Mục sở thị hàng nghìn căn hộ ở Hà Nội bị bỏ hoang
Hàng nghìn căn hộ tái định cư tại Hà Nội đã xây xong nhiều năm và đang bị bỏ không, rất hoang tàn. Trong đó có cả những toà nhà nằm trên các vị trí "đất vàng" mà nhiều ông lớn bất động sản cũng phải ao ước.
Dự án nhà ở tái định cư N01 - D17 nằm tại số 1 Duy Tân (quận Cầu Giấy) có mức đầu tư 223 tỷ đồng, được khởi công xây dựng từ năm 2010 và dự kiến hoàn thành năm 2013. Thế nhưng, sau hơn 10 năm, công trình này vẫn bị "đắp chiếu". Đây là nơi bố trí tái định cư cho các hộ dân thuộc diện giải phóng mặt bằng, thu hồi đất phục vụ việc mở rộng tuyến đường Nguyễn Văn Huyên kéo dài và phục vụ di dân Khu đô thị mới Cầu Giấy.
Những dãy nhà 15 tầng nằm sừng sững trên đất vàng quận Cầu Giấy hiện trong cảnh hoang phế. Xung quanh, cỏ cây mọc um tùm; phía bên ngoài khu nhà được quây tôn che chắn kín mít. Phần vỉa hè của công trình biến thành bãi trông xe và điểm tập kết rác.
Nằm ở vị trung tâm của khu đô thị có hạ tầng giao thông thuận tiện, nhưng 3 tòa nhà tái định cư N3 - N4 - N5 tại Khu đô thị Sài Đồng (quận Long Biên) hàng chục năm qua cũng nằm phơi sương, phơi nắng. 3 toà nhà được bàn giao từ năm 2007, nhưng đến nay không có người sinh sống. Chỉ một số căn ở tầng 1 sử dụng làm văn phòng của Ban quản lý dự án của Công ty CP Xây dựng số 3 Hà Nội.
Phía ngoài, cỏ dại mọc um tùm. Vật liệu xây dựng ngổn ngang, chất kín các khu vực sảnh tầng 1. Thời điểm xây dựng, tổng số vốn đầu tư của công trình này là hơn 1.290 tỷ đồng.
Khu nhà giãn dân phố cổ rộng khoảng 30ha nằm trên đường Lý Sơn (quận Long Biên), xung quanh có các nút giao thông kết nối tiện lợi để đi về các hướng như quận Long Biên, Gia Lâm, Đông Anh... Khu nhà gồm 5 block nối nhau liên tục N015 (A, B, C, D, E), mỗi tòa 8-9 tầng, tổng hơn 80 căn hộ, thang máy đã được lắp đặt đầy đủ.
Tuy nhiên, dù đã hoàn tất hạ tầng nhiều năm, 5 tòa nhà giãn dân này vẫn bị bỏ trống, gây lãng phí. Lối vào hầm gửi xe tại các tòa nhà được bít kín bằng tôn. Xung quanh cỏ dại mọc um tùm do lâu ngày không được cắt tỉa.
Nằm sâu trong ngõ 156 đường Tam Trinh (Yên Sở, Hoàng Mai), một chung cư tái định cư cao 15 tầng đã nhiều năm không có người ở, khung cảnh hoang tàn. Phía ngoài quây tôn kín mít. Phần đất dành cho các công trình cây xanh công cộng, sân chơi... chưa được thi công, cây cối bụi dại mọc um tùm.
Cũng nằm trên đường Tam Trinh (quận Hoàng Mai), khu nhà tái định cư ngõ 587 luôn trong cảnh vắng lặng, không một bóng người. Khu nhà này được UBND thành phố giao quận Hoàng Mai làm chủ đầu tư tại thời điểm năm 2010, dự án có tổng kinh phí 761 tỷ đồng với quy mô dự kiến 4 cụm nhà chung cư cao tầng (từ 9 đến 15 tầng) có chức năng là nhà ở với hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, hoàn chỉnh.
Dù với mức đầu tư lớn, hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật cơ bản nhưng 2 tòa nhà này chỉ nằm trơ ra giữa những khu đất trống.
Cảnh "đắp chiếu" tương tự là dự án nhà tái định cư tại ngõ 22 đường Khuyến Lương (phường Trần Phú, quận Hoàng Mai). Hai khối nhà tái định cư, gồm một cụm nhà 15 tầng và một cụm nhà 9 tầng, với hàng trăm căn hộ được xây dựng từ nhiều năm nhưng vẫn không có người ở. Khu nhà này có vị trí giao thông thuận lợi, ngay cạnh đường Vành đai 3 và cầu Thanh Trì.
Ông Minh (phường Trần Phú) cho biết, do tòa nhà bỏ không nhiều năm phần sân bên ngoài được người dân quanh đó tận dụng để phơi thóc.
3 toà chung cư cao hơn 10 tầng thuộc dự án tái định cư Đền Lừ III nằm ngay mặt đường Tân Mai (quận Hoàng Mai), phía trước mặt là khuôn viên hồ Đền Lừ được cải tạo xanh mát. Tuy nhiên, những khu nhà cao tầng này đến nay cũng không được đưa vào sử dụng.
Nhiều hạng mục tại đây đã xuống cấp, gây lãng phí nguồn lực giữa bối cảnh nguồn cung nhà ở đang vô cùng khan hiếm.
Trao đổi với VietNamNet, ông Hoàng Hải, Cục trưởng Cục Quản lý Nhà và Thị trường Bất động sản (Bộ Xây dựng), cho hay, trước khi có Luật Nhà ở 2014, việc bố trí tái định cư cho người bị thu hồi đất chủ yếu thực hiện thông qua hình thức bồi thường bằng đất ở hoặc Nhà nước trực tiếp đầu tư xây dựng nhà ở tái định cư.
Từ khi có Luật Nhà ở 2014, việc bố trí nhà ở tái định cư được bổ sung hình thức mua nhà ở thương mại hoặc nhà ở xã hội (NƠXH) theo dự án tại các đô thị đặc biệt, loại I và loại II, vì vậy hạn chế việc Nhà nước phải đầu tư xây dựng dự án nhà ở tái định cư.
Ông Hải thừa nhận, tổng kết thi hành Luật Nhà ở năm 2014 cho thấy, thực tế vẫn còn một số trường hợp dự án nhà ở tái định cư (hình thành trước khi có Luật Nhà ở 2014) chưa được bố trí sử dụng, hoặc chưa được lấp đầy mà thiếu phương án xử lý, gây bức xúc cho người dân và xã hội, đồng thời gây lãng phí tài sản của Nhà nước và nguồn lực đất đai.
Các trường hợp chuyển đổi công năng nhà ở, chuyển đổi nhà ở phục vụ tái định cư sang làm NƠXH, từ nhà công vụ hoặc NƠXH sang làm nhà ở phục vụ tái định cư cũng được quy định rõ trong Luật Nhà ở 2023. Từ đó, nhằm sử dụng hiệu quả nhà ở đã hoàn thành đầu tư xây dựng, tránh bỏ trống, lãng phí tái sản.
Mới đây, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính giao Bộ Xây dựng nghiên cứu chuyển mục đích sử dụng nhà ở tại các khu tái định cư chưa sử dụng sang NƠXH, nhằm thúc đẩy thực hiện Đề án xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ NƠXH.
Nguồn: [Link nguồn]
Căn biệt thự 3 tầng tại Nam Định được xây xong phần thô thì dừng lại rồi bị bỏ hoang hơn 20 năm. Hiện tại, toàn bộ khu nhà bị rêu phong, cỏ dại bao phủ.