Mong có một khoản "tiền tươi", hơn 700 nghìn người rút Bảo hiểm xã hội một lần
Chỉ trong vòng 10 tháng qua, đã có hơn 700 nghìn người rút Bảo hiểm xã hội (BHXH) một lần do ảnh hưởng của Covid-19.
Anh Nguyễn Văn Minh (SN 1988), trú tại Cầu Giấy (Hà Nội) cho biết, anh đi làm và đóng BHXH từ tháng 5/2014, đến tháng 8/2020, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, công ty cắt giảm nhân sự nên anh nghỉ việc.
“Năm 2014, tôi xin đi làm nhân viên tiếp đón khách hàng tại một siêu thị điện máy với mức lương đóng BHXH khởi điểm là 2,9 triệu đồng/tháng. Đến tháng 8/2020, siêu thị đóng cửa do Covid-19, tôi nghỉ việc. Mức lương đóng BHXH khi đó là khoảng 4,9 triệu đồng”, anh Minh nói.
Sau hơn 1 năm làm đủ các công việc khác nhau từ shipper, xe ôm công nghệ, nhân viên kinh doanh nhưng đều là tạm thời, thu nhập bấp bênh, không đủ tiền trang trải cuộc sống. Vợ anh làm giáo viên mầm non cũng rơi vào cảnh thất nghiệp.
Không tìm được công việc phù hợp, tháng 7/2021, anh đã làm thủ tục rút BHXH một lần để lấy tiền trang trải cuộc sống.
“Tôi lấy được tổng cộng gần 30 triệu đồng nhưng sau mấy tháng thực hiện giãn cách xã hội, trả tiền nhà, tiền ăn uống, sinh hoạt thì cũng hết”, anh Minh nói.
Thất nghiệp, không xin được việc làm mới cùng với những khó khăn do Covid-19, nhiều người đã làm thủ tục rút BHXH một lần.
Cũng giống như anh Minh, anh Sơn, trú tại Đống Đa (Hà Nội) cũng đã thất nghiệp được hơn 1 năm do ảnh hưởng của Covid-19. Tuy nhiên, khi anh Sơn có ý định rút bảo hiểm một lần thì lập tức bị vợ phản đối.
“Tôi làm nhân viên bán hàng và đóng BHXH được gần 7 năm, giờ nếu rút BHXH một lần sẽ được khoảng gần 40 triệu, tiêu chỉ vài tháng là hết. Sau này mình muốn đóng tiền để phục hồi số năm đã tham gia BHXH cho đủ điều kiện hưởng lương hưu sẽ không được chấp nhận. Chưa kể sau này về già, ốm đau, bệnh tật, không làm ra tiền mà không có lương hưu hay bảo hiểm y tế thì sẽ rất thiệt thòi”, anh Sơn nói.
Vì vậy, sau khi mất việc làm, anh Sơn đã đến cơ quan bảo hiểm để làm thủ tục nhận Bảo hiểm thất nghiệp với số tiền gần 3 triệu đồng/tháng trong vòng 5 tháng và được giới thiệu đến Trung tâm giới thiệu việc làm để tìm công việc phù hợp.
“Hiện tại thì tôi đang đi làm shipper công nghệ và dừng đóng BHXH hơn 1 năm rồi nhưng tháng trước tôi vẫn nhận được tiền hỗ trợ người lao động bị ảnh hưởng bởi Covid-19 với số tiền 1,8 triệu đồng”, anh Sơn nói.
Chị Đặng Thị Nhung, Chuyên viên BHXH tại Đống Đa (Hà Nội) cho biết, theo quy định, đối với NLĐ tham gia BHXH bắt buộc, mức đóng vào quỹ BHXH bằng 25% mức tiền lương hằng tháng của NLĐ. Trong đó, NLĐ đóng 8%, người sử dụng lao động đóng 17%.
“Ví dụ, nếu tiền lương của NLĐ là 5 triệu/tháng thì quỹ BHXH thu 1.250.000 đồng. Trong đó, NLĐ đóng 400.000 đồng (32% tổng quỹ), người sử dụng lao động đóng 850.000 đồng (68% tổng quỹ). Khi đó, NLĐ được hưởng những lợi ích từ nguồn quỹ này bao gồm các chế độ: ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, hưu trí và tử tuất”, chị Nhung phân tích.
Ngoài ra, sau khi đến tuổi nghỉ hưu, NLĐ sẽ nhận được với mức tiền lương đóng 5 triệu đồng/tháng là 3.750.000 đồng/tháng cũng đã lớn hơn rất nhiều số tiền mà NLĐ phải bỏ ra là 400.000 đồng/tháng.
Hơn nữa, người hưởng lương hưu còn được cấp thẻ BHYT có mức hưởng 95% khi khám chữa bệnh đúng tuyến. Bên cạnh đó, người thân, người chăm lo cho người tham gia BHXH còn được hưởng chế độ tuất khi người tham gia BHXH qua đời.
“Nếu tham gia đóng BHXH và bảo hiểm thất nghiệp bắt buộc thì khi NLĐ bị mất việc làm sẽ được hưởng trợ cấp thất nghiệp, được giới thiệu việc làm mới và như vừa rồi, NLĐ cũng sẽ được hỗ trợ số tiền tương ứng với thời gian tham gia BHTN nữa. Vì vậy, nếu rút BHXH một lần thì người thiệt nhất vẫn là NLĐ”, chị Nhung nói.
Theo BHXH Việt Nam, tính đến hết tháng 10/2021, cả nước có hơn 700.000 người hưởng bảo hiểm xã hội (BHXH) một lần, tăng gấp 1,5 lần so với 6 tháng đầu năm 2021 và tăng 5,45% so với cùng kỳ năm 2020.
Hai vợ chồng mua 2 gói bảo hiểm cho cả gia đình tổng cộng một năm 39 triệu, tương ứng xấp xỉ 20% thu nhập của vợ chồng....
Nguồn: [Link nguồn]