Lý do người dân đổ xô mua vàng nhẫn
Trong vòng 1 năm qua, vàng nhẫn tuy không tăng giá bất ngờ nhưng luôn duy trì đà tăng bền vững với mức tăng thêm lên tới hơn 10 triệu đồng/lượng. Theo các chuyên gia, sở dĩ người dân có xu hướng mua vào "găm" giữ vàng nhẫn bởi dù giữ vàng này có thể lãi hơn vàng miếng.
Sóng tăng duy trì vững
Trong cơn sóng vàng miếng SJC vào ngày 26/12/2023 khi lên tới hơn 80 triệu đồng/lượng, vàng nhẫn cũng lập đỉnh lên mốc 64 triệu đồng/lượng.
Thế nhưng, sau khi Ngân hàng Nhà nước ra thông điệp xem xét lại việc độc quyền, giá vàng SJC lập tức giảm mạnh quanh mốc 76 triệu đồng/lượng. Ngược lại với sự điều chỉnh giảm mạnh của vàng miếng SJC, vàng nhẫn vẫn duy trì tăng và liên tục lập đỉnh mới lên sát mốc 65 triệu đồng/lượng.
Hiện, tại Bảo Tín Minh Châu, vàng nhẫn được niêm yết 63,88-64,98 triệu đồng/lượng mua vào - bán ra. Còn tại Doji, mức giá ghi nhận 63,65-64,65 triệu đồng/lượng.
Vàng nhẫn lập kỷ lục khi tiến sát mốc 65 triệu đồng/lượng.
Giá vàng nhẫn tăng mạnh khiến nhiều người lựa chọn đầu tư. Trong khi đó, thời điểm giáp Tết Nguyên đán nhiều người tổ chức đám cưới khiến nhu cầu loại vàng này tăng cao.
Đến mua vàng tại một cửa hàng trên đường Trần Nhân Tông (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội), anh Nguyễn Việt Hoàng cho biết, thông thường anh đầu tư vàng miếng, tuy nhiên nếu loại vàng này tiềm ẩn nhiều rủi ro anh sẽ chuyển sang đầu tư vàng nhẫn.
"Nhiều cửa hàng có đủ loại vàng nhẫn từ 1-10 chỉ phù hợp với nhiều người lựa chọn mua tích trữ. Tôi mua vàng rải rác trong năm từ lúc giá còn 55 triệu đồng/lượng cho đến hơn 60 triệu đồng/lượng tôi bán ra. Giờ tôi thấy vàng thế giới có xu hướng tăng nên giá vàng trong nước có khả năng tăng theo nên quyết định mua thêm 5 lượng vàng nhẫn tròn với kỳ vọng giá lên 70 triệu đồng/lượng", anh Hoàng nói.
Chuyên gia: Giữ vàng nhẫn lãi hơn
Ông Huỳnh Trung Khánh - chuyên gia Hội đồng vàng Thế giới - cho rằng, không chỉ vàng miếng SJC mà nhu cầu nắm giữ vàng nhẫn trong dân cao và nguồn cung hiện nay vẫn thiếu do các doanh nghiệp không được phép nhập khẩu vàng làm nữ trang. Bên cạnh đó, việc cơ quan chức năng đẩy mạnh triệt phá các đường dây mua bán vàng lậu dẫn đến nguồn cung vàng nguyên liệu trên thị trường trở nên khan hơn. Các yếu tố này cộng hưởng dẫn đến giá mua bán vàng nhẫn tăng vọt.
Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Nguyễn Thế Hùng - Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam - cho rằng, người dân có xu hướng đầu tư, nắm giữ vàng nhẫn hơn vàng miếng SJC bởi dù hiện vàng SJC có giảm nhưng so với giá vàng thế giới vẫn cao hơn 15 triệu đồng/lượng. Trong khi đó, vàng nhẫn chỉ cao hơn vàng thế giới 1- 2 triệu đồng/lượng và đang bám sát với đà tăng của vàng thế giới.
Theo ông Hùng, hiện giá vàng miếng SJC tăng giảm bất thường nên nhiều doanh nghiệp nới rộng chênh lệch mua vào, bán ra lên gần 3 triệu đồng/lượng, trong khi đó vàng nhẫn duy trì mức 1 triệu đồng/lượng.
Như vậy, so với vàng miếng, người dân giữ vàng nhẫn từ đầu năm 2023 đến nay lãi gần 10 triệu đồng/lượng, trong khi vàng miếng SJC chỉ lãi 7 triệu đồng/lượng.
Hiện, người dân đang có xu hướng bán vàng miếng SJC để chuyển qua vàng nhẫn vì lo ngại Ngân hàng Nhà nước có thể can thiệp bất kỳ lúc nào. Thời gian qua cơ quan quản lý đã có hàng loạt tuyên bố cứng rắn nên người nắm giữ vàng miếng SJC rất lo lắng.
Ông Hùng cho biết thêm, tại thời điểm này khi giá vàng thế giới phụ thuộc nhiều yếu tố địa chính trị, kinh tế... có nhiều biến động lớn, nhà đầu tư nên thận trọng, lựa chọn để đầu tư. Với nhẫn tròn trơn và vàng trang sức, nhà đầu tư nên lựa chọn ở những đơn vị có uy tín để đảm bảo chất lượng và giá.
Theo một lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước, sắp tới Ngân hàng Nhà nước sửa Nghị định 24 đánh giá lại vàng miếng SJC và làm sao để người dân lựa chọn vàng khác thay vì chỉ tập trung vào vàng miếng.
Giá vàng thế giới và trong nước hôm nay đều quay đầu giảm mạnh.
Nguồn: [Link nguồn]