Ly hôn “đắt đỏ”,“ồn ào” hơn Đặng Lê Nguyên Vũ: Kẻ tay trắng, người thành tỷ phú
Nếu như những tranh chấp trong cuộc ly hôn nghìn tỷ giữa Đặng Lê Nguyên Vũ và bà Lê Hoàng Diệp Thảo chưa có hồi kết, thì trước đó giới đại gia cũng có không ít vụ ly hôn “đắt đỏ” và “ồn ào”. Kết quả, có người ra đi tay trắng nhưng cũng có người trở thành tỷ phú sau khi chia tài sản.
Vụ ly hôn của ông chủ tập đoàn Trung Nguyên Đặng Lê Nguyên Vũ và bà Lê Hoàng Diệp Thảo làm “rúng động” dư luận không chỉ ở quãng thời gian kéo dài hơn 3 năm mà đây còn là 1 trong những vụ ly hôn thuộc hàng “đắt đỏ” tại Việt Nam từ trước đến nay.
Trong đó, tranh chấp tài sản chính là tâm điểm tạo nên “kịch tính” trong vụ ly hôn này.
3 năm kiện tụng của vợ chồng “vua cà phê” Trung Nguyên
Trong phiên xử ngày 20.2, cặp vợ chồng cà phê gây sốc với tiết lộ về số tài sản tranh chấp lên tới gần 8.400 tỷ đồng, bao gồm 13 bất động sản trị giá 725 tỷ đồng, 2.000 tỷ đồng tiền mặt và vàng cùng 5.654 tỷ đồng giá trị 7 công ty thuộc Tập đoàn Trung Nguyên.
Như vậy, sau hơn 3 năm nộp đơn và nhiều phiên hòa giải không thành, ngày 20 – 21.2 vừa qua, ông Vũ và bà Thảo đã cùng nhau ra toà để giải quyết nhưng một lần nữa, những tranh chấp vẫn chưa thể đi đến hồi kết xung quanh việc phân chia số tài sản "khủng" 8.400 tỷ giữa hai người.
Theo đề xuất từ phía ông Vũ, tài sản chung sẽ được chia theo tỷ lệ 7/3 có nghĩa ông Vũ nhận 7 phần và bà Thảo và các con chỉ được nhận 3 phần còn lại.
Trong khi đó, tại phiên tòa ngày 21.2, bà Lê Hoàng Diệp Thảo nói: "Một người là đại trượng phu sẽ cho vợ con, còn mình đi tạo lập cái mới".
Điều này có nghĩa rằng, bà Thảo mong muốn được điều hành Tập đoàn Trung Nguyên “đứa con chung” giữa ông Vũ và bà Thảo đã cùng nhau gây dựng trong 20 năm qua.
Vụ ly hôn nghìn tỷ của con gái chủ tịch Tập đoàn Bảo Sơn
Tuy nhiên, vụ ly hôn giữa cặp vợ chồng Vua cà phê không phải là thương vụ ly hôn “đắt đỏ” nhất từ trước đến nay. Vụ ly hôn giữa ông Bùi Đức Minh và bà Nguyễn Thanh Thủy, Phó chủ tịch Tập đoàn Bảo Sơn, đồng thời là con gái ông chủ Tập đoàn Bảo Sơn xảy ra năm 2011 cũng được dư luận quan tâm bởi khối tài sản tranh chấp lên tới khoảng 500 triệu USD (tương đương 10.000 tỷ đồng).
Thiên đường Bảo Sơn là một trong những tài sản tranh chấp trong vụ ly hôn giữa ông Minh và bà Thủy.
Cuối năm 2010, sau đề nghị của 2 bên, Tòa án nhân dân quận Hoàn Kiếm, TP. Hà Nội đã có quyết định cho ly hôn. Tuy nhiên, tại quyết định này, về tài sản chung, nhà đất ở, công nợ chung không được quyết định phân chia. Do đó, ông Bùi Đức Minh đã làm đơn kháng cáo toàn bộ bản án, yêu cầu hủy bản án sơ thẩm.
Tập đoàn Bảo Sơn vốn nổi tiếng với khách sạn tư nhân cao cấp đầu tiên tại Hà Nội cũng như những dự án lớn, nổi bật nhất là khu Thiên đường Bảo Sơn. Ngoài tập đoàn Bảo Sơn, số tài sản này còn phân bố ở dạng cổ phần trong 7 công ty khác do Bảo Sơn làm chủ sở hữu.
Theo ông Minh, số tài sản nghìn tỷ nói trên được xác lập trong thời kỳ hôn nhân, nhưng phần lớn cổ phần mang tên cổ đông là Nguyễn Thanh Thủy. Do đó, ông đòi chia số cổ phần tăng thêm đứng tên bà Thủy tại Công ty cổ phần tập đoàn Bảo Sơn và 7 công ty khác.
Tuy nhiên vụ việc chưa được giải quyết thì đầu năm 2012 công an Hà Nội đã bất ngờ bắt ông Bùi Đức Minh để điều tra về hành vi vu khống.
Vụ ly hôn của Phó Chủ tịch Tập đoàn FPT
Trên thị trường chứng khoán, 1 trong những vụ ly hôn đình đám và tốn kém đến nay là vụ ly hôn của Phó Chủ tịch HĐQT kiêm Phó Tổng giám đốc Tập đoàn FPT Lê Quang Tiến và vợ là bà Lê Thị Hồng Hải.
Cựu Phó chủ tịch tập đoàn FPT Lê Quang Tiến.
Ông Tiến buộc phải chia đến gần 2 triệu cổ phiếu FPT cho vợ. Năm 2007, 2 triệu cổ phiếu FPT ước tính giá trị 1.000 tỷ đồng. Thời điểm đó, ông Lê Quang Tiến sở hữu 3.709.630 cổ phần FPT.
Nếu giao dịch ngay, bà Hải có khoảng 1.000 tỷ đồng. Nhưng theo các chuyên gia chứng khoán, do nhiều quy định về điều lệ công ty và pháp luật về chứng khoán, bà Hải không thể bán hết số cổ phiếu đó để gom về 1.000 tỷ đồng.
Nhưng nhiều chuyên gia pháp lý cho rằng, việc chia đôi tài sản cổ phiếu của ông Tiến là điều hiếm có và được xem là cuộc ly hôn “sòng phẳng” từ trước đến nay trong giới đại gia.
Cuộc ly hôn 2.000 tỷ của sếp Tập đoàn Năm Sao
Tháng 12.2012, tòa án quận 3, Tp.HCM mở phiên sơ thẩm vụ ly hôn giữa ông Trần Văn Mười (chủ tịch HĐQT kiêm tổng giám đốc Tập đoàn quốc tế Năm Sao) và vợ là bà Phạm Thị Hương Giang (phó giám đốc CTCP giám định Đại Tây Dương).
Bà Giang cho biết vợ chồng bà có khối tài sản trị giá khoảng 2.000 tỷ đồng gồm: 10 biệt thự tại Tp.HCM, Vũng Tàu, Hải Phòng và nhiều bất động sản khác. Ngoài ra tài sản còn có một chiếc xe Camry, vốn cổ phần đầu tư vào CTCP Tập đoàn quốc tế Năm Sao, CTCP quốc tế Hòn Đảo Việt, CTCP đầu tư đô thị Sam My, CTCP vật tư nông nghiệp Vàm Cỏ Đông. Bà Giang yêu cầu được chia 50% tài sản trên.
Bà Phạm Thị Hương Giang.
Còn ông Mười lại cho rằng hầu hết số tài sản này là đi vay mượn, mua bán kiếm lời và do giá nhà xuống nên có khoản nợ 109 tỷ đồng và 6.804 lượng vàng. Ông Mười đề nghị tài sản sẽ ưu tiên trả nợ, phần còn lại sẽ phân chia.
Ông Mười sau đó đã đề nghị đưa cho bà Giang 60 tỷ đồng, phần còn lại ông sẽ chi trả nợ nần và toàn quyền quyết định. Tuy nhiên, bà Giang không đồng ý.
Vụ tranh chấp này sau đó cũng không rõ hồi kết.
Được biết, cặp đôi đại gia này kết hôn năm 1999, có 2 con chung. Từ năm 2004, hai bên bắt đầu nảy sinh những mâu thuẫn gia đình, căng thẳng nhất trong phiên tòa là việc phân chia tài sản.
Vụ ly hôn của ông bà chủ Đức Phát Barkery
Năm 2007, vụ ly hôn của ông bà chủ Đức Phát thu hút sự chú ý của dư luận. Đức Phát vốn là thương hiệu có tiếng và lâu đời tại Sài Gòn, được thành lập bởi ông Kao Siêu Lực.
Ông Kao Siêu Lực cùng 3 người con.
Ngày ra tòa ký đơn ly hôn, ông Lực chỉ có trong tay 400 USD và thương hiệu Đức Phát thuộc về vợ bởi đây là tên của bà.
Đồng ý chia đôi mỗi người 10 cửa hàng nhưng thương hiệu Đức Phát thì chỉ có 1 nên cuối cùng 2 bên thỏa thuận chỉ 1 người giữ thương hiệu và phía nhận phải trả cho phía mất 1 triệu USD. Bà chủ Đức Phát đồng ý trả 1 triệu USD và giữ lại thương hiệu. Với số tiền này, ông quyết định mở hiệu bánh mới với tên ABC Bakery với số vốn 30 tỷ đồng.
Cái tên ABC Bakery theo giải thích của ông chữ A nghĩa là "Asia" (châu Á), B là "Bakery" (Bánh), C là "Confectionary" (Kẹo). ABC cũng là tên viết tắt của 3 người con ông Lực: Anglela (con gái thứ Kao Huy Minh); Bruch (con trai út Kao Hớn Phong) và Christine (con gái cả Kao Huy Phương). Ba người con cũng là niềm tự hào của ông khi tiếp bước hứng thú với công việc làm bánh và bắt đầu cùng ông gánh vác sự nghiệp.
Hiện ABC Bakery là đối tác cung cấp bánh mì, bánh ngọt, hamburger cho những ông lớn fastfood KFC, Lotteria, Burger King hay McDonald’s...
Đây cũng được coi là vụ ly hôn "cao thượng" nhất trong giới đại gia.
Cái kết buồn giữa trùm BĐS Trường Chinh và Hoa hậu Diễm Hương
Năm 2015, thông tin Hoa hậu Diễm Hương và ông Đinh Trường Chinh - Chủ tịch Hội đồng thành viên của Công ty Địa ốc Việt Hân - ly hôn trở thành tâm điểm chú ý của dư luận.
Sau ly hôn, Hoa hậu Diễm Hương ngậm ngùi ra đi tay trắng.
Từ đây, những bí mật và góc khuất về cuộc hôn nhân này được phơi bày. Có thông tin cho rằng, Diễm Hương rời bỏ người chồng nghìn tỷ vì thời buổi bất động sản khó khăn, ông Chinh không kiếm được nhiều tiền như thời trước nữa.
Sau ly hôn, Diễm Hương ngậm ngùi ra đi tay trắng. Sau sự việc này, hình ảnh hoa hậu của Diễm Hương cũng bị ảnh hưởng đáng kể.
Tỷ phú Bezos và vợ MacKenzie Bezos
Trên thế giới, vụ ly hôn giữa tỷ phú Bezos và vợ MacKenzie Bezos cũng đang là tâm điểm chú ý của giới truyền thông.
Là người sáng lập và CEO của Amazon với khối tài khoản ròng gần 137 tỷ USD, cuộc ly hôn của tỷ phú Bezos và vợ MacKenzie Bezos được coi là cuộc ly hôn đắt nhất thế giới.
Cặp đôi có 3 con trai và một con gái nuôi gốc Trung Quốc. Ảnh: Getty Images.
Theo luật bang Washington (Mỹ), nơi ông Bezos cư trú, khối tài sản gần 137 tỷ đồng là tài sản chung tích lũy được trong thời gian kết hôn nên có thể bị chia đôi sau khi ly hôn.
Tuy nhiên, rất nhiều tài sản của ông Bezos được gắn với cổ phiếu Amazon. Cụ thể, Bezos sở hữu gần 16% cổ phần của Amazon, tương đương với gần 80 triệu cổ phiếu. Vì vậy, việc tài sản ròng gắn liền với cổ phiếu công ty có thể gây khó khăn cho tỷ phú Amazon trong quá trình ly hôn.
Sau ly hôn, vợ tỷ phú Jeff Bezos sẽ là phụ nữ giàu nhất thế giới?
Bởi nếu chuyển nhượng cổ phiếu, ông Bezos có thể mất quyền kiểm soát công ty tùy thuộc vào cổ phần của mình. Ngược lại, nếu để chi trả cho khoản thanh toán lớn như vậy, tỷ phú Bezos sẽ phải bán hoặc cầm cố cổ phần, điều này cũng có thể làm giảm quyền sở hữu và kiểm soát công ty của ông.
Ngoài khối tài sản ở công ty Amazon và khu đất rộng lớn ở Washington, cặp vợ chồng tỷ phú giàu nhất thế giới còn sở hữu một số bất động sản khác trên khắp nước Mỹ. Khối tài sản này bao gồm 2 biệt thự ở Beverly Hills được mua với giá 37,4 triệu USD, một trang trại rộng 30.000 mẫu Anh, ngôi nhà lớn nhất ở Washington DC và 4 căn hộ Manhattan trong một tòa nhà lịch sử nhìn ra công viên trung tâm.
Cả Bezos và MacKenzie hiện vẫn chưa có bình luận nào về khả năng phân chia tài sản của hai người. Dù vậy nếu hai bên không có thỏa thuận tiền hôn nhân hoặc hậu hôn nhân thì tài sản sẽ bị chia đều.
Nếu như trường hợp này xảy ra, thì đây sẽ là thương vụ ly hôn đắt đỏ nhất từ trước đến nay. Nếu cưa đôi theo định luật, bà MacKenzie sẽ trở thành người phụ nữ giàu nhất hành tinh với khoảng 68,5 tỷ USD.
(Tên và chức danh nhân vật được tổng hợp và giữ nguyên theo thời điểm ly hôn)