Mua ô tô trả góp: Cấm 'ép' mua bảo hiểm tự nguyện
Người mua ô tô vay vốn ngân hàng theo hình thức trả góp phải mua gói bảo hiểm thân vỏ “tự nguyện”, nhưng khi xảy ra tai nạn, khách hàng vẫn mòn mỏi yêu cầu bồi thường bảo hiểm. Đó là thực trạng hiện nay của nhiều chủ xe vay ngân hàng mua ô tô trả góp. Với quy định mới, người dân đang kỳ vọng thoát gánh nặng bảo hiểm tự nguyện.
Bị ép mua, mòn mỏi đòi bồi thường
Khi vay vốn ngân hàng để mua ô tô trả góp, khách hàng phải đồng ý mua gói bảo hiểm thân vỏ tự nguyện mới được giải ngân. Sau năm đầu tiên, nếu không tiếp tục mua bảo hiểm tự nguyện, nhiều ngân hàng không cấp giấy đi đường cho khách hàng.
Anh Lê Xuân (Long Biên, Hà Nội) chia sẻ, năm 2023, anh làm thủ tục vay vốn ngân hàng thương mại mua ô tô trả góp. Trước khi giải ngân, ngân hàng yêu cầu anh Xuân phải mua gói bảo hiểm thân vỏ tự nguyện trị giá gần 10 triệu đồng. Sau một năm, gói bảo hiểm hết thời hạn, nhân viên ngân hàng yêu cầu anh Xuân tiếp tục mua. Nếu không mua, ngân hàng không cấp giấy tờ cần thiết liên quan đến xe cho anh Xuân.
Sau khi xe bị tai nạn, khách hàng mòn mỏi đi đòi bồi thường bảo hiểm
“Khoản vay của tôi sau năm đầu tiên, tiền nợ phải trả hơn 200 triệu đồng nhưng phải mua bảo hiểm thân vỏ tự nguyện với trị giá 8 triệu đồng/năm. Chậm mua bảo hiểm, nhân viên ngân hàng không cấp giấy lưu hành cho tôi. Trong khi đó, bảo hiểm này gần như không sử dụng. Ngoài tiền lãi hằng tháng, chúng tôi phải trả thêm khoản bảo hiểm khá lớn mỗi năm”, anh Xuân chia sẻ.
Trường hợp bị ép mua bảo hiểm thân vỏ của anh Xuân khi vay vốn ngân hàng mua ô tô trả góp hiện nay diễn ra khá phổ biến. Theo tìm hiểu của Tiền Phong, hầu hết ô tô thế chấp vay vốn ngân hàng đều phải mua bảo hiểm tự nguyện.
Một trong những lý do khiến khách hàng không mặn mà với việc mua bảo hiểm thân vỏ tự nguyện do thủ tục bồi thường rườm rà, mất nhiều thời gian. Anh Nguyễn Đức Thuận (Đồng Nai) bức xúc kể về hành trình đòi bồi thường bảo hiểm. Sau khi mua ô tô mới, anh Thuận mua bảo hiểm thân vỏ của Bảo hiểm Pjico. Tuy nhiên, sau 5 tháng, xe của anh Thuận không may bị tai nạn. Nhân viên hãng bảo hiểm Pjico tới hiện trường, làm đầy đủ thủ tục. Dù thế, từ tháng 11/2023 tới nay, công ty bảo hiểm lần lữa bồi thường cho anh Thuận.
“Tôi nhiều lần gọi tới đường dây nóng của bảo hiểm nhưng không được trả lời. Công ty bảo hiểm yêu cầu tôi sang tên xe tai nạn cho đơn vị thứ 3 thu mua xác xe tai nạn. Tôi không đồng ý sang tên cho bên thứ 3 thì công ty bảo hiểm lấy lí do chưa giám định xong. Bảo hiểm cố tình kéo dài thời gian để khách hàng nản chí trong hành trình đòi lại quyền lợi. Khi mua bảo hiểm khách hàng là thượng đế, nhưng rất khổ sở đòi bồi thường”, anh Thuận bức xúc.
Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam cho biết, năm 2023, doanh thu bảo hiểm xe cơ giới tự nguyện đạt hơn 13.400 tỷ đồng, giảm 24% so với cùng kỳ năm 2022, trong đó, tổng số tiền bồi thường gần 8.400 tỷ đồng.
Sẽ cấm “ép” dưới mọi hình thức
Những năm gần đây, kênh bán sản phẩm bảo hiểm phi nhân thọ (trong đó có bảo hiểm xe cơ giới tự nguyện) liên kết với ngân hàng khá phát triển. Nhiều ngân hàng ký kết hợp tác với doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ. Bên cạnh lợi ích cho người mua bảo hiểm, vẫn còn tình trạng nhân viên ngân hàng “ép” khách hàng mua sản phẩm bảo hiểm tự nguyện.
Tại Luật Các tổ chức tín dụng 2024 vừa được thông qua, có điều khoản quy định cấm ngân hàng ép khách hàng mua bảo hiểm tự nguyện. Tại khoản 5, Điều 15 của luật này quy định “Cấm tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, người quản lý, người điều hành, nhân viên của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài gắn việc bán sản phẩm bảo hiểm không bắt buộc với việc cung ứng sản phẩm, dịch vụ ngân hàng dưới mọi hình thức”. Với điều khoản này, nhân viên tín dụng ép buộc khách hàng mua gói bảo hiểm tự nguyện là hoàn toàn sai luật.
Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam cho biết, năm 2023, doanh thu bảo hiểm xe cơ giới tự nguyện đạt hơn 13.400 tỷ đồng, giảm 24% so với cùng kỳ năm 2022; trong đó, tổng số tiền bồi thường gần 8.400 tỷ đồng.
Cùng với đó, Thông tư 67/2023/TT-BTC hướng dẫn luật Kinh doanh Bảo hiểm cũng nêu rõ, việc tham gia sản phẩm bảo hiểm không phải là điều kiện bắt buộc để sử dụng các sản phẩm, dịch vụ khác của tổ chức hoạt động đại lý.
Với những quy định trên, sắp tới, người vay ngân hàng mua ô tô trả góp kỳ vọng sẽ không bị ép mua sản phẩm bảo hiểm tự nguyện như bảo hiểm thân vỏ.
Trao đổi với PV Tiền Phong, đại diện Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) cho biết, theo quy định, ngoài bảo hiểm bắt buộc như bảo hiểm trách nhiệm dân sự chủ xe cơ giới, bảo hiểm y tế... doanh nghiệp không được phép ép khách hàng mua bảo hiểm tự nguyện.
“Trường hợp khách hàng vay vốn mua ô tô trả góp đồng thời mua bảo hiểm xe cơ giới tự nguyện, ngoài tuân thủ quy định của Luật Kinh doanh bảo hiểm, phải tuân thủ quy định của luật chuyên ngành. Ví dụ, hợp đồng vay vốn giữa khách hàng và ngân hàng có nội dung bắt buộc mua bảo hiểm hay không. Khi có dấu hiệu bị ép mua bảo hiểm, người dân phản ánh tới đường dây nóng của ngân hàng và cơ quan quản lý để có giải pháp xử lý nếu có vi phạm”, đại diện Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm cho biết.
Đã có quy định của pháp luật về việc ngân hàng bán chéo sản phẩm, góp phần giải quyết tình trạng người vay vốn bị "ép" mua bảo hiểm
Nguồn: [Link nguồn]