Mổ xẻ ‘nóng - lạnh’ bất động sản và ‘tử huyệt’ trái phiếu doanh nghiệp

Sự kiện: Kinh tế toàn cảnh

Doanh nghiệp bất động sản tự giải quyết khó khăn, chính sách tín dụng cần có “dự lệnh” trước khi ra “động lệnh” để tránh những khó khăn đột ngột cho doanh nghiệp; doanh nghiệp chỉ xin hỗ trợ về cơ chế để tự vượt qua; nhà nước cần can thiệp trực tiếp mua lại khoản trái phiếu doanh nghiệp đã phát hành... là những kiến nghị nêu ra tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển lành mạnh, bền vững ngày 17/2.

Doanh nghiệp bất động sản tự giải quyết khó khăn

Kết luận Hội nghị trực tuyến toàn quốc thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển lành mạnh, bền vững ngày 17/2, Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ ra 8 vấn đề chính của thị trường bất động sản hiện nay và nhấn mạnh, tất cả chủ thể có liên quan từ cơ quan quản lý, doanh nghiệp, ngân hàng đến khách hàng phải cùng xử lý các vấn đề trên tinh thần lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ.

Người đứng đầu Chính phủ nhìn nhận, các chính sách quản lý chưa phản ứng kịp thời với diễn biến thị trường. Mặt khác, thị trường còn tồn tại nhiều vướng mắc về pháp lý và khó khăn trong tiếp cận nguồn vốn , gồm cả tín dụng, trái phiếu, chứng khoán và vốn huy động từ khách hàng. Bên cạnh đó, quy hoạch và điều chỉnh quy hoạch các dự án còn chậm trễ. Cán bộ một số nơi, một số thời điểm còn sợ trách nhiệm, không dám làm.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu các ngân hàng phải hỗ trợ doanh nghiệp cơ cấu lại các nhóm nợ, giảm lệ phí (Ảnh: VGP).

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu các ngân hàng phải hỗ trợ doanh nghiệp cơ cấu lại các nhóm nợ, giảm lệ phí (Ảnh: VGP).

Thủ tướng yêu cầu phía ngân hàng, tài chính phải có biện pháp khơi thông các nguồn vốn tín dụng, trái phiếu, chứng khoán, cũng như nguồn lực từ khách hàng. Trong đó, các ngân hàng thương mại tiết giảm các chi phí, tăng cường chuyển đổi số để từ đó có biện pháp giảm lãi suất. Thủ tướng cũng đề nghị các ngân hàng hỗ trợ doanh nghiệp bất động sản cơ cấu lại các nhóm nợ, giảm lệ phí... Người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh, nền kinh tế có phát triển thì ngân hàng mới phát triển được.

Dù vậy, xuyên suốt trong hội nghị, Thủ tướng nhiều lần nhắc nhở các doanh nghiệp phải có trách nhiệm với chính mình, tự giải quyết các khó khăn, vướng mắc do chính mình gây ra. Cụ thể, doanh nghiệp phải dự báo tốt về thị trường, từ đó cơ cấu lại các phân khúc, giá cả cho hợp lý nhằm thúc đẩy thanh khoản.

Sớm hạ lãi suất

Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Quốc Hiệp - Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc GP.Invest - kiến nghị Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho phép sử dụng tài sản hình thành trong tương lai của chính dự án xin vay làm tài sản đảm bảo nếu phương án có hiệu quả mà không phải sử dụng tài sản đảm bảo độc lập khác.

Ông Hiệp đề nghị xem xét lại hệ số rủi ro khi đánh giá các khoản vay bất động sản cho từng trường hợp cụ thể, không đánh giá hệ số rủi ro đồng loạt 200% (Ảnh: VGP).

Ông Hiệp đề nghị xem xét lại hệ số rủi ro khi đánh giá các khoản vay bất động sản cho từng trường hợp cụ thể, không đánh giá hệ số rủi ro đồng loạt 200% (Ảnh: VGP).

Ông Hiệp cũng đề nghị NHNN chỉ đạo xem xét lại hệ số rủi ro khi đánh giá các khoản vay bất động sản cho từng trường hợp cụ thể, tuỳ thuộc vào tín nhiệm của từng khách hàng, từng dự án mà không đánh giá hệ số rủi ro đồng loạt 200%.

“Với bất động sản nói chung, tín dụng vẫn là “nguồn sữa” chính cho các doanh nghiệp nên chúng tôi kính đề nghị về chính sách tín dụng cần có “dự lệnh” trước khi ra “động lệnh” để tránh những khó khăn đột ngột cho doanh nghiệp. Và về tổng thể xin kiến nghị NHNN có biện pháp chỉ đạo để hạ lãi suất sớm nhất”, ông Hiệp nói thêm.

Chỉ xin hỗ trợ về cơ chế

Tương tự, ông Bùi Thành Nhơn - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Novaland - cũng kiến nghị Chính phủ xem xét chỉ đạo NHNN tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp bất động sản. “Trong giai đoạn này, doanh nghiệp chỉ xin hỗ trợ về cơ chế để tự vượt qua”, ông Nhơn nói.

Cụ thể, Novaland xin Thủ tướng khẩn cấp xem xét các kiến nghị như xin Chính phủ và NHNN ban hành quy định cho phép các ngân hàng giãn, hoãn và giữ nguyên các nhóm nợ cho các dự án bất động sản trong 2 - 3 năm; chỉ đạo tháo gỡ pháp lý tận gốc cho các dự án trên địa bàn cả nước.

Ông Nhơn khẳng định, việc tháo gỡ pháp lý dự án sẽ giúp giảm giá thành sản phẩm (Ảnh: VGP).

Ông Nhơn khẳng định, việc tháo gỡ pháp lý dự án sẽ giúp giảm giá thành sản phẩm (Ảnh: VGP).

Nêu cụ thể từng dự án, ông Nhơn kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo chọn Khu đô thị Aqua City ở Đồng Nai để Tổ công tác của Thủ tướng thí điểm tháo gỡ khó khăn. Novaland mong sẽ được tháo gỡ khó khăn cho dự án này trong 1 tháng.

“Đây là mấu chốt, là dự án sống còn của Tập đoàn Novaland trong thời điểm hiện nay. Nếu dự án này được tháo gỡ sẽ là đầu mối tháo gỡ toàn bộ các khó khăn của Novaland để doanh nghiệp hoàn thiện dự án, thực hiện nghĩa vụ trả nợ trái phiếu, ngân hàng...”, ông Nhơn nói.

Nhà nước cần mua lại trái phiếu doanh nghiệp

Đồng tình với việc hỗ trợ doanh nghiệp bất động sản vượt qua khó khăn, ông Hoàng Văn Cường - Phó Hiệu trưởng ĐH Kinh tế Quốc dân - cho rằng, thị trường bất động sản đóng băng không chỉ làm các doanh nghiệp bất động sản phá sản mà kéo theo hàng loạt các ngành nghề khác sẽ đình trệ. Từ đó khiến hệ thống tài chính mất thanh khoản, gây mất lòng tin, thậm chí gây ra sự phẫn nộ của người dân vì nhiều người đang nắm giữ trái phiếu của doanh nghiệp bất động sản.

"Với một số dự án quan trọng về quy mô, tính chất lớn, nhà nước cần hành động can thiệp trực tiếp mua lại khoản trái phiếu doanh nghiệp đã phát hành", ông Cường kiến nghị (Ảnh: VGP).

"Với một số dự án quan trọng về quy mô, tính chất lớn, nhà nước cần hành động can thiệp trực tiếp mua lại khoản trái phiếu doanh nghiệp đã phát hành", ông Cường kiến nghị (Ảnh: VGP).

Về giải pháp, ông Cường nhấn mạnh cần ưu tiên tín dụng với dự án đã đủ điều kiện để đưa sản phẩm ra thị trường. Đối với dự án đang triển khai dở dang, ông đề xuất ngân hàng nên khoanh lại các khoản nợ cũ.

Về trái phiếu doanh nghiệp, bên cạnh sửa Nghị định 65, ông Cường đề nghị nên cho doanh nghiệp phát hành trái phiếu được thỏa thuận chuyển khoản nợ này thành trái phiếu công trình có khả năng chuyển đổi. Với một số dự án quan trọng về quy mô, tính chất lớn, nhà nước cần hành động can thiệp trực tiếp mua lại khoản trái phiếu doanh nghiệp đã phát hành.

Bất động sản đang khủng hoảng thiếu

Nhận định về thị trường bất động sản hiện nay, ông Lê Xuân Nghĩa - Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia - cho rằng, thị trường bất động sản đang xảy ra khủng hoảng thiếu. Khác với Trung Quốc đang đối diện khủng hoảng thừa do nguồn cung bỏ xa nhu cầu nhà ở của người dân, tại Việt Nam nhu cầu nhà ở vẫn chưa được đáp ứng. Do đó, ông nhấn mạnh khủng hoảng hiện nay dễ xử lý hơn giai đoạn 2012 và dễ xử lý hơn thị trường Trung Quốc.

Ông Nghĩa nói rằng, thị trường bất động sản đang xảy ra khủng hoảng thiếu. Do đó, ông nhấn mạnh khủng hoảng hiện nay dễ xử lý hơn giai đoạn 2012 (Ảnh: VGP).

Ông Nghĩa nói rằng, thị trường bất động sản đang xảy ra khủng hoảng thiếu. Do đó, ông nhấn mạnh khủng hoảng hiện nay dễ xử lý hơn giai đoạn 2012 (Ảnh: VGP).

Theo ông, những vấn đề của thị trường bất động sản đang tác động tiêu cực đến nền kinh tế. “Trong thị trường tài chính, quan trọng nhất là lòng tin. Không có lòng tin thì ngân hàng không thể tài trợ thanh khoản, không thể nghe lời NHNN, càng không thể ngồi lại đàm phán với doanh nghiệp. Đây cũng mấu chốt, là “tử huyệt” với thị trường trái phiếu hiện nay”, ông Nghĩa nói.

Do đó, với thị trường trái phiếu doanh nghiệp, ông kiến nghị Chính phủ đẩy nhanh việc hoàn thiện khung pháp lý để tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát hành trái phiếu. Đồng thời, cần nghiên cứu vấn đề bảo lãnh cho trái phiếu doanh nghiệp có tài sản bảo đảm, do ngân hàng quốc doanh hay tổ chức tín dụng uy tín đứng ra bảo lãnh, sớm có quy định rõ ràng về xếp hạng tín nhiệm trái phiếu.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Duy Quang ([Tên nguồn])
Kinh tế toàn cảnh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN