Lý do vàng nhẫn mỗi nơi mỗi giá
Khi giá vàng tăng vọt, nhiều người dân ở TPHCM đổ xô đi mua để dự trữ, đầu tư, nhưng không phải tiệm nào cũng đắt khách. Bên cạnh đó, cùng một loại vàng nhưng giá không nơi nào giống nơi nào.
Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Huỳnh Trung Khánh - Phó Chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam, cố vấn Hội đồng Vàng thế giới tại Việt Nam - cho rằng, giá vàng nhẫn không phải như giá vàng SJC. Vàng SJC đã được Nhà nước công nhận là thương hiệu vàng quốc gia, giá vàng nơi này giống như kim chỉ nam nên có khác đôi chút so với các thương hiệu vàng khác. Tuy nhiên không có sự chênh lệch quá nhiều.
Vàng nhẫn tiếp tục tăng giá, vẫn “cháy” hàng. Ảnh: U.P.
Vàng nhẫn thực ra không phải là vàng đầu tư. Theo Nghị định 24 về quản lý thị trường vàng, đó là vàng nữ trang. Hiện nay, nhiều người lo ngại rủi ro khi mua vàng miếng SJC nếu Ngân hàng Nhà nước can thiệp thì giá có thể đi xuống, do đó họ chuyển sang mua vàng nhẫn. Điều đó gây nên sự khan hiếm vàng nhẫn thời gian qua.
Do là vàng nữ trang nên giá cả vàng nhẫn ở mỗi cửa hàng sẽ khác nhau, tùy thuộc vào tiệm vàng đó đang có nữ trang nhiều hay ít, ngoài ra còn liên quan đến việc thu mua nguyên liệu. Nhiều doanh nghiệp (DN) khó mua nguyên liệu vàng vì quy định ngày càng chặt chẽ, những đơn vị mua nguyên liệu cao thì chi phí bán ra cũng cao hơn. Vàng nữ trang không có quy định thống nhất về giá cả nên chênh lệch giữa các tiệm vàng, thương hiệu tương đối nhiều.
“Hiện nay vàng nhẫn được ép vỉ, được bảo đảm của đơn vị sản xuất, kinh doanh nên vẫn đảm bảo chất lượng. Khách hàng có thể yên tâm khi mua” - ông Khánh nói.
Theo ông Khánh, tình trạng người dân đổ xô mua bán vàng hiện đã giảm nhiệt. Ông Khánh nhận định, không có tình trạng DN găm giữ vàng, chờ giá lên để bán. Các DN chỉ có thể tham khảo giá mua - bán trên cơ sở khả năng nguồn vàng SJC hiện có để ấn định giá trong từng thời điểm với khách hàng. Khi giá vàng SJC có chênh lệch cao so với giá vàng quốc tế quy đổi, thông thường các DN có giãn cách biên độ giữa giá mua - bán từ 1 - 3 triệu đồng/lượng để phòng ngừa rủi ro do không làm chủ được nguồn hàng.
“Muốn giải quyết cơn sốt giá vàng, cần phải tăng nguồn cung bằng cách Ngân hàng Nhà nước cho phép một số DN sản xuất, kinh doanh nữ trang vàng được nhập một lượng nhất định vàng nguyên liệu để kéo giá vàng SJC về gần với giá thế giới” - ông Khánh nói.
Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam đã nhiều lần kiến nghị và mong muốn có hạn ngạch cho các DN (SJC, PNJ, DOJI và mỗi đơn vị được nhập khoảng 500 kg vàng nguyên liệu trong ngắn hạn từ 3 - 6 tháng) sản xuất, kinh doanh nữ trang nhập khẩu vàng nguyên liệu để chế tác nữ trang vàng cho thị trường nội địa, nhưng đến nay vẫn chưa được nhập, nên giá vàng quốc tế tăng kéo theo giá vàng trong nước lên trên 80 triệu đồng/lượng.
Hiệp hội cũng kỳ vọng sớm sửa đổi Nghị định 24 để thị trường vàng Việt Nam có thể liên thông với thị trường vàng khu vực và thế giới.
Giá vàng trong nước và thế giới vẫn tiếp tục tăng trong phiên hôm nay.
Nguồn: [Link nguồn]