Mua đất làm nhà cưới vợ, nay con vào đại học vẫn chưa thể xây nhà

Dự án Khu dân cư Bình An (P.An Khánh, TP.Thủ Đức) nằm ở vị trí “đất vàng” ngay gần vòng xoay Trần Não – Lương Định Của được Thủ tướng ký quyết định giao đất đã hơn 20 nhưng đến nay vẫn chưa hoàn thành.

Sở hữu “đất vàng” vẫn phải đi… ở trọ!

Hàng chục khách hàng mua nền đất tại dự án KDC Bình An do Công ty Trường Thịnh làm chủ đầu tư vừa gửi đơn cầu cứu tới các cơ quan chức năng đề nghị nhanh chóng vào cuộc tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc để sớm bàn giao nền đất cho người dân xây nhà. Theo đó, các khách hàng cho biết đã bỏ ra số tiền hàng tỷ đồng mua nền đất tại dự án này nhưng suốt hơn 20 năm qua phải chờ đợi trong mỏi mòn vẫn chưa được xây dựng nhà để có chốn an cư.

Khách hàng mua đất dự án KDC Bình An yêu cầu xử lý tình trạng xây dựng không phép và sớm bàn giao đất, sổ hồng cho khách hàng

Khách hàng mua đất dự án KDC Bình An yêu cầu xử lý tình trạng xây dựng không phép và sớm bàn giao đất, sổ hồng cho khách hàng

Khuôn mặt lộ rõ vẻ khắc khổ, ông N.T.T (58 tuổi, ngụ TP. Thủ Đức) cho biết là người dân ở Thủ Thiêm bị giải tỏa nên gom góp tiền đền bù để mua một nền đất diện tích 116,4m2. Tưởng rằng sẽ sớm có chỗ ở mới cho vợ con nhưng chờ đợi trong mỏi mòn suốt hàng chục năm qua ông vẫn chưa nhận được nền đất để xây nhà. Hiện cả gia đình ông T. vẫn phải chịu cảnh đi ở trọ.

Tương tự, bà T.T.T (81 tuổi, ngụ Q.Bình Thạnh) cho biết sau nhiều năm cả hai vợ chồng đi xuất khẩu lao động ở nước ngoài tích góp được một số tiền đã dồn hết vào mua một nền đất tại dự án này để mong xây nhà an hưởng tuổi già và có chỗ khang trang làm nơi thờ phụng người thân là liệt sĩ. Nhưng thay vì được hưởng niềm vui có chỗ an cư khi tuổi xế chiều thì bà T lại phải vất vả ôm đơn đi cầu cứ khắp nơi để mong sớm nhận được nền đất.

Là người kỹ tính nên trước khi mua đất, bà T đã kiểm tra thấy dự án đã được Thủ tướng ký quyết định giao đất, đã được phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500 và đã hoàn thành xong nghĩa vụ tài chính về đất đai nên cảm thấy yên tâm. Tuy nhiên, bà T. không ngờ rằng từ khi mua nền đất đến nay dự án vẫn trong tình cảnh “đắp chiếu, trùm mềm”.

Dự án KDC Bình An đến nay vẫn chưa hoàn thành

Dự án KDC Bình An đến nay vẫn chưa hoàn thành

Anh H.H (48 tuổi, ngụ Q.Bình Thạnh) cho biết mua nền đất tại dự án KDC Bình An từ năm 2004 để cưới vợ. Đến nay, con của anh đã vào đại học nhưng gia đình anh vẫn chưa có nhà để ở. “Ngày xưa dự án nằm khu heo hút toàn ao rau muống và dừa nước. Nay con đường Lương Định Của được mở rộng nên dự án nằm ngay mặt tiền đường ở vị trí đắc địa, giá trị mỗi lô đất lên đến hơn cả chục tỷ đồng. Tuy nhiên, chúng tôi chỉ có thể nhìn ngắm “đất vàng” của mình mà không thể xây nhà do dự án vẫn chưa hoàn thành”, anh H bức xúc.

May mắn hơn những trường hợp trên, một số người dân khi được chủ đầu tư bàn giao nền đất đã xây dựng được nhà để ở. Tuy nhiên, do dự án chưa hoàn thành nên đến nay họ vẫn chưa được cấp sổ hồng. Do chưa được đứng tên “chính chủ” nên người dân không thể làm thủ tục thế chấp vay mượn tiền từ ngân hàng để lấy vốn làm ăn, không thể đăng ký thường trú, không nhập được hộ khẩu để con cái có thể đi học được tại các trường đúng tuyến trên địa bàn… khiến họ cảm thấy như “ở trọ” trên chính ngôi nhà của mình.

Dự án “đứng hình” vì xây dựng không phép!

Theo tìm hiểu của chúng tôi, dự án KDC Bình An được Thủ tướng Chính phủ giao đất cho Công ty Trường Thịnh làm chủ đầu tư từ năm 1998. Dự án có diện tích gần 3,1 ha với quy mô 94 căn nhà liên kế và 3 block chung cư, còn lại là diện tích đất hạ tầng giao thông và công trình công cộng. Tuy nhiên, dù đã được triển khai hơn 20 năm nhưng đến nay dự án này vẫn còn trong tình trạng dang dở.

Có mặt tại dự án này vào một ngày cuối tháng 6/2024, chúng tôi không khỏi bất ngờ khi cả dự án chỉ mới có 11 căn nhà được xây dựng theo thiết kế nhà mẫu được cơ quan chức năng phê duyệt. Ông T, một người dân ở đây cho biết xây nhà vào năm 2015 ngay khi được chủ đầu tư bàn giao nền đất. Đến năm 2017, địa phương đình chỉ không cho phép khách hàng xây dựng vì dự án vẫn chưa hoàn thiện xong hạ tầng.

Ông Nguyễn Hải Ninh – Trưởng BQL dự án KDC Bình An cho biết một trong những nguyên nhân chính khiến dự án chưa hoàn thành là do bị người dân tái chiếm, xây dựng không phép trên đất dự án. Theo đó, để thực hiện dự án, từ năm 2003 chủ đầu tư đã hiệp thương, thỏa thuận nhận quyền sử dụng đất của 3 chi gia tộc sử dụng đất theo bằng khoán của chế độ cũ với diện tích 32.184,8m2 bằng hình thức “Hợp đồng thỏa thuận đền bù và hoán đổi đất”.

Khu nhà có những căn xây dựng không phép với quy mô lên tới cả ngàn mét vuông

Khu nhà có những căn xây dựng không phép với quy mô lên tới cả ngàn mét vuông

Chủ đầu tư đã chi trả hơn 44,6 tỷ đồng tiền bồi thường và hoán đổi 22 nền đất tái định cư tại chỗ cho 3 chi gia tộc. Ngoài ra, trên đất của 3 chi gia tộc còn có 47 hộ dân cư ngụ với diện tích 9.602,4m2. Chủ đầu tư đã phải bồi thường thêm cho những hộ dân này với số tiền gần 62 tỷ đồng và tái định cư bằng một số nền đất tại một dự án khác ở Quận 9 (cũ).

Tuy nhiên, một số hộ dân đã tái lấn chiếm để xây dựng nhiều công trình xây dựng không phép. Có hộ tái chiếm cả ngàn mét vuông để xây dựng nhà kiên cố hoặc các khu nhà xưởng, nhà trọ cho thuê.

Liên quan đến tình trạng xây dựng không phép tại dự án này, Thanh tra TPHCM từng ban hành kết luận thanh tra số 42/KL-TTTP-P4 ký ngày 24/11/2017, yêu cầu chính quyền địa phương “chấn chỉnh rút kinh nghiệm do để xảy ra việc vi phạm trật tự về xây dựng đối với các căn nhà tại dự án”. Tuy nhiên sau đó việc xử lý không được thực hiện quyết liệt nên tình trạng trên vẫn chưa được giải quyết dứt điểm.

Một căn nhà xây dựng kiên cố bằng bê-tông cốt thép nhưng không có giấy phép xây dựng

Một căn nhà xây dựng kiên cố bằng bê-tông cốt thép nhưng không có giấy phép xây dựng

Mới đây vào đầu tháng 5/2024, nhiều khách hàng mua đất dự án phát hiện một hộ dân huy động máy móc đến ép cọc bê tông để xây dựng nhà cao tầng kiên cố không phép, có dấu hiệu chồng lấn lên các nền đất khách hàng đã mua, nên đã làm đơn tố cáo yêu cầu đình chỉ xây dựng và cưỡng chế tháo dỡ theo quy định.

Cầm trên tay gần 10 quyết định xử phạt và cưỡng chế xây dựng không phép, ông Nguyễn Hải Ninh cho biết đến nay các công trình xây dựng vi phạm đều chưa bị cưỡng chế tháo dỡ. “Việc lấn chiếm xây dựng không phép của một số người dân khiến dự án bị “đứng hình” suốt nhiều năm qua. Nhiều khách hàng chờ đợi quá lâu đã kéo đến công ty bày tỏ bức xúc khiến chúng tôi cũng rất áp lực. Do đó, chúng tôi mong cơ quan chức năng cùng vào cuộc tháo gỡ các vướng mắc để dự án sớm hoàn thành, bàn giao nền đất cho khách hàng”, ông Ninh chia sẻ.

Nguồn: [Link nguồn]

Cùng với sự phục hồi của thị trường BĐS những tháng gần đây, giá đất nền khu vực này của Hà Nội ghi nhận mức tăng từ 3 đến 5 lần so với thời điểm cách đây 6 năm.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Thiên Long ([Tên nguồn])
Thị trường bất động sản Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN