Mất hơn 1.200 tỷ từ quyết định "bất ngờ và kinh ngạc", Vinaconex đòi bồi thường
Cơ cấu cổ đông mới của Vinaconex hậu thoái vốn nhà nước đang cho thấy dấu hiệu không ổn định.
Ngày 27/3, Tòa án Nhân dân Quận Đống Đa đã ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời buộc Tổng Công ty Vinaconex tạm dừng thực hiện nghị quyết Đại hội đồng cổ đông bất thường ngày 11/1/2019, trong đó có các điều khoản về kết quả bầu thành viên HĐQT và Ban kiểm soát của Vinaconex nhiệm kỳ 2017-2022.
Quyết định đưa ra dựa trên việc xem xét đơn yêu cầu của Công ty TNHH Bất động sản Cường Vũ và Cty TNHH Đầu tư Star Invest cùng các chứng cứ và tài liệu có liên quan. Đáng chú ý, hai doanh nghiệp này lại chính là cổ đông lớn nắm giữ lần lượt 21,3% và 7,6% cổ phần của Vinaconex. Số cổ phần này được mua lại từ Viettel và Pyn Elite Fund vào cuối năm 2017.
Thương vụ thoái vốn nhà nước tại Vinaconex đã diễn ra thành công trong năm 2018
Ở thời điểm hiện tại, cổ đông lớn nhất của Vinaconex là Công ty TNHH An Quý Hưng, sở hữu 57,7% cổ phần. Số cổ phần này được mua lại từ SCIC.
Trước đó tại ĐHCĐ của Vinaconex diễn ra vào 11/1/2019, HĐQT đương nhiệm khi đó đã đề cử 5 thành viên gồm: ông Đào Ngọc Thanh, ông Nguyễn Xuân Đông, ông Nguyễn Văn Mậu, ông Nguyễn Hữu Tới và ông Bùi Tuấn Anh.
Còn Tập đoàn Viettel đề cử 2 thành viên gồm: ông Thân Thế Hà (Chủ tịch HĐTV An Khánh JVC) và ông Nguyễn Quang Trung (Phó Tổng giám đốc Công ty địa ốc Phú Long). Hai vị này đều thuộc nhóm cổ đông BĐS Cường Vũ.
Với tỷ lệ tán thành bầu cho HĐQT và Ban kiểm soát lần lượt là 99,99% và 99,98% từ các cổ đông dự họp, ông Đào Ngọc Thanh đã được bầu làm Chủ tịch Hội đồng quản trị; còn TGĐ An Quý Hưng Nguyễn Xuân Đông đã được bổ nhiệm vào vị trí Tổng giám đốc.
Ngay sau khi nhận được thông tin này, tại phiên giao dịch ngày 28/3, nhà đầu tư đã bán tháo cổ phiếu VCG. Kết phiên, VCG giảm kịch sàn xuống 25.700 đồng.
Mới đây nhất, Vinaconex đã ra thông báo xác nhận vụ việc và khiếu nại về quyết định của Tòa án Quận Đống Đa. Theo đó, Yêu cầu hủy bỏ Nghị quyết ĐHCĐ trên được đưa ra bởi BĐS Cường Vũ, Star Invest và hai ông Nguyễn Quang Trung, Thân Thế Hà. Trong đó, Vinaconex bày tỏ rằng công ty đã “vô cùng bất ngờ” khi nhận được Quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời ngày 27/3 của Tòa án Quận Đống Đa nhằm hủy bỏ nghị quyết ĐHCĐ trước đó. Bên cạnh đó, Vinaconex còn “kinh ngạc hơn” khi Quyết định trên được đưa ra sau 2 ngày kể từ khi Tòa án thụ lý vụ việc.
Vinaconex cho rằng Quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời trên đã khiến hoạt động của HĐQT, Ban kiểm soát và toàn bộ hoạt động kinh doanh của công ty bị đình trệ, gây thiệt hại về kinh tế và vật chất (vốn hóa Vinaconex bốc hơi khoảng 1236 tỷ đồng trong ngày 27/3) cho cổ đông của công ty.
Từ đó, Vinaconex kiến nghị Chánh án Tòa án nhân dân Quận Đống Đa:
(1) Hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời theo Quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời số 1 ngày 27/3/2019 của Tòa án nhân dân quận Đống Đa;
(2) Yêu cầu các bên có liên quan bồi thường toàn bộ thiệt hại cho VCG và các cổ đông VCG đối với các tổn thất do ảnh hưởng tiêu cực từ việc thực hiện Quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời số 1 ngày 27/03/2019 của Tòa án nhân dân quận Đống Đa, bao gồm cả việc giảm giá cổ phiếu sau khi Quyết định này được công bố theo quy định của pháp luật chứng khoán.
Theo cập nhật mới nhất, trong phiên giao dịch sáng 29/3, cổ phiếu VCG đã tăng mạnh trở lại lên ngưỡng 27.000 đồng/cổ phiếu.
Tâm lý thận trọng vẫn bao trùm thị trường, lượng tiền đổ vào mua bán sụt giảm mạnh trong phiên giao dịch hôm nay.