Mùa dịch, kinh doanh trực tuyến… “lên ngôi”

Trước nỗi lo lây bệnh khi tiếp xúc với người khác ngày càng tăng, nên việc mua sắm online là giải pháp hữu hiệu mà NTD lựa chọn ưu tiên trong thời điểm này. Để tồn tại, các siêu thị, hộ kinh doanh... cũng đã đẩy mạnh chuyển đổi phương thức kinh doanh từ truyền thống sang bán hàng online, và theo đó các dịch vụ giao hàng, giao đồ ăn tận nhà cũng đã “lên ngôi”.

Trước lo ngại về dịch bệnh COVID-19 có thể lây lan, đa số người dân lo ngại đến chỗ đông người để mua sắm, tiêu dùng, đã khiến việc kinh doanh tại các cửa hàng, chợ, siêu thị, Trung tâm thương mại, các nhà hàng, quán ăn... rơi vào cảnh khó khăn. Để thích ứng với thời cuộc, nhiều người tiêu dùng (NTD) đã chuyển sang hình thức mua hàng trực tuyến thay vì phải đến trực tiếp các điểm mua sắm, nên đây là thời cơ của các dịch vụ giao nhận...

Là một trong những điểm du lịch được UBND TP Hồ Chí Minh công nhận, từ lâu, chợ Bến Thành (quận 1) đã rất nổi tiếng là nơi tham quan, mua sắm của khách du lịch, đặc biệt là khách quốc tế. Tuy nhiên, kể từ sau Tết Nguyên đán Canh Tý đến nay, do bị ảnh hưởng dịch bệnh nên lượng khách nước ngoài đến mua sắm tại chợ này giảm đáng kể.

Thường ngày, khách ra vào tấp nập, việc mua bán cũng khá nhộn nhịp, sôi động, nhưng nay khách ra vào chợ thưa thớt, mỗi ngày cũng chỉ có lèo tèo vài khách du lịch đến từ các nước châu Á, khách Tây dạo chợ. Còn tiểu thương thì ngồi than ngắn thở dài hoặc bấm điện thoại “giết” thời gian.

Chợ Bến Thành vắng khách trong mùa dịch.

Chợ Bến Thành vắng khách trong mùa dịch.

Tại chợ Tân Định (quận 1), khi nhân viên tiếp thị đến “chào” sản phẩm mới, chị Bình, tiểu thương kinh doanh hàng may mặc tỏ vẻ khó chịu: “Mấy hôm nay hàng bán không được em ơi. Em cứ để lại thông tin, khi nào có nhu cầu thì chị gọi lại”. Tại chợ Tân Bình (quận Tân Bình), được biết đến là chợ sỉ phân phối nhiều mặt hàng về các tỉnh, nhiều nhất là sản phẩm quần áo may sẵn và nguyên phụ liệu may mặc.

Tuy nhiên, chị Ngọc, chủ cơ sở hàng may mặc chuyên bỏ sỉ cho các tiểu thương ở chợ này cho biết, nhiều tiểu thương ở chợ Tân Bình đã tạm ngưng đặt hàng vì họ nói các mối quen ở tỉnh cũng bị ảnh hưởng dịch bệnh, khó bán hàng nên lấy hàng rất ít.

Cảnh điều hiu, thưa thớt khách mua sắm đó là tình cảnh chung của nhiều chợ truyền thống trên địa bàn TP Hồ Chí Minh. Mới đây, hàng ngàn hộ kinh doanh tại chợ An Đông (quận 5) đã ký đơn xin giảm thuế vì doanh thu sụt giảm trầm trọng do dịch COVID-19.

 Theo lý giải của các tiểu thương kinh doanh tại chợ An Đông, do dịch COVID-19, người dân không dám tập trung vào những nơi đông người, không đến chợ mua hàng, nên từ ngày mở cửa bán lại sau Tết Nguyên đán đến nay, phần lớn các quầy không bán được hàng, mãi lực tại chợ gần như bằng 0. Do đó, tiểu thương cũng đã đồng loạt làm đơn gửi đến UBND quận 5, Chi cục Thuế, Công an quận 5, Ban quản lý chợ An Đông... với nguyện vọng xin được giảm 50% thuế hàng tháng trong thời gian 3 - 6 tháng (bắt đầu tính từ tháng 2-2020) cho toàn bộ tiểu thương đang kinh doanh tại chợ.

Không chỉ các chợ truyền thống vắng khách mua sắm mà kể cả các siêu thị lớn, các Trung tâm thương mại, các hàng quán ăn uống... cũng không nhộn nhịp so với trước đây. Chị Thúy (ngụ quận 7) cho biết: “Trước đây cứ mỗi cuối tuần tôi đều đến siêu thị Big C gần nhà ở đường Nguyễn Thị Thập để mua sắm và cho bé chơi các trò chơi trong siêu thị. Nhưng từ ngày có thông tin về dịch COVID-19 thì tôi không đi siêu thị mua sắm thường xuyên nữa, mà chỉ khi nào cần mua sắm các vật dụng cần thiết thì tôi mới đến siêu thị mua. Còn các loại rau củ quả tươi, thực phẩm chế biến thì tôi mua ngay ở cửa hàng tiện lợi trong khu chung cư tôi đang ở để tránh đông người”.

Trước nỗi lo lây bệnh khi tiếp xúc với người khác ngày càng tăng, nên việc mua sắm online là giải pháp hữu hiệu mà NTD lựa chọn ưu tiên trong thời điểm này. Để tồn tại, các siêu thị, hộ kinh doanh... cũng đã đẩy mạnh chuyển đổi phương thức kinh doanh từ truyền thống sang bán hàng online, và theo đó các dịch vụ giao hàng, giao đồ ăn tận nhà cũng đã “lên ngôi”.

Chị Thu, chủ quán ăn ở đường Phạm Hữu Lầu (quận 7) cho biết, trước khi dịch bệnh xảy ra quán của chị lúc nào cũng đông khách có khi còn không đủ bàn cho khách ngồi. Tuy nhiên, kể từ sau Tết đến nay, khách đến quán vắng hơn do thông tin về dịch. Nhưng được cái, lượng khách quen của quán nhiều, chủ yếu là khách làm khách văn phòng nên đặt mua về khá đông. Bắt đầu từ khoảng 11 giờ trưa mỗi ngày, các tài xế công nghệ đến quán chờ nhận hàng còn đông hơn cả khách ăn tại quán.

Chị Nga, chủ kinh doanh mặt hàng quần áo trên đường Huỳnh Tấn Phát (quận 7) cho biết, doanh thu của cửa hàng hiện chỉ bằng 30% so cùng thời điểm năm trước. “Để bán được hàng, mấy ngày gần đây tôi đã đẩy mạnh bán hàng online thông qua mạng xã hội Facebook, Zalo, Website, và điện thoại tư vấn khách hàng không cần phải đến cửa hàng, cứ để nhân viên hoặc đơn vị vận chuyển sẽ giao hàng đến tận nhà cho khách. Khi hàng giao đến, khách được quyền mở ra kiểm tra, chỉ khi nào thấy ưng ý thì mới thanh toán, nhận hàng, chị Nga nói.

Tại các hệ thống siêu thị như Big C, Sàigon Co.op, MM Mega Market... cũng đã tăng cường hình thức thương mại điện tử (TMĐT), mua sắm online, để NTD ở nhà vẫn có thể chọn mua tất cả các mặt hàng cần mua mà không cần phải tới siêu thị. Bên cạnh đó, để kích thích sức mua của NTD qua kênh trực tuyến, các sàn TMĐT như Shopee, Tiki, Lazada… cũng đã chọn hình thức hợp tác cùng siêu thị với nhiều khuyến mãi lớn đến 30% đơn hàng trong suốt tháng 2-2020.

Thông tin từ Bộ Công Thương cho thấy, việc mở rộng kênh bán hàng online, huy động các doanh nghiệp TMĐT, logistics vào cuộc... cũng là một trong những kịch bản được Bộ Công Thương đưa ra, qua đó hỗ trợ NTD mua sắm nhưng vẫn hạn chế đến chỗ đông người trong thời kỳ dịch bệnh.

Hiện, nhu cầu mua sắm, tiêu dùng của người dân đã có thay đổi rõ rệt, chuyển từ trực tiếp sang trực tuyến, online. Tuy nhiên, bên cạnh những tiện lợi, người mua hàng gặp phải không ít cảnh "dở khóc, dở cười" khi mua phải hàng kém chất lượng, trong đó có nhiều mặt hàng chống dịch như khẩu trang, nước rửa tay, dung dịch sát khuẩn...

Mới đây, Bộ Công Thương phối hợp với một số sàn TMĐT như Shopee, Lazada, Tiki… đã phát hiện, xử lý trên 30.000 gian hàng online lợi dụng COVID-19 để trục lợi với gần 48.000 sản phẩm vi phạm. Vì vậy, NTD cần thận trọng khi mua hàng để tránh “tiền mất tật mang”.

Nguồn: [Link nguồn]

Gửi tiền tiết kiệm kỳ hạn 12 tháng, ngân hàng nào đang trả lãi cao nhất?

Kỳ hạn 12 tháng hiện được nhiều người lựa chọn khi gửi tiền tiết kiệm do có lãi suất hấp dẫn. Mức lãi suất tiết...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Thúy Hà ([Tên nguồn])
Kinh Doanh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN