Một chút do dự, vợ chồng trẻ mất thêm cả trăm triệu đồng khi tìm mua nhà
Chỉ một chút do dự về khả năng vay mượn và trả nợ ngân hàng đã khiến cặp đôi này tốn thêm cả trăm triệu đồng khi tìm mua nhà tại thủ đô.
Sau gần chục năm đi ở thuê, anh Tuấn quê Thanh Hóa đã quyết định tìm mua cho gia đình một căn nhà nhỏ tại Thủ đô. Ông bố 2 con sinh năm 1986 chia sẻ cả hai vợ chồng đều làm nhân viên văn phòng với tổng thu nhập 25 triệu đồng mỗi tháng. Sau khi tích góp được số tiền gần 400 triệu đồng, từ cuối năm 2019 anh chị đã tính đến việc tìm mua một căn nhà xây sẵn khu vực Hà Đông để tiện chỗ làm cho cả hai vợ chồng.
Tháng 3/2020, anh chị được môi giới dẫn đi xem nhiều ngôi nhà xây sẵn tại Yên Nghĩa – Hà Đông và được báo giá từ 1,3 đến 1,45 tỷ đồng/căn xây 4 tầng với diện tích dao động từ 33 đến 38m2 mỗi sàn. Anh Tuấn cho biết nếu mua nhà, ngoài số tiền tích góp và vay mượn người thân trong gia đình, anh chị sẽ cần vay ngân hàng khoảng 400 triệu đồng nữa.
Tuy nhiên, do lo ngại có thể bị giảm thu nhập, thậm chí mất việc làm do những tác động của dịch Covid-19 khiến anh chị tạm thời hoãn kế hoạch mua nhà của gia đình. Anh chị cũng hy vọng sau những tác động của dịch Covid-19 sẽ giúp giá BĐS giảm để có thể tiết kiệm một khoản nhất định khi mua nhà.
Nhu cầu tìm mua nhà của người dân tăng mạnh trong những tháng cuối năm
Nhưng hy vọng của anh chị đã đổ vỡ bởi đầu tháng 11 khi trở lại xem những ngôi nhà đã được môi giới giới thiệu cách đây vài tháng thì có căn đã được chủ đầu tư bán. Những căn chưa bán đều được tăng giá từ 50 đến cả 100 triệu đồng/căn. Anh cũng cho biết trong khu vực hiện có rất nhiều nhà đang được chủ đầu tư xây dựng để bán cho những gia đình có nhu cầu, nhiều căn có thể chuyển về ở ngay. Nhưng mức giá đều đã được thiết lập ở một mặt bằng mới, cao hơn khá nhiều so với hồi đầu năm.
Anh Tuấn cho biết sẽ cố gắng tìm một căn nhà phù hợp với khả năng tài chính của gia đình để mua trong thời gian tới. Anh thừa nhận, trước đà tăng phi mã của giá nhà, giá đất ở các khu vực vùng ven hiện nay, nếu tiếu tục do dự thì không biết đến bao giờ gia đình mới có thể ổn định chỗ ở.
Tương tự như anh Tuấn, gia đình anh Thời (Hưng Yên) cũng đã mất thêm gần trăm triệu đồng để mua căn nhà 4 tầng tại Hà Đông mà chỉ trước đó mấy tháng môi giới báo cho anh chị giá 1,35 tỷ đồng.
Anh Thời chia sẻ lần đầu được môi giới dẫn đi xem ngôi nhà anh vừa chuyển về vào tháng 4/2020, khi đó chủ đầu tư đang xây dựng phần thô. Cũng do lo ngại về những tác động tiêu cực của dịch Covid-19 có thể ảnh hưởng đến thu nhập của hai vợ chồng nên anh chị đã tạm dừng kế hoạch mua nhà bất chấp việc môi giới cho biết nếu đặt cọc ngay tại thời điểm đó, anh chị có thể thương lượng thêm về giá với chủ đầu tư.
Đến tháng 10/2020, anh chị trở lại với kế hoạch mua nhà. Lần này, anh cũng liên hệ với nhiều môi giới trong khu vực nhờ dẫn đi xem nhà. Tuy nhiên, đến chủ đầu tư nào cũng báo giá tăng từ 50 đến 100 triệu đồng so với giá anh nhận được chỉ cách đó vài tháng. Thậm chí những ngôi nhà có vị trí đẹp, ô tô có thể vào giá thì giá tăng mạnh hơn.
Không muốn mất thêm nhiều thời gian để tìm nhà, ổn định chỗ ở cho gia đình, cuối cùng anh đã xuống tiền mua căn nhà 4 tầng trong ngõ 2m với diện tích mỗi sàn 38m2 với giá 1,42 tỷ đồng. Anh cho biết mức giá này cao hơn tới 70 triệu đồng so với giá mà môi giới đã báo cho anh khi ngôi nhà đang trong giai đoạn xây thô hồi tháng 4.
Trước biến động về giá nhà đất ở nhiều khu vực thời gian gần đây, ông Nguyễn Văn Đính - Phó chủ tịch Hội môi giới bất động sản Việt Nam cho biết, tác động của Covid-19 là rất nặng nề. Tuy nhiên, sau đó dịch bệnh lại trở thành chất xúc tác cho thị trường bất động sản bứt phá. Tỷ lệ hấp thụ đã hồi phục qua từng quý. Nếu quý 1 chỉ ở mức 14% thì sang quý 3 con số này là 50%.
Vị chuyên gia này cho biết, dù lực cầu rất mạnh nhưng hiện nay nguồn cung bất động sản rơi vào cảnh khan hiếm. Chính vì vậy, nhiều nhà đầu tư đổ đi tìm điểm trũng đầu tư. Điều này đã đẩy giá đất đai trong làng trong xã, như khu vực Hoài Đức, Thạch Thất, Sơn Tây… chỉ tuần trước tuần sau thôi giá đã được chào khác đi, có lúc tăng dựng đứng.
Còn theo công bố thông tin về nhà ở và thị trường bất động sản quý III/2020 của Bộ Xây dựng thì chỉ tính riêng tại Hà Nội có 2.966 giao dịch thành công (bằng 219% Quý II/2020). Qua thống kê cho thấy chưa có xu hướng giảm giá, tại Hà Nội giá căn hộ chung cư tăng khoảng 0,24% so với Quý II/2020 (trong đó đối với phân khúc căn hộ cao cấp giá giảm khoảng 0,07%, căn hộ trung cấp giá tăng khoảng 0,44%, căn hộ bình dân giá tăng khoảng 1,02%).
Đối với nhà ở riêng lẻ giá tăng khoảng 0,03% so với Quý II/2020. Những dự án có sản phẩm thuộc phân khúc bình dân thường nằm tại các vùng ven đang phát triển như Đông Anh, Gia Lâm, Hà Đông ….tỷ lệ hấp thụ ở phân khúc này luôn duy trì ở mức rất cao đạt khoảng 70%. Giá trị hàng tồn kho bất động sản từ quý I đến quý III/2020 đang giảm dần.
Không ít đại gia Việt đã quyết định chuyển giao quyền điều hành tối cao tại các doanh nghiệp nghìn tỷ sang cho thế hệ...
Nguồn: [Link nguồn]