Máy ATM sẽ... biến mất?
Những chiếc máy ATM đang phổ dụng hiện nay liệu có một ngày “biến mất” khi các nước đã dịch chuyển sang ngân hàng điện tử, chi tiêu không dùng tiền mặt, ví điện tử và thanh toán trực tuyến lên ngôi?
Lịch sử nhiều tranh cãi
Đến thời điểm này, người phát minh ra máy ATM là ai vẫn là thông tin gây tranh cãi. Bởi, có ít nhất 6 người được cho là “cha đẻ” máy ATM, gồm: Luther George Simjian, John Shepherd-Barron, James Goodfellow, Don Wetzel, John D. White, Jairus Larson. Theo báo chí Việt Nam, ông Đỗ Đức Cường, một chuyên gia người Việt từng làm việc cho Citi Bank cũng là một người có thể coi là “cha đẻ” của máy ATM, vì có đóng góp vào việc sáng chế cải tiến thiết bị này.
Máy ATM ngày càng đa năng hơn.
Tuy nhiên, lịch sử thế giới chỉ ghi nhận “rõ ràng” rằng, chiếc máy ATM đầu tiên có khả năng rút tiền xuất hiện năm 1939 tại Ngân hàng City Bank của New York do ông Luther George Simjian phát triển, nhưng không ai dám dùng nên phải dỡ bỏ sau đó. Và phải đến gần 40 năm sau (năm 1967), máy ATM của ông Shepherd-Barron sáng chế, được lắp đặt tại London mới được người dùng chấp nhận và được coi là chiếc máy ATM “hoàn chỉnh” nhất so với ngày nay. Chính vì vậy, cuốn kỉ lục Guinness đã chính thức vinh danh Shepherd-Barron là người sáng chế ra máy ATM, dù vẫn còn nhiều tranh cãi.
Sự chuyển dịch chức năng
Máy ATM (Automated Teller Machine - máy rút tiền tự động) - thiết bị ngân hàng dùng để giao dịch tự động với khách hàng thông qua thẻ ATM, thẻ ghi nợ, thẻ tín dụng hay các thiết bị tương thích cho các mục đích ban đầu là rút tiền mặt 24/7, kiểm tra tài khoản, chuyển khoản thanh toán hàng hóa, dịch vụ gửi tiết kiệm… Tuy nhiên, 60 năm sau ngày ATM hiện đại ra đời, máy ATM ngày nay đa năng hơn nhiều và cách thức xác thực khách hàng cũng biến đổi, có thể nhận dạng sinh trắc học, mã QR thay vì chỉ đánh mật khẩu 4 hay 6 chữ số như trước.
Mới đây nhất, ngày 23/12/2018, Hàn Quốc đã chính thức chấp nhận cho 2 ngân hàng K-Bank và Kakao Bank hoạt động 100% trên môi trường Internet (từ tháng 4 và 7/2019), tức là không trụ sở/ chi nhánh giao dịch, không nhân viên chăm sóc khách hàng như truyền thống, và đặc biệt cũng không cần máy ATM. Còn tại Việt Nam, chiếc máy ATM đầu tiên được đưa vào sử dụng năm 2002 tại Hà Nội. 17 năm qua, nhiều loại máy ATM mới đã được đưa vào sử dụng gần như một ngân hàng tự động thu nhỏ. Ví dụ, VietinBank với dòng máy NCR SS23 phiên bản Touch Screen; hay LiveBank của TPBank.
Câu hỏi đặt ra là, trong xu thế thanh toán tương lai sẽ là “ít tiền mặt” hay thậm chí không tiền mặt như ở Thụy Điển, liệu những chiếc máy ATM có tiếp tục biến đổi công năng hay sẽ dần dần biến mất? Theo Hiệp hội Ngân hàng toàn cầu, trong năm 2018, việc rút tiền mặt ở các máy ATM đã giảm khoảng một phần ba ở Thụy Điển; hoặc Thái Lan, Nhật Bản cũng đang muốn giảm dùng tiền mặt mà thay thế bằng ví điện tử, thậm chí cả tiền ảo. Cụ thể, tháng 12/2018, Thái Lan đã chấp nhận giao dịch đồng tiền ảo thứ 8 tại nước này và đang có tham vọng đứng đầu ASEAN trong việc giao dịch và sử dụng tiền ảo.
Máy ATM có biến mất?
Về bản chất, tiền mặt là một công cụ thanh toán duy nhất, trong đó mọi người có thể giao dịch bất kỳ lúc nào, bất kỳ nơi nào, không có bên thứ ba liên quan, bảo vệ sự riêng tư mạnh mẽ. Về lưu trữ, tiền tệ không biết mình do ai nắm giữ, không biết khi nào được giao dịch. Còn người nắm giữ thì khác, họ luôn có cảm giác an toàn khi lưu trữ tiền mặt, nhất là ngoại tệ mạnh với người dân ở các nước nghèo.
Ở Việt Nam, chiếc máy ATM đầu tiên được đưa vào sử dụng năm 2002 tại Hà Nội. 17 năm qua, nhiều loại máy ATM mới đã được đưa vào sử dụng.
Hạn chế giao dịch tiền mặt lại đang là xu thế giúp tăng tính an toàn, chống tham nhũng; kiểm soát nguồn gốc tài sản phi pháp, chống rửa tiền… Tuy nhiên, tiến trình hạn chế sử dụng tiền mặt tại các nước cũng khác nhau và nó không hề phục thuộc vào thứ hạng các nền kinh tế hay trình độ công nghệ như nhiều người lầm tưởng. Cụ thể, Thụy Điển (một quốc gia Bắc Âu) – thuộc nhóm nước giàu trong Liên minh Châu Âu (EU) đang tiên phong trở thành quốc gia đầu tiên thực sự không dùng tiền mặt. Tính đến năm 2018, các ứng dụng thanh toán điện tử ở Thụy Điển phổ biến tới mức chuyển tiền điện tử chiếm tới 50% dân số sử dụng, các cửa hàng bán lẻ ở nhiều nơi còn từ chối nhận tiền mặt.
Somali (một quốc gia Đông Phi) – nằm trong nhóm các nước nghèo nhất thế giới cũng đang đứng đầu trong cuộc cách mạng thanh toán điện tử thông qua di động, với dịch vụ chuyển tiền Zaad. Theo Ngân hàng Trung ương Somali, mỗi người dân nước này sử dụng khoảng 30 giao dịch thanh toán di động/tháng, cao hơn mức trung bình của thế giới đang là 8,5 giao dịch/người/tháng.
Ví dụ, Ấn Độ – quốc gia Nam Á, nền kinh tế lớn thứ 3 châu Á sau Trung Quốc, Nhật Bản, cũng đang có những động thái quyết liệt nhất trong việc hạn chế tiền mặt. Cụ thể, tháng 11/2017, Chính phủ Ấn Độ đã mạnh dạn đổi tiền giấy mệnh giá 500 và 1.000 rupi, qua đó “vô hiệu hóa” 86% lượng tiền giấy đang lưu thông ở nước này với mục đích chống tham nhũng, rửa tiền và khuyến khích người dân cài các ứng dụng thanh toán điện tử. Ngay lập tức, Paytm – ứng dụng thanh toán qua di động và Internet đã có tốc độ tăng trưởng thần kì khi tăng tới 435% lưu lượng truy cập; tăng 250% số giao dịch và giá trị giao dịch.
Quay lại Việt Nam, trong tương lai không xa, các cây ATM cũng có thể dần “biến mất” giống như những bốt điện thoại thẻ trước kia hay không (khi nhường chỗ cho điện thoại di động) – chắc mỗi người đã có câu trả lời! Còn theo Hiệp hội Công nghiệp ATM, tính đến tháng 7/2018, trên toàn thế giới có khoảng 2 triệu máy ATM đang hoạt động. Tại Việt Nam, theo thống kê của Hội Thẻ Ngân hàng Việt Nam, tính đến cuối năm 2018, số lượng máy ATM toàn quốc là gần 19.000 máy.