Mù Cang Chải: 247 học sinh cùng trường chen chúc, chia giờ sinh hoạt trong "nhà tắm" 10m2

Nằm ở nơi “cùng trời” của xã Chế Tạo, huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái, Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học và Trung học cơ sở Chế Tạo gặp khó khăn lớn trong việc bố trí công trình vệ sinh cho học sinh. Mỗi ngày, 247 em phải chia giờ để sinh hoạt trong một không gian được quây tôn, chật hẹp chỉ 10 mét vuông.

Ngôi trường 100% học sinh người dân tộc Mông

Là một ngôi trường nhỏ nằm cách trung tâm huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái 35km, năm học 2024 - 2025, Trường phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học và Trung học cơ sở Chế Tạo là nơi 568 học sinh theo học với các khu hành chính, điểm trường, công trình công cộng… phân bổ rải rác trong phạm vi khoảng 2km. Sở dĩ khuôn viên trường có sự thiếu liền mạch là vì địa hình đặc thù của xã Chế Tạo gồm nhiều đồi núi gồ ghề, mặt bằng không đủ bằng phẳng để thi công.

Điểm trường Tiểu học Chế Tạo hiện đang là nơi giảng dạy cho 319 học sinh tại Mù Cang Chải - Ảnh : DNCC

Điểm trường Tiểu học Chế Tạo hiện đang là nơi giảng dạy cho 319 học sinh tại Mù Cang Chải - Ảnh : DNCC

Điểm trường Tiểu học Chế Tạo là nơi có 10 lớp dạy 319 học sinh, trong đó có đến 247 em - tức 77,4% học sinh nội trú. Nơi đây, chứa đựng biết bao vất vả, thách thức đối với cả cô và trò trường học nơi “cùng trời” Yên Bái.

Về nhận công tác đã 3 năm, thầy Mùa Thế Quỳnh - hiệu trưởng của trường vẫn không khỏi trăn trở mọi bề. Không chỉ mong ước từng bước đưa các em tới một tương lai mới, một chân trời mới còn ở phía trước mà thầy Quỳnh luôn canh cánh trong lòng việc giúp đời sống, sinh hoạt của các em sẽ tốt lên từng ngày, ít nhất trong quá trình học tập tại trường.

Điểm trường chứa đựng biết bao vất vả, thách thức đối với cả cô và trò nơi ‘cùng trời’ Yên Bái - Ảnh : DNCC

Điểm trường chứa đựng biết bao vất vả, thách thức đối với cả cô và trò nơi ‘cùng trời’ Yên Bái - Ảnh : DNCC

Do 100% các em học sinh đều là người dân tộc Mông ở 6 bản khác nhau, bản xa nhất đi mất 30km đường đèo dốc, men theo sườn núi nên có những em buộc phải ở nội trú tại trường đến suốt một học kỳ (4 tháng) mới có thể quay trở về nhà.

Xếp hàng, chia giờ chỉ để… đi vệ sinh

Vậy nhưng, đối nghịch lại với số lượng học sinh nội trú, số công trình vệ sinh phụ trợ trong trường lại nhỏ bé đến đáng thương.

Những công trình vệ sinh phụ trợ của trường không chỉ ít về số lượng mà còn xuống cấp nghiêm trọng - Ảnh : DNCC

Những công trình vệ sinh phụ trợ của trường không chỉ ít về số lượng mà còn xuống cấp nghiêm trọng - Ảnh : DNCC

Nhà trường hiện có 2 công trình vệ sinh, nhưng chỉ còn một công trình sử dụng được, với 2 buồng dành cho nữ và 3 buồng dành cho nam nhưng cũng đã xuống cấp. Trong khi đó, theo quy định của Bộ Giáo dục và đào tạo, đối với nhà vệ sinh trong trường tiểu học là 01 tiểu nam, 01 xí và 01 chậu rửa cho 30 học sinh nam và 01 xí và 01 chậu rửa cho 20 học sinh nữ.

Điều này đã khiến các em gặp nhiều bất tiện trong quá trình sinh hoạt. Đặc biệt vào buổi tối cũng như đầu giờ sáng, nhà trường buộc phải quy định giờ giấc tắm giặt của nam nữ cũng như giáo dục các em đảm bảo vệ sinh môi trường. Mặc dù vậy, tất cả vẫn rất khó khăn bởi nhu cầu sử dụng là quá cao so với số lượng công trình vệ sinh hiện có.

Thậm chí, theo thầy Quỳnh, trước đây học sinh và giáo viên còn phải dùng chung nhà vệ sinh. May mắn, năm 2023, Trường Đại học Y Hà Nội sau khi khảo sát đã dành tặng trường 30 triệu đồng để làm được 2 gian nhà vệ sinh riêng lợp bằng tôn cho giáo viên. Dù vậy, trong những lúc quá tải, gian vệ sinh giáo viên vẫn được “tận dụng” để hỗ trợ sinh hoạt của các em.

Chẳng ai có thể ngờ đây lại chính là nhà tắm của hàng trăm em học sinh tại một điểm trường - Ảnh: DNCC

Chẳng ai có thể ngờ đây lại chính là nhà tắm của hàng trăm em học sinh tại một điểm trường - Ảnh: DNCC

Chẳng những là chuyện đi vệ sinh, ngay cả việc tắm rửa của hơn 300 em học sinh tại điểm trường này cũng gói trọn trong một “nhà tắm”. Gọi là nhà tắm nhưng thực chất đây chỉ là một lán được quây bằng tôn sắt với diện tích vỏn vẹn 10 mét vuông do các thầy cô nơi đây gom góp xây dựng.

Các thầy cô giáo ở đây chỉ có 2 người là người Kinh, còn lại đều là người dân tộc, đời sống cũng hết sức khó khăn nhưng vì các con nên vẫn cố gắng tự trích một phần thu nhập cũng như thời gian và công sức của mình chỉ với mong muốn có thể giúp các em phần nào cải thiện cuộc sống.

Tuy vậy, tất cả chỉ là giải pháp tạm thời và chắc chắn không đủ để đáp ứng nhu cầu tắm rửa hằng ngày cũng như ảnh hưởng quyền riêng tư, tâm sinh lý và phát triển toàn diện của học sinh.

Việc mang đến cho các em những công trình vệ sinh thực sự “vệ sinh” là ước mơ của cả thầy và trò - Ảnh : DNCC

Việc mang đến cho các em những công trình vệ sinh thực sự “vệ sinh” là ước mơ của cả thầy và trò - Ảnh : DNCC

Những công trình vốn tưởng chỉ là “phụ” trong trường nhưng với hàng trăm em học sinh Trường phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học và Trung học cơ sở Chế Tạo, từng ngày mỗi buổi sáng tối đều phải tranh thủ đến từng thời gian vệ sinh, tắm rửa trong những không gian chắp vá chỉ vỏn vẹn chục mét vuông… trong thời tiết khắc nghiệt của vùng núi cao Mù Cang Chải, việc có thể mang đến cho các em những công trình vệ sinh thực sự “vệ sinh”, đáp ứng đủ nhu cầu của tất cả các em có thể nói là ước mơ của cả thầy và trò nơi đây.

Dù vẫn luôn nhận được một khoản kinh phí nhất định từ chính quyền trong việc cải tạo, trùng tu cơ sở vật chất của trường nhưng thầy Quỳnh cũng cho hay, số tiền đó gần như chỉ có thể gói gọn trong việc cải thiện lớp học, phục vụ giáo dục đào tạo chuyên môn… nên vẫn chỉ có thể đáp ứng được phần nào đó quá trình cải thiện những công trình vệ sinh cho các em.

Chính bởi lý do này, thầy cô cùng các em học sinh, vẫn luôn mong muốn nhận được sự quan tâm, chia sẻ từ cộng đồng nhằm xây dựng những nhà tắm, nhà vệ sinh khang trang hơn. Đây không chỉ là việc làm thiết thực thể hiện tình thương yêu, sự quan tâm giáo dục mà còn là bước đệm cơ bản nhất giúp các em có thể hướng đến một tương lai tươi sáng.

Sự đóng góp từ cộng đồng, dù chỉ là mỗi viên gạch, mỗi dòng nước hay công sức đều sẽ góp phần kiến tạo nên những ước mơ, khích lệ tinh thần học tập và nuôi dưỡng những ước vọng ngày mai của biết bao em nhỏ nơi đây. Tham gia góp sức trực tiếp trên Viettel Money tại đây.

Với mong muốn mang đến điều kiện sinh hoạt đảm bảo, hỗ trợ tốt nhất cho sự phát triển của các em, Viettel Money phối hợp cùng Quỹ Hỗ trợ đổi mới giáo dục phổ thông (VIGEF) đã và đang triển khai dự án Kiến tạo trường học hạnh phúc - Giai đoạn 4 với mục tiêu gây quỹ số tiền 200.000.000 đồng, phục vụ xây dựng hạ tầng nhà tắm, nhà vệ sinh tại Trường Phổ thông dân tộc bán trú TH&THCS Chế Tạo.

Chương trình "Kiến tạo trường học hạnh phúc" đặt mục tiêu mang cơ hội tiếp cận giáo dục hiện đại và phát triển năng lực toàn diện cho trẻ em vùng cao với các hoạt động thiết thực như: cải tạo hệ thống cung cấp nước sạch cho trường học, hỗ trợ bữa ăn đảm bảo dinh dưỡng, xây dựng phòng học, cung cấp trang thiết bị giảng dạy theo mô hình STEM….

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
([Tên nguồn]) .
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN