Văn phòng Đăng ký Quyền sử dụng đất TP.Buôn Ma Thuột, hồ sơ về đất đai tăng mạnh thời gian qua. Có ngày, cán bộ nhân viên của bộ phận phải tiếp nhận hơn 600 hồ sơ, đây là số lượng hồ sơ tiếp nhận chưa từng có.
Thống kê của Văn phòng Đăng ký Quyền sử dụng đất Bà Rịa Vũng Tàu, hồ sơ về đất đai tăng mạnh thời gian qua, cao gấp 10 lần trước giãn cách. Trong khi đó, theo một lãnh đạo Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai TP.Buôn Ma Thuột, giá đất tại địa phương đang leo thang và tình trạng giao dịch diễn ra tấp nập. Trong tháng cuối năm 2021, đơn vị này đã tiếp nhận hơn 11.400 hồ sơ thủ tục hành chính lĩnh vực đất đai.
Cũng theo vị này, trong tháng đầu năm 2022, hồ sơ lĩnh vực đất đai tiếp tục đổ dồn về. Có ngày, cán bộ nhân viên của bộ phận phải tiếp nhận hơn 600 hồ sơ, đây là số lượng hồ sơ tiếp nhận chưa từng có.
Đặc biệt, thông tin về những cuộc đấu giá đất ở Thủ Thiêm vào tháng cuối năm đã bất ngờ gây chấn động thị trường..
Lô đất 3-12 tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm có diện tích 10.059m2 được trả giá lên mức 24.500 tỷ đồng, tương đương 2,4 tỷ đồng một mét vuông bởi công ty con của Tập đoàn Tân Hoàng Minh. Mặc dù, sau đó một tháng tập đoàn này đã xin đơn phương chấm dứt hợp đồng mua bán đấu giá lô đất trên.
Ngày 11/12/2021, bốn lô đất thuộc Khu đô thị mới Thủ Thiêm có tổng diện tích 30.000 m2 đã được UBND TP.HCM tổ chức bán đấu giá thành công thu về 37.346 tỷ đồng, vượt xa mức giá khởi điểm 5.300 tỷ đồng.
Đáng chú ý nhất là cuộc trả giá căng thẳng cho lô đất 3-12 có diện tích 10.059m2. Từ mức khởi điểm 2.942 tỷ đồng, sau 70 lần trả giá Công ty TNHH Đầu tư Bất động sản Ngôi Sao Việt - công ty con của Tập đoàn Tân Hoàng Minh đã sở hữu khu đất này với mức giá 24.500 tỷ đồng. Tính ra, mỗi mét vuông lô đất có giá lên đến hơn 2,4 tỷ đồng.
Mức giá 24.500 tỷ đồng mà Tân Hoàng Minh chấp nhận bỏ ra để sở hữu lô đất vàng khiến cả thị trường choáng váng. Đây có thể xem là mức giá kỷ lục cho một m2 đất tại Việt Nam hiện nay.
Các chuyên gia dự tính, giá đất "trên trời" 2,4 tỷ/m2 trong cuộc đấu giá đất Thủ Thiêm của Tân Hoàng Minh sẽ đẩy giá mỗi căn hộ lên khoảng 42,9 tỷ đồng. Điều này có nghĩa cú đấu giá chấn động này sẽ ảnh hưởng đến mọi phân khúc của thị trường BĐS.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA cho hay, kết quả trúng đấu giá 4 lô “đất vàng” ở Thủ Thiêm với mức giá quá cao so với giá trị thực tại thời điểm hiện tại đang gây bất lợi cho sự phát triển ổn định, bền vững của thị trường bất động sản.
Trước những diễn biến phức tạp của thị trường, lãnh đạo Bộ Xây dựng ký văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đánh giá, kiểm soát nguy cơ xảy ra bong bóng BĐS và tăng cường công tác quản lý tình hình thị trường BĐS, minh bạch thông tin, ngăn chặn hiện tượng tung tin đồn thổi, đầu cơ nhằm đẩy giá để trục lợi bất hợp pháp.
Ông Mai Văn Phấn, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Quản lý đất đai thẳng thắn nhìn nhận từ cơn sốt đất thời gian qua có bài học về công tác quản lý thị trường BĐS.
Mới đây, Thủ tướng đã ban hành công điện yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố, trực thuộc Trung ương rà soát công tác tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất trên địa bàn, đảm bảo đúng pháp luật công khai minh bạch; kịp thời phát hiện xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật trong đấu giá đất, ngăn chặn hành vi lợi dụng đấu giá để gây nhiễu loạn thị trường, trục lợi.