Lý do tỷ phú Trần Bá Dương bất ngờ dừng đầu tư vào công ty nông nghiệp của bầu Đức
Không nhận được giấy tờ đất của các công ty đã chuyển nhượng là một trong ba lý do khiến tỷ phú Trần Bá Dương dừng việc đầu tư vào "giấc mơ" nông nghiệp của bầu Đức.
Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai (HAGL Agrico, MCK: HNG) vừa thông báo về việc Công ty CP Nông nghiệp Trường Hải (Thagrico) dừng thực hiện đầu tư sở hữu hơn 741,4 triệu cổ phiếu HNG của HAGL Agrico.
Theo HAGL Agrico, tại ĐHĐCĐ diễn ra hồi đầu tháng 6, Công ty đã đồng ý việc Thagrico đầu tư sở hữu hơn 741,4 triệu cổ phiếu HNG thông qua hai hình thức: HAGL Agrico phát hành 550 triệu cổ phiếu để hoán đổi khoản nợ 5.500 tỷ đồng và chào bán riêng lẻ 191 triệu cổ phiếu cho Thagrico để huy động vốn sử dụng cho việc thanh toán các khoản phải trả ngắn hạn và dài hạn.
Về quyết định dừng đầu tư sở hữu cổ phiếu HNG của HAGL Agrico, Thagrico đưa ra những lý do sau đây:
3 lý do khiến tỷ phú Trần Bá Dương dừng đầu tư
Thứ nhất, Thagrico cho biết, nhằm hỗ trợ HAGL Agrico có nguồn tiền trả nợ trung hạn ngân hàng BIDV và ngân hàng khác. Năm 2019, Thagrico đã nhận chuyển nhượng 3 công ty con của HAGL Agrico (bao gồm Cao su Đông Dương, Đông Pênh và Cao su Trung Nguyên) với tổng diện tích 22.462 ha và tổng số tiền 7.623 tỷ đồng.
Tuy nhiên dù đã hoàn tất việc thanh toán, nhưng sau 2 năm Thagrico vẫn chưa nhận được giấy tờ đất của các công ty trên, do các giấy tờ này đang bị giữ lại ở BIDV.
Đến cuối năm 2020 và đầu 2021, HAGL Agrico tiếp tục nhận chuyển nhượng cho Thagrico 4 công ty bao gồm An Đông Mia, Cao su Hoàng Anh Quang Minh, Hoàng Anh Đăk Lăk và Bò sữa Tây Nguyên với tổng diện tích 20.744 ha. Tuy nhiên giấy tờ đất các đơn vị này đang thế chấp để đảm bảo cho các khoản nợ của Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) tại BIDV.
Trong khi đó Thagrico đã đầu tư xây dựng hạ tầng, trồng mới cây ăn trái trên diện tích của các công ty đã nhận chuyển nhượng trên, nhưng hiện tại vẫn chưa có giấy tờ đất. Do đó, công ty không huy động được nguồn vốn để tiếp tục đầu tư cho các dự án này.
Thứ hai, trong điều kiện khó khăn của HAGL Agrico và phương án phát hành cổ phiếu chưa được thực hiện, từ đầu năm 2021 đến nay, HAGL đã liên tục bán cổ phiếu HNG với số lượng lớn. Hiện tại, tỷ lệ sở hữu của nhóm cổ đông Hoàng Anh Gia Lai tại HAGL Agrico chỉ còn 16,3% và dự kiến giảm xuống tiếp 11,4% theo đợt đăng ký mới nhất.
Trong khi đó, theo phương án phát hành đã được thông qua, sau khi Thagrico đầu tư 741 triệu cổ phiếu, nhóm Hoàng Anh Gia Lai phải duy trì tỷ lệ sở hữu 25,2% tại HAGL Agrico. Điều này đã làm giá cổ phiếu HNG tụt xuống dưới mệnh giá.
Từ đầu năm 2021 đến nay, giá cổ phiếu HNG liên tục giảm.
Chốt phiên 23/7, cổ phiếu HNG tiếp tục giảm 2,3% xuống mức 8.250 đồng/cổ phiếu, tương đương giá trị vốn hóa thị trường còn 9.145 tỷ đồng. Tính từ đầu năm, cổ phiếu HNG đã mất 44% giá trị.
Thứ ba, diễn biến của dịch Covid-19 đang gây ra rất nhiều khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh của Thagrico, ảnh hưởng trực tiếp đến chuỗi cung ứng vật tư nông nghiệp cho các nông trường tại Lào và Campuchia, cũng như hoạt động xuất khẩu trái cây. Khó khăn này buộc Thagrico phải điều chỉnh lại kế hoạch đầu tư và sản xuất kinh doanh trong điều kiện mới.
Việc Thagrico dừng đầu tư 741,4 triệu cổ phiếu của HAGL Agrico là diễn biến bất ngờ khi cả hai bên đã thống nhất các điều khoản về việc phát hành cổ phiếu từ đại hội cổ đông bất thường tổ chức đầu năm nay.
Sau đại hội này, Chủ tịch Thaco Trần Bá Dương làm Chủ tịch HĐQT HAGL Agrico thay ông Đoàn Nguyên Đức - hay còn gọi là bầu Đức. Hiện tại, "bầu" Đức giữ chức Phó chủ tịch HAGL Agrico.
Từ quý I năm nay, Tập đoàn HAGL cũng không còn hợp nhất số liệu của HAGL Agrico vào báo cáo tài chính khi không còn là công ty mẹ.
Cuộc "thâu tóm" bất đắc dĩ
HAGL Agrico được thành lập từ năm 2010 và tập trung trồng các loại cây công nghiệp như cây cao su, cây cọ dầu với tổng diện tích 84.000 ha, trong đó 8.900 ha tại Việt Nam, 27.376 ha tại Lào và 47.724 ha tại Campuchia.
Tuy nhiên, hoạt động kinh doanh khó khăn kéo theo tình hình tài chính cũng bết bát khi mà tổng nợ của HAGL Agrico vượt hơn 22.100 tỷ đồng vào cuối năm 2017, trong khi vốn điều lệ chỉ là 7.671 tỷ đồng.
Trong tình hình khó khăn đó, để có nguồn vốn duy trì chăm sóc vườn cây, đầu tư trồng mới và thanh toán các khoản vay đến hạn, HAGL Agrico đã mời gọi tỷ phú Trần Bá Dương tham gia đầu tư.
Sau đó, Thaco sở hữu 35% cổ phần của HAGL Agrico, tương đương 3.890 tỷ đồng và tiến hành thực hiện tái cơ cấu tài chính cho doanh nghiệp thông qua việc mua lại các công ty con và cho vay tiền.
Tuy nhiên, vào năm 2020, HAGL Agrico và HAGL không thỏa thuận được với ngân hàng về thanh toán nợ để lấy giấy tờ đất của 4 Công ty trên đang là tài sản thế chấp nợ của HAGL và HAGL Agrico để giao cho Thaco.
Do đó, Thaco bất đắc dĩ phải tiếp quản luôn HAGL Agrico từ HAGL thông qua việc tăng vốn cho HAGL Agrico để cấn trừ nợ và có vốn để HAGL Agrico tiếp tục đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh trong giai đoạn 2021-2023.
Cụ thể, cổ đông HAGL Agrico thông qua phương án tăng vốn điều lệ thêm 7.415 tỷ, lên mức 18.500 tỷ đồng thông qua phát hành cổ phiếu hoán đổi nợ với Thagrico
Tuy nhiên, phương án phát hành này không thể tiếp tục thực hiện do Thagrico đã dừng đầu tư sở hữu cổ phiếu HNG. HĐQT HAGL Agrico cũng đã chấp thuận việc dừng phương án phát hành 550 triệu cổ phiếu để hoán đổi nợ, đồng thời cũng dừng chào bán cổ phiếu riêng lẻ cho Thagrico.
Kết thúc quý I, HAGL Agrico đạt doanh thu thuần 260 tỷ đồng và lãi sau thuế 7 tỷ đồng. Tuy nhiên, công ty lên kế hoạch kinh doanh thận trọng trong năm nay với mức lỗ dự kiến 84 tỷ đồng cùng doanh thu 1.465 tỷ đồng.
Cùng với sự sụt giảm của giá thịt lợn, thịt gia cầm và giá vốn bán hàng tăng cao đã ăn mòn lợi nhuận của “đại...
Nguồn: [Link nguồn]