Mức giảm trừ gia cảnh cần phải được điều chỉnh hàng năm
Đây là ý kiến chung của nhiều chuyên gia và luật sư kinh tế về đề xuất của Bộ Tài chính nhằm tăng mức giảm trừ gia cảnh của Luật thuế Thu nhập cá nhân lên 11 triệu đồng/tháng và người phụ thuộc lên 4,4 triệu đồng/tháng.
Bộ Tài chính đang lấy ý kiến các bộ ngành, địa phương và các tổ chức, cá nhân về dự thảo nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh (GTGC) của thuế thu nhập cá nhân từ 9 triệu đồng lên mức 11 triệu đồng/tháng. Mức giảm trừ cho mỗi người phụ thuộc từ 3,6 triệu đồng lên 4,4 triệu đồng/tháng.
Theo giải trình từ Bộ Tài chính, việc điều chỉnh nâng mức GTGC sẽ góp phần giảm bớt khó khăn cho người nộp thuế trong bối cảnh giá cả, lạm phát tăng so với năm 2013.
Luật sư Nguyễn Thanh Hà cho rằng mức giảm trừ gia cảnh cần phải được điều chỉnh theo từng năm
Tuy nhiên, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng lẽ ra Bộ Tài chính cần nghiên cứu và lấy ý kiến sớm hơn về mức giảm trừ gia cảnh cho người đóng thuế thu nhập cá nhân bởi từ tháng 6/2019, CPI đã tăng hơn 23% . Việc Bộ Tài chính giờ mới đưa ra xin ý kiến để điều chỉnh thì sớm nhất cũng phải sang quý 2 Ủy ban Thường vụ Quốc hội mới họp, quyết định và ban hành nghị quyết về nâng mức giảm trừ gia cảnh.
Theo ông, dù mức giảm trừ gia cảnh mới được áp dụng cho kỳ tính thuế của năm nay, nhưng hàng tháng đơn vị chi trả thu nhập vẫn tạm khấu trừ thu nhập của người nộp thuế thu nhập cá nhân theo mức hiện hành. Điều này sẽ gây thiệt thòi cho gần 7 triệu người làm công ăn lương vốn chỉ trông vào đồng lương cho mọi sinh hoạt. Những người này sẽ phải đợi đến tháng 3 năm sau mới được hoàn lại tiền thuế đã đóng thừa.
Bên cạnh đó, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long còn cho biết đời sống của người dân ngày càng được nâng lên, nhu cầu về dịch vụ ăn uống, vui chơi giải trí, du lịch,… ngày càng tăng cao nên Bộ Tài chính cũng cần xem xét đến vấn đề này khi cân nhắc đưa ra mức giảm trừ gia cảnh đóng thuế thu nhập cá nhân cho phù hợp. Chúng ta không nên chỉ căn cứ vào chỉ số CPI để quyết định.
Chuyên gia Đinh Thế Hiển chia sẻ mỗi lần điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh hiện nay đang quá dài và chỉ tăng thêm khoảng 20% (bằng mức tăng CPI so với lần điều chỉnh trước đó), không theo kịp với mức tăng giá cả hàng hóa cũng như chi tiêu cho sinh hoạt của người nộp thuế. Ông Hiển cho rằng mức giảm trừ gia cảnh cần phải tăng ít nhất 30-35% so với mức cũ để người nộp thuế không cảm thấy mình bị thiệt, ngược lại còn có cảm giác được lợi vì được Nhà nước "chia sẻ" trong những năm đầu của kỳ điều chỉnh.
Trong khi đó, chia sẻ về vấn đề này, luật sư Nguyễn Thanh Hà – Chủ tịch Công ty Luật SB LAW nhận định chính sách tăng mức giảm trừ gia cảnh của Bộ Tài Chính là một động thái tích cực, nó thể hiện sự quan tâm của nhà nước đối với người nộp thuế. Tuy nhiên, theo ông mức giảm trừ gia cảnh chỉ dựa theo CPI như đề xuất hiện nay là chưa phù hợp, vì các lý do:
Thứ nhất, hiện nay khi kinh tế cuả Việt Nam đang không ngừng phát triển, đồng nghĩa với việc GDP hàng năm sẽ tăng kéo theo CPI cũng không ngừng tăng. Trong khi mức giảm trừ gia cảnh chỉ tăng so với mức hiện nay là 2.000.000 đồng và được áp dụng trong nhiều năm khi mà kinh tế, giá cả thị trường đang không ngừng leo thang.
Và nếu chỉ căn cứ vào CPI hiện tại thì không thể dự đoán được CPI trong tương lai. Hơn nữa, giá cả thị trường hiện nay đang tăng dần tính theo tháng chứ không còn tính theo năm nữa, trong khi mức lương của người lao động tăng chậm, thậm chí không tăng.
Đối với người phụ thuộc, ông chỉ ra rằng học phí tại các trung tâm, cơ sở giáo dục cũng đang tăng và gia đình nào cũng có nhu cầu muốn con theo học để bắt kịp với bạn bè và kiến thức ngày một rộng hơn thì với mức tăng lên 4.4 triệu đồng/tháng là quá thấp.
Thứ hai, nếu chỉ tính theo CPI thì mức giảm trừ gia cảnh sẽ không phụ thuộc vào mức lương tối thiểu vùng trong khi chênh lệch về mức lương giữa từng vùng đã lên tới 1.5 lần. Nhưng mức giảm trừ gia cảnh lại áp dụng chung cho tất cả các vùng là bất hợp lý.
Bên cạnh đó, luật sư Hà chỉ ra rằng tỷ lệ CPI tăng trên 20% mới điều chỉnh là quá cao, cần phải giảm xuống. Nếu lạm phát đã tăng 20%, nhưng không trên 20% thì người chịu thiệt ở đây chính là người nộp thuế.
Theo luật sư Hà, mức giảm trừ gia cảnh đối với cá nhân hiện nay nên xem xét ở mức 14 triệu đồng và 6 triệu đồng đối với người phụ thuộc. Để bám sát thực tiễn cuộc sống, mức giảm trừ gia cảnh cần phải được điều chỉnh hàng năm.
Trao đổi với phóng viên, luật sư Diệp Năng Bình - Trưởng Văn phòng Tinh Thông Luật, Đoàn Luật sư Thành phố Hồ Chí Minh cũng cho rằng mức giảm trừ gia cảnh mà Bộ Tài chính đề xuất là không phù hợp. Mặc dù luật quy định CPI tăng vượt mức 20% mới kiến nghị điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh nhưng cách tính mức mới này chưa tiếp cận được thực tế và tương lai phát triển của đất nước.
Hơn nữa, hiện cả nền kinh tế từ doanh nghiệp cho tới người dân đang bị ảnh hưởng nặng nề của Covid-19, không thể căn cứ vào mức thu nhập này để tính thuế cho năm nay và những năm tới. Ông cho rằng đề xuất mức giảm trừ gia cảnh mới này chưa áp dụng đã thấy quá lạc hậu và không phù hợp. Người nộp thuế sẽ phải chịu thiệt. Cần tính toán lại cho phù hợp hơn để tránh việc luật đưa vào sử dụng cứ phải sửa đi sửa lại.
Theo luật sư Bình, thời gian qua Đảng và Nhà nước không ngừng có những chính sách phát triển xã hội, nâng cao đời sống cho người dân. Do đó, không thể để cho người dân vừa mới lĩnh lương đã phải chi hết tiền. Bởi hiện nay người lao động phải chi rất nhiều khoản như tiền nhà, tiền điện, tiền nước, thậm chí tiền bị thâm hụt từ những tháng trước. Hoặc có những trường hợp bản thân mình đóng thuế thu nhập cá nhân trong khi lại không đủ chi tiêu cho đời sống.
Theo ông, mức giảm trừ gia cảnh đối với cá nhân phải nâng lên là 15 triệu. Mức giảm trừ cho người phụ thuộc phải nâng lên là 6 triệu thì mới phù hợp với thực tế của đối tượng tính thuế. Bởi khi người dân được kích cầu thì dòng tiền này lại chảy vào tiêu dùng, sản xuất và phát triển các doanh nghiệp.
Thu nhập bao nhiêu thì có thể mua nhà? Câu hỏi mà nhiều vợ chồng trẻ đang đặt lên bàn tính nhất hiện nay. Vậy, hai vợ...
Nguồn: [Link nguồn]