Mua danh nhà đầu tư để chơi trái phiếu: Dễ trắng tay!
Trái phiếu doanh nghiệp không phải là tiền gửi ngân hàng mà được doanh nghiệp phát hành, do đó nhà đầu tư có thể gặp rủi ro khi doanh nghiệp không đảm bảo được nghĩa vụ trả nợ gốc và lãi.
Bộ Tài chính khẳng định theo quy định hiện hành, nếu không phải nhà đầu tư chuyên nghiệp thì không được mua trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) riêng lẻ. Nếu dùng các cách thức không đúng quy định pháp luật để trở thành nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp thì cả nhà đầu tư lẫn tổ chức cung cấp dịch vụ xác nhận sẽ bị xử lý nghiêm.
Xuất hiện nhiều nhóm mời gọi đầu tư chứng khoán trên mạng xã hội với lãi suất cao. Ảnh: TL
Lách luật để mua danh nhà đầu tư chuyên nghiệp
Theo khảo sát của PV Pháp Luật TP.HCM, nhiều nhà đầu tư cá nhân đang tìm đủ cách để trở thành nhà đầu tư chuyên nghiệp nhằm mua TPDN riêng lẻ hoặc góp vốn thông qua hình thức hợp đồng hợp tác đầu tư với nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp. Đáng lo ngại, để chào mời nhà đầu tư cá nhân mua trái phiếu riêng lẻ, trên thị trường đã xuất hiện nhiều cách thức lách quy định của pháp luật.
Chị Bảo Trâm (nhà ở quận 2, TP.HCM) chia sẻ chị có 450 triệu đồng tiền nhàn rỗi. Nếu gửi số tiền này vào ngân hàng kỳ hạn dưới ba tháng thì mức lãi suất chỉ khoảng 4%/năm. Trong khi đó nếu đầu tư vào TPDN mức lãi tối thiểu cũng cao hơn gấp đôi, tức khoảng 3 triệu đồng. Chính vì vậy chị lên một số nhóm trên mạng xã hội bày tỏ mong muốn tìm kênh đầu tư TPDN.
“Biết tôi đang có nhu cầu đầu tư vào TPDN nhưng lại không phải là nhà đầu tư chuyên nghiệp nên một số người tự xưng là nhân viên của công ty chứng khoán, nhà đất, ngân hàng mời gọi tôi đầu tư. Họ khẳng định rằng có nhiều cách để tôi trở thành nhà đầu tư chuyên nghiệp với thủ tục rất đơn giản và chỉ cần tôi bỏ ra khoảng 2,5 triệu đồng. Họ còn hướng dẫn tôi mua TPDN thông qua hợp đồng ủy quyền” - chị Trâm kể.
Thực tế gần đây trên mạng xã hội xuất hiện rất nhiều nhân viên môi giới chào mời cá nhân mua TPDN bằng hợp đồng ủy quyền hoặc bỏ chi phí để làm giấy chứng nhận nhà đầu tư chuyên nghiệp. Nhiều tài khoản tung lời quảng cáo đường mật như: Nhà đầu tư sẽ được hưởng lãi suất cao 10%-12%, cam kết trả lãi cao hằng tháng, lãi suất hấp dẫn hơn rất nhiều so với gửi tiền tiết kiệm tại ngân hàng...
T, chủ một tài khoản tự xưng là nhân viên môi giới trái phiếu, quảng cáo: “Công ty chứng khoán nơi tôi làm đã mua lại một lô trái phiếu do một nhà đầu tư bất động sản uy tín phát hành. Nay chúng tôi chia lô trái phiếu này thành các lô nhỏ với kỳ hạn linh hoạt từ ba, sáu, chín và 12 tháng để khách hàng dễ lựa chọn.
Cùng lô trái phiếu này nhưng ngân hàng chỉ đưa ra mức lãi suất 9%/năm, trong khi nếu đầu tư vào lô trái phiếu này với kỳ hạn một năm thông qua bên em, nhà đầu tư sẽ được hưởng lãi suất 11%/năm. Về khoản chứng nhận nhà đầu tư chuyên nghiệp thì mọi người khỏi cần lo…”.
Ngoài ra, nhân viên này cho biết: Tài sản bảo đảm của lô trái phiếu này gồm bất động sản và dòng tiền kinh doanh sẽ được ngân hàng phong tỏa trong suốt thời gian phát hành trái phiếu. Do đó, nếu có rủi ro xảy ra thì ngân hàng sẽ lấy số tiền đó để bồi thường cho khách hàng mà không cần phải bán tài sản của doanh nghiệp. Tức nhà đầu tư không sợ gặp rủi ro.
Đối mặt với rủi ro trắng tay
Ông Dương Anh Vũ, chuyên gia tài chính, phân tích môi giới thường đưa ra mức lãi cao để hút nhà đầu tư nhưng thực tế cho thấy lãi suất càng cao thì rủi ro càng lớn. Do vậy, các nhà đầu tư cá nhân cần cân nhắc khi mua TPDN, nhất là những nhà đầu tư cá nhân, nhỏ lẻ và chưa có giấy chứng nhận là nhà đầu tư chuyên nghiệp.
Bên cạnh đó, hiện nay nhiều ngân hàng và công ty chứng khoán phân phối trái phiếu của các doanh nghiệp phát hành trái phiếu riêng lẻ để được hưởng phí dịch vụ và chênh lệch lãi suất. Nghĩa là họ không chịu trách nhiệm về việc thanh toán gốc và lãi đúng hạn cho nhà đầu tư.
“Vì vậy, nhà đầu tư cần phải tìm hiểu kỹ phạm vi bảo lãnh thanh toán đối với trái phiếu mà mình định đầu tư. Cụ thể, nếu có rủi ro thì nhà đầu tư có được bảo lãnh thanh toán toàn bộ tiền gốc, lãi hay chỉ bảo lãnh thanh toán một phần gốc và lãi, phần còn lại sẽ do nhà đầu tư gánh” - ông Vũ nói.
Ông Nguyễn Hoàng Dương, Phó Vụ trưởng Vụ Tài chính các ngân hàng và tổ chức tài chính thuộc Bộ Tài chính, cũng cảnh báo: Thời gian gần đây, trên các mạng xã hội có hiện tượng môi giới của một số công ty, tổ chức tài chính mời chào người dân mua TPDN như một hình thức gửi tiết kiệm cùng lời chào mời hỗ trợ lách luật để trở thành nhà đầu tư chuyên nghiệp với mức phí 2-3 triệu đồng.
“Mọi hành vi lách các quy định của pháp luật để trở thành nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp không chỉ khiến nhà đầu tư chịu nhiều rủi ro, tổn thất khi mua trái phiếu (có thể mất toàn bộ tiền đầu tư) mà còn là hành vi vi phạm pháp luật. Cơ quan quản lý nhà nước sẽ thực hiện thanh tra, kiểm tra để xử lý nghiêm minh những hành vi lách quy định của pháp luật” - ông Dương nhấn mạnh.
Đại diện Bộ Tài chính cũng lưu ý thêm TPDN không phải là tiền gửi ngân hàng mà được doanh nghiệp phát hành theo nguyên tắc tự vay, tự trả, tự chịu trách nhiệm về khả năng trả nợ. Do đó, nhà đầu tư mua TPDN có rủi ro khi doanh nghiệp không đảm bảo được nghĩa vụ trả nợ gốc, lãi trái phiếu.•
Tìm hiểu kỹ về đơn vị phát hành trái phiếu
Luật Chứng khoán năm 2019, Luật Doanh nghiệp năm 2020 có hiệu lực từ ngày 1-1-2021 và các nghị định hướng dẫn nêu rõ: TPDN riêng lẻ là sản phẩm đầu tư chỉ dành cho các nhà đầu tư chuyên nghiệp, tức là những nhà đầu tư có năng lực tài chính, có kinh nghiệm, có khả năng phân tích và chấp nhận rủi ro khi xảy ra.
Khác với TPDN chào bán ra công chúng được Ủy ban Chứng khoán nhà nước cấp giấy chứng nhận đăng ký chào bán mà không giới hạn nhà đầu tư, TPDN riêng lẻ không được cơ quan quản lý cấp phép.
Bộ Tài chính cho biết trên thị trường TPDN riêng lẻ hiện nay phần lớn tài sản đảm bảo là bất động sản và các chương trình, dự án, chứng khoán hoặc kết hợp các loại tài sản (bất động sản, chứng khoán).
Nhà đầu tư cần tìm hiểu kỹ về điều kiện của tài sản đảm bảo, chất lượng, giá trị của tài sản đảm bảo và các cam kết về bảo đảm của doanh nghiệp phát hành.
Nguồn: [Link nguồn]
Sở TN&MT Quảng Trị vừa phát đi thông tin cảnh báo sau khi phát hiện trường hợp giả mạo chữ ký lãnh đạo và con dấu của Sở này để lừa đảo ở TP Vũng Tàu.