Hé lộ mức lương phổ biến của nhân sự tốt nghiệp đại học mới đi làm tại Việt Nam
Tôi đang phân vân nên tiếp tục ở lại thành phố xin làm công việc đúng chuyên ngành, chấp nhận mức lương thấp hay về quê tiếp quản công việc kinh doanh của gia đình?
Đó là chia sẻ của bạn Nguyễn Duy Thành (Vĩnh Phúc) – một kỹ sư mới tốt nghiệp đại học chuyên ngành công nghiệp ô tô.
Thành cho biết, anh tốt nghiệp đại học năm 2020. Sau khi ra trường, Thành được người thân giới thiệu làm việc tại một công ty về ô tô – đúng với chuyên ngành của Thành. Tuy nhiên, ngày đến nộp hồ sơ Thành được công ty đề cập mức lương khởi điểm 4 triệu đồng/tháng, được ăn bữa trưa. Sau 2 tháng, tùy năng lực sẽ được sắp xếp công việc phù hợp với mức lương dao động từ 6 – 8 triệu, kèm bảo hiểm và các chế độ khác.
“Với tấm bằng ĐH và bao công học tập, tôi cho rằng mức lương đó quá thấp so với trình độ và cuộc sống ở thành phố nên tôi từ chối và mong muốn tìm kiếm cơ hội tốt hơn” – Nguyễn Duy Thành chia sẻ.
Sau lần đó, Thành vài lần chuẩn bị hồ sơ ứng tuyển tại một số công ty khác, nhưng nơi thì yêu cầu có kinh nghiệm, nơi thì yêu cầu sẵn sàng đồng ý điều chuyển nhân sự đi công tác tỉnh nếu cần,…
“Trong lúc chờ đợi công việc phù hợp thì dịch Covid-19 liên miên, nằm nhà trọ chờ việc mãi cũng chán nên tôi tạm thời về quê.
Sau khi tốt nghiệp đại học, tôi đã bỏ qua công việc đúng chuyên ngành vì mức lương khởi điểm quá thấp
Tôi cũng muốn nói thêm, ở quê gia đình tôi có cửa hàng kinh doanh đồ điện, cửa hàng luôn đông khách và lúc nào cũng cần người làm. Phụ bố mẹ bán hàng cũng là một cách làm việc, nhưng sau một năm ra trường khi tự kiểm điểm bản thân tôi cảm thấy lo lắng cho tương lai của chính mình. Giờ đây, tôi nên quay lại thành phố xin làm công việc đúng chuyên ngành hay ở lại quê nhà tiếp quản công việc kinh doanh của gia đình?” – anh Thành băn khoăn.
Được biết, băn khoăn của anh Thành cũng là tâm trạng của khá nhiều bạn trẻ khi mới tốt nghiệp.
Cũng là một kỹ sư, ở góc nhìn của một người đi làm với gần 10 năm kinh nghiệm, anh Hải góp ý: “Sống ở Hà Nội mà lương 4 triệu thì thấp thật, nhưng nếu làm việc ở một công ty có môi trường chuyên nghiệp thì sớm muộn gì các bạn cũng sẽ được tăng lương xứng đáng. Tuy nhiên, nếu bạn muốn nhận được một mức lương gấp 5 lần hoặc thậm chí hơn nữa thì hãy bắt đầu đầu từ con số mà doanh nghiệp trả và hãy nỗ lực học hỏi. Nên nhớ, điều các bạn trẻ cần khi mới ra trường là kinh nghiệm, không phải là mức lương. Ngược lại, nếu bạn thích kinh doanh, thì hãy ở quê và bắt đầu từ chính những công việc mà hàng ngày cửa hàng đang cần bạn”…
Tương tự, anh Xuân An cũng đưa góp ý: “Kinh doanh sẽ dễ có nhiều tiền hơn là đi làm thuê. Nhà bạn có sẵn cửa hàng, nếu chỉ quan tâm đến thu nhập và tiền bạc thì bạn nên ở quê tiếp quản cửa hàng, điều đó dễ dàng hơn nhiều; còn nếu bạn là người thích học hỏi và muốn theo đuổi tiếp ngành học của mình thì hãy đi làm thuê, bắt đầu từ vạch xuất phát.
Người mới ra trường chưa có nhiều kinh nghiệm thực tế, khi bắt đầu đi làm đa số cần học hỏi rất nhiều, đáng lẽ bạn phải trả tiền học việc cho công ty chứ đòi hỏi mức lương 10-20 triệu/tháng, sẽ là chuyện rất xa vời. Bạn hãy làm việc trong những môi trường thật cạnh tranh, thật chuyện nghiệp – nơi đó sẽ giúp bạn nâng cao nghiệp vụ. Sau đó, lương của bạn sẽ tự khắc được nhân lên”.
Theo khảo sát vừa công bố của hãng tuyển dụng và dịch vụ tính lương Adecco, hầu hết sinh viên mới ra trường mong muốn mức lương 10-15 triệu đồng mỗi tháng nhưng đa phần với những người chưa có kinh nghiệm, doanh nghiệp trả 6-10 triệu.
Các nhà tuyển dụng cho rằng, đa số sinh viên có kỳ vọng quá cao và còn mơ hồ về con đường sự nghiệp
Báo cáo của Adecco cho thấy, hơn 43% sinh viên mới tốt nghiệp mong đợi mức lương từ 10 triệu đến dưới 15 triệu đồng mỗi tháng, và khoảng 31% muốn từ 6 triệu đến dưới 10 triệu đồng. Trong khi đó, 51% nhà tuyển dụng trả mức lương gộp hàng tháng từ 6 đến dưới 10 triệu đồng và chỉ 27,5% sẵn sàng trả từ 10 đến dưới 15 triệu đồng.
Cùng với đó, 88,5% người mới đi làm coi mức lương và chính sách đãi ngộ là ưu tiên hàng đầu, theo sau đó là cơ hội đào tạo và phát triển (87,7%), khả năng thăng tiến (73,8%). Cân bằng giữa công việc - cuộc sống và sự phù hợp văn hóa cũng khá được coi trọng (tương ứng là 67,2% và 55,7%).
Phản hồi từ các nhà tuyển dụng cho thấy, những lo ngại chính của họ khi tuyển sinh viên mới tốt nghiệp, bao gồm thiếu kỹ năng mềm, kỳ vọng không thực tế và sự thiếu ổn định.
Bà Ý Phạm, Giám đốc tăng trưởng Nano Technologies, cho biết từng gặp nhiều sinh viên mới tốt nghiệp bắt đầu công việc toàn thời gian đầu tiên với kỳ vọng quá cao, do vẫn còn mơ hồ về con đường sự nghiệp. "Họ không có kinh nghiệm thực tế, nên dù tích cực học hỏi, họ thường bị vỡ mộng bởi tin vào những câu chuyện truyền miệng viển vông hay những chuyện thành công trong ngành", bà nói.
Vì vậy, bà Ý khuyến nghị người bắt đầu đi làm nên tập trung nhiều hơn vào phát triển cá nhân, thay vì những thành công phô trương như các chức danh hấp dẫn hay mức lương hàng tháng. "Ngoài ra, hãy chọn người lãnh đạo đầu tiên của bạn một cách khôn ngoan và cẩn thận. Họ có thể là người hướng dẫn và giúp bạn xác định con đường đúng đắn cho sự nghiệp tương lai", bà Ý Phạm nói thêm.
Giá vàng hôm nay 26/11 trên thị trường quốc tế đứng ở mức thấp sau nhiều phiên giảm mạnh. Tín hiệu về xu hướng giảm...
Nguồn: [Link nguồn]