Mua bán chung cư mini: Nhiều rủi ro vẫn giao dịch
Với lợi thế về vị trí, giá thành nên nhiều gia đình đã chọn chung cư mini làm nơi “xây tổ ấm”. Tuy nhiên, các chuyên gia cũng cảnh báo về nguy cơ rủi ro của loại hình căn hộ này.
Mua bán sang tay
Trong vai người có nhu cầu, chúng tôi liên hệ với một người tên Thảo rao bán chung cư mini. Người này cho biết, gia đình có một căn chung cư mini tại số nhà 300 đường Mỹ Đình (phường Mỹ Đình 1, quận Nam Từ Liêm) có diện tích gần 50m2, bán với giá 960 triệu đồng. Căn hộ được gia đình Thảo mua từ năm 2017 và sử dụng cho đến nay. Gần đây, gia đình Thảo làm ăn được muốn đổi chỗ ở rộng hơn.
Thảo cũng cho biết, tòa nhà có 9 tầng, với khoảng 70 căn hộ, hiện các phòng đã lấp kín. Thảo cũng cho biết, căn hộ chưa có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất (sổ hồng) cho từng căn hộ. “Hiện nay, chỉ có sổ đỏ chung của tòa nhà. Như căn nhà em, cũng chỉ có giấy tờ mua bán viết tay công chứng. Vì vậy, nếu anh chị đồng ý mua bán, thì hai bên sẽ lập vi bằng, ra văn phòng công chứng để làm thủ tục”, Thảo nói.
Bên trong một căn hộ trong tòa nhà chung cư mini trên đường Trần Bình
Theo lãnh đạo UBND phường Mỹ Đình 1, tòa nhà 300 Mỹ Đình do một cá nhân đầu tư xây dựng, hiện đã bán hết cho người dân. Tuy nhiên, khi đề cập đến pháp lý căn hộ, người này cho biết sẽ bố trí cán bộ phụ trách trả lời sau.
Tiếp tục tìm mua chung cư mini, một môi giới tên Lam đã dẫn chúng tôi đến một tòa nhà trên đường Trần Bình (phường Mai Dịch, quận Cầu Giấy). Căn chung cư mini Lam đưa đến có diện tích khoảng 30m2, gồm 1 phòng khách, 1 phòng ngủ, được chào bán với giá 650 triệu đồng có thương lượng. Dù vậy, Lam cũng thừa nhận chỉ có sổ đỏ chung tòa nhà, chứ không có sổ hồng riêng cho từng căn hộ.
“Hiện nay, giá chung cư ở Hà Nội đang rất cao. Trên khu vực này chung cư thương mại có giá khoảng 40-50 triệu đồng/m2. Tuy nhiên, với hơn 600 triệu đồng đã có thể sở hữu căn hộ tại khu vực đông dân cư, gần trường học thế này là rất hiếm”, môi giới Lam giới thiệu.
Chỉ sang tòa chung cư mini Kinh Đô 12 bên cạnh, Lam cho biết tòa nhà có cao 9 tầng, được xây dựng từ năm 2016, do Cty CP Tư vấn & Đầu tư Đất Vàng Kinh Đô xây dựng. “Tòa nhà em vừa đưa anh vào xem cùng với tòa nhà Kinh Đô 12 cùng là của một chủ đầu tư”, Lam nói.
Ông Vũ Quang Trung, Giám đốc một Cty xây dựng tại Hà Nội cho biết, việc xây dựng chung cư mini rồi bán giúp chủ đầu tư thu lãi lớn. Thông thường, giá thành xây dựng chung cư mini chỉ vào khoảng 5- 6 triệu đồng/m2, cùng với giá đất trong ngõ nhỏ thì giá thành cũng chỉ vào khoảng 9- 10 triệu đồng/m2. Sau khi xây xong, chủ đầu tư bán khoảng 20 triệu đồng/m2, vị trí đẹp giá còn cao hơn. Trung bình, mỗi tòa nhà chung cư mini, chủ đầu tư lãi hàng chục tỷ đồng. Trong khi đó, trước đó do việc quản lý lỏng lẻo nên nhiều chủ đầu tư đã lợi dụng để kiếm lời. Vì thế, mới có chuyện một chủ đầu tư xây dựng hàng chục chung cư mini để bán.
Khó tiếp cận nhà thương mại
Trao đổi với PV Tiền Phong, lãnh đạo UBND quận Thanh Xuân cho biết, từ sau khi xảy ra vụ cháy, quận đã chỉ đạo các phòng, ban, UBND phường cũng tiến hành rà soát các chung cư mini, nhà nhiều phòng cho thuê trọ. Kết quả cho thấy, hầu hết các chung cư mini được xây dựng từ những năm 2013- 2014, hiện đã được người dân mua bán, chuyển nhượng. “Hầu hết các chung cư mini đều có sai sót, nhưng xảy ra ở giai đoạn trước. Quận đã vận động các chủ chung cư mini, chủ căn hộ bổ sung trang thiết bị PCCC”, vị lãnh đạo này, nói.
Vị lãnh đạo quận Thanh Xuân cũng cho biết, từ những năm 2010 đã có những văn bản quy định về chung cư mini. Tuy nhiên, do pháp luật chưa rõ ràng nên hầu hết các chung cư mini đều không thể cấp sổ hồng riêng cho từng căn hộ.
“Nhà xã hội ở Hà Nội bây giờ cũng phải 1,4 tỷ đồng/căn, nhưng không phải ai cũng mua được. Trong khi đó, nhà thương mại ở Thanh Xuân hiện không dưới 50 triệu đồng/m2 nên mỗi căn cũng khoảng 3 tỷ đồng”, vị lãnh đạo này nói.
Luật sư Nguyễn Thị Vinh (Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội) cho biết, việc xây dựng nhà riêng lẻ hay chung cư đều phải tuân thủ các quy định của pháp luật. Đối với loại hình chung cư mini, tuy đã có văn bản từ hàng chục năm trước nhưng do còn nhiều vấn đề nên loại hình căn hộ này chưa thể làm được sổ đỏ. Do đó, khi mua căn hộ chung cư mini, người dân có thể gặp nhiều rủi ro.Về bản chất hợp đồng mua bán chung cư mini không có giá trị pháp lý nếu có xảy ra tranh chấp giữa các bên thì có khả năng bị tòa án tuyên vô hiệu. "Đặc biệt, nếu chỉ giao dịch mua bán bằng giấy viết tay thì tất nhiên quyền thế chấp căn hộ đó vẫn thuộc về chủ đầu tư", luật sư Vinh, nói.
Kinh doanh “ế ẩm“khiến hàng loạt chủ shop trả mặt bằng. Ở phía người cho thuê, cũng đối mặt muôn vàn khó khăn bởi áp lực trả lãi vay, mất cả triệu đồng mỗi ngày vì mặt...
Nguồn: [Link nguồn]