Một đồng tiền hàng đầu thế giới khiến toàn cầu lo sợ bất ổn

Sự kiện: Kinh tế toàn cảnh
00:00 / 0:00
Chuẩn
Tốc độ đọc
Nữ miền Bắc

Thị trường lo ngại đồng nhân dân tệ của Trung Quốc sẽ gây ra một làn sóng bất ổn mới

Thị trường dường như đã ổn định sau đợt giảm mạnh hôm thứ Hai đầu tuần, tuy nhiên có một nỗi lo mới đang hiện hữu xuất phát từ đồng nhân dân tệ của Trung Quốc.

Đợt bán tháo lớn trên thị trường đầu tuần vừa qua -  đợt bán tháo tồi tệ nhất trên Nikkei kể từ Thứ Hai Đen tối năm 1987 - một phần là do việc tháo gỡ các giao dịch chênh lệch lãi suất đồng yên Nhật.

“Chiến lược giao dịch chênh lệch lãi suất (carry trade) tiếp theo có thể chuyển hướng sang đồng nhân dân tệ”, Khoon Goh, người đứng đầu bộ phận Nghiên cứu Châu Á tại ANZ, chỉ ra rằng đồng nhân dân tệ ở nước ngoài đã tăng vọt so với đồng USD vào thứ Hai vừa qua, là một phản ứng tức thời đối với việc giao dịch chênh lệch lãi suất đồng yên bị tháo gỡ.

Một đồng tiền hàng đầu thế giới khiến toàn cầu lo sợ bất ổn - 1

Chiến lược giao dịch chênh lệch lãi suất là một giao dịch kiếm lời, trong đó đi vay ở môi trường lãi suất cực kỳ thấp, như ở Nhật Bản, để đầu tư vào các tài sản có lợi suất cao hơn ở thị trường khác. Tuy nhiên, việc NHTW Nhật Bản tăng lãi suất vào tuần trước đã làm rung chuyển thị trường, buộc các nhà đầu tư – những người từng đi vay tiền để thực hiện các giao dịch chênh lệch lãi suất – phải thanh lý các giao dịch chênh lệch lãi suất. Điều này đã gây ra sự hỗn loạn trên thị trường toàn cầu.

Hiện tại, các nhà phân tích và nhà đầu tư đang lo lắng về một diễn biến tương tự sẽ xảy ra với đồng nhân dân tệ của Trung Quốc. Trung Quốc cũng đang trong môi trường lãi suất thấp khi các nhà chức trách cố gắng thúc đẩy nền kinh tế đang suy yếu của đất nước.

Các chiến lược gia của Citibank bày tỏ những lo ngại trong một lưu ý với khách hàng của mình, Bloomberg đưa tin. 

Khoon Goh cho biết các nhà xuất khẩu Trung Quốc đã nắm giữ một lượng lớn thu nhập bằng USD mà họ không muốn chuyển đổi do lãi suất ở Hoa Kỳ tăng cao. Tuy nhiên, họ có thể sớm thực hiện điều đó khi Fed chuẩn bị cắt giảm lãi suất - điều này có thể tạo ra "những biến động lớn" trên thị trường.

Đồng đô la Mỹ hiện đang giao dịch quanh mức 7,17 đổi 1 đồng nhân dân tệ ở nước ngoài sau khi giảm xuống dưới 7,1 vào thứ Hai vừa qua trong bối cảnh thị trường hỗn loạn. Giống như đồng yên Nhật, Nhân dân tệ cũng yếu nhưng hai đồng tiền này lại có những vấn đề khác nhau. Tuy nhiên, các nhà phân tích dường như không nghĩ rằng hậu quả từ giao dịch chênh lệch lãi suất đồng nhân dân tệ sẽ gây ra những hỗn loạn như tác động của đồng yên.

Vishnu Varathan, nhà kinh tế trưởng khu vực Châu Á (không bao gồm Nhật Bản) tại Ngân hàng Mizuho, ​​đã viết trong một lưu ý rằng đồng nhân dân tệ không phải là “cú sốc lớn tiếp theo” có thể xảy ra.

Varathan cho biết thêm rằng đó là "một quan điểm hơi sai lầm", vì đồng yên - không giống như đồng nhân dân tệ - là một loại tiền tệ toàn cầu và có tính thanh khoản cao. Ngược lại, Trung Quốc vẫn định hướng chuyển động của đồng nhân dân tệ.

Trong khi đồng yên suy yếu là do mức lãi suất thấp của Nhật Bản, thì đồng nhân dân tệ suy yếu chủ yếu là do "những trở ngại kinh tế mang tính cấu trúc và các mối đe dọa địa chính trị đáng sợ" của Trung Quốc, Varathan viết.

Trung Quốc đang điều hướng quá trình chuyển đổi kinh tế từ một cường quốc sản xuất hàng giá rẻ sang thúc đẩy vào "ba ngành công nghiệp mới" đang phát triển mạnh là xe điện, pin lithium và pin mặt trời. Tuy nhiên, nước này đang phải đối mặt với căng thẳng địa chính trị gia tăng, bao gồm cả thuế nhập khẩu cao từ Hoa Kỳ và EU đối với các ngành công nghiệp có giá trị cao như vậy.

Điều này có nghĩa là những rủi ro địa chính trị này phải giảm bớt để đồng nhân dân tệ mạnh lên và gây ra sự sụp đổ có tác động đáng kể đối với giao dịch chênh lệch lãi suất như đối với đồng yên vào đầu tuần này, ông nói thêm.

Các nhà phân tích của Goldman Sachs cũng chia sẻ những quan điểm này. Trong một lưu ý vào thứ Tư, họ đã viết rằng các yếu tố cơ bản tăng trưởng yếu của Trung Quốc có nghĩa là bất kỳ đợt tăng giá nào của đồng nhân dân tệ cũng sẽ bị hạn chế.

"Lợi nhuận chênh lệch lãi suất vẫn cao, nhu cầu trong nước tại Trung Quốc ở mức yếu và kỳ vọng của chúng tôi về việc Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc tiếp tục nới lỏng chính sách tiền tệ có thể sẽ đẩy tỷ giá USD-nhân dân tệ tăng trở lại", các nhà phân tích của Goldman Sachs viết.

JPMorgan ước tính vào thứ Tư rằng cho đến nay, khoảng ba phần tư giao dịch chênh lệch lãi suất toàn cầu đã được gỡ bỏ, theo Bloomberg.

Rủi ro của đồng nhân dân tệ là mất giá thêm, không phải tăng giá

Nền kinh tế Trung Quốc vẫn chưa thể phát triển một cách bền vững kể từ khi nước này thoát khỏi gần ba năm hạn chế do đại dịch, vì vậy, nhiều khả năng Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc vẫn cần phải cắt giảm lãi suất, Varathan viết.

Do đó, rủi ro của đồng nhân dân tệ - không giống như đồng yên - là mất giá thay vì tăng giá, và sự sụp đổ của đồng nhân dân tệ có thể kích hoạt tâm lý tránh rủi ro trên thị trường nói chung, nhà kinh tế này nói thêm.

"Mặc dù biến động quá mức theo cả hai hướng đều là thứ không mong muốn, nhưng chúng tôi lo ngại về sự sụp đổ đột ngột của đồng CNY hơn là sức mạnh đột ngột của đồng CNY", Varathan viết, ám chỉ đến đồng nhân dân tệ.

Nguồn: [Link nguồn]

Tỷ giá đồng yên Nhật Bản liên tục giảm giá mạnh trong thời gian qua, gây ra nhiều hệ lụy tiêu cực cho nền kinh tế và đời sống người dân nước này, khiến chính phủ Nhật Bản "lao đao" tìm kiếm giải pháp.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo HUY NGUYỄN (Theo Yahoo News, BI, Bloomberg) ([Tên nguồn])
Kinh tế toàn cảnh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN