Lý do loạt doanh nghiệp bất ngờ 'ôm' lỗ lớn sau kiểm toán
Lợi nhuận không ít doanh nghiệp "bốc hơi", chuyển thành âm sau kiểm toán. Nhiều doanh nghiệp cũng báo lỗ tăng gấp 2, 3 lần so với báo cáo tự lập. Sự lệch pha sau soát xét tiếp tục được ghi nhận với nhiều lý do khác nhau.
Chuyển từ lãi sang lỗ
Nhiều doanh nghiệp tiếp tục công bố báo cáo tài chính kiểm toán năm 2022. Một số đơn vị gây chú ý khi khi lãi chuyển thành lỗ.
Như trường hợp Công ty CP Quốc tế Holding (LMH), số lãi 25 tỷ đồng đã bốc hơi hậu soát xét, thay vào đó là khoản lỗ ròng hơn 22 tỷ đồng. Nguyên nhân chủ yếu được LMH giải thích là do thời điểm lập báo cáo trước kiểm toán, đơn vị chưa thực hiện đánh giá trích lập dự phòng rủi ro đối với các khoản nợ phải thu khó đòi và các khoản đầu tư tại dự án nhà ở Thành An Tower.
Thị trường tiếp tục ghi nhận chuyện lệch pha lỗ lãi mùa báo cáo tài chính (ảnh minh họa).
Sau khi có ý kiến của kiểm toán, ban lãnh đạo LMH cho biết đã tiến hành rà soát đánh giá lại các yếu tố rủi ro và quyết định tăng trích lập dự phòng rủi ro để phản ánh đúng tính chất hoạt động kinh doanh trong kỳ báo cáo.
Với ý kiến ngoại trừ của kiểm toán đối với số dư khoản công nợ phải thu về cho vay, các khoản phải thu - phải trả ngắn hàng cho khách hàng chưa được tập hợp đầy đủ, LMH cho biết: Cuối năm 2022 đã thực hiện lập thư xác nhận công nợ đối với từng khách hàng - đối tác. Sau xác minh, nhiều địa chỉ khách hàng đối tác đã thay đổi. Từ đó dẫn đến hồ sơ xác nhận số dư không được xác nhận.
Một doanh nghiệp khác cũng chuyển từ lãi sang lỗ hậu kiểm toán là Công ty CP Tập đoàn Kỹ nghệ gỗ Trường Thành (TTF).
Cụ thể, lợi nhuận sau thuế của TTF trên báo cáo hợp nhất đã chuyển từ lãi hơn 6 tỷ sang lỗ gần 1,23 tỷ đồng. Nguyên nhân được TTF cho biết là do ghi nhận bổ sung các khoản chi phí thuế phải nộp cho giai đoạn từ năm 2012-2016 của công ty mẹ.
Lãnh đạo TTF cũng cho biết, năm 2022 là năm khó khăn với ngành xuất khẩu nói chung và gỗ, lâm sản nói riêng. "Lạm phát tại các thị trường xuất khẩu quan trọng là Mỹ và EU khiến tình hình xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ sang hai thị trường này sụt giảm nghiêm trọng trong quý III/2022. Sang quý IV đơn hàng tiếp tục sụt giảm", lãnh đạo TTF cho biết.
Trong khi đó, chi phí quản lý doanh nghiệp cao gấp gần 23 lần sau kiểm toán cũng khiến Công ty B.C.H (BCA) chuyển từ lãi sang lỗ ròng gần 74 tỷ đồng. Nguyên nhân được ban lãnh đạo cho biết là do thiếu sót vì chưa trích lập dự phòng các khoản phải thu khó đòi. Công ty này khẳng định sẽ rút kinh nghiệm và không tái phạm trong các báo cáo tài chính sau.
Lỗ khủng sau soát xét
Công ty CP Đầu tư và Phát triển Đức Quân (FTM) là doanh nghiệp báo lỗ tăng gấp đôi sau kiểm toán. Sau kiểm toán, doanh nghiệp này ôm khoản lỗ 473 tỷ đồng. Nguyên nhân được FTM cho biết là do việc trích lập dự phòng các khoản công nợ phải thu.
Tổng số nợ phải trả của FTM tính đến cuối 2022 đã vượt quá tổng tài sản và phát sinh khoản lỗ 473 tỷ đồng. Ngoài ra, các khoản vay ngân hàng quá hạn thanh toán số tiền là 602 tỷ đồng và lãi vay ngân hàng quá hạn thanh toán chưa được gia hạn là hơn 511 tỷ đồng.
FTM cho biết từ 2029 đến nay, công ty đang gặp rất nhiều khó khăn về tài chính, đã và đang thực hiện nhiều biện pháp tái cơ cấu về tổ chức, kinh doanh và quản lý tài chính.
Sở Giao dịch Chứng khoán TPHCM cũng vừa quyết định về việc đưa cổ phiếu của Công ty Cổ phần Garmex Sài Gòn (GMC) vào diện cảnh báo kể từ ngày 11/04/2023 với lý do lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ năm 2022 là - 84 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế chưa phân phối tại ngày 31/12/2022 là -19,46 tỷ đồng căn cứ vào báo cáo tài chính hợp nhất kiểm toán.
Theo báo cáo tài chính hợp nhất đã kiểm toán, GMC gánh khoản lỗ 84 tỷ đồng, trong khi báo cáo tự lập là hơn 65 tỷ đồng. Nguyên nhân được ban lãnh đạo công ty đưa ra là do điều chỉnh tăng 14,2 tỷ đồng giá vốn hàng bán của thành phẩm, chủ yếu do trích lập thêm dự phòng giảm giá hàng tồn kho. Đồng thời điều chỉnh tăng chi phí quản lý trích lập bổ sung khoản phải trả cho người lao động...
Công bố trước đó, hàng loạt doanh nghiệp cũng phải điều chỉnh lại bức tranh tài chính sau soát xét. Giới chuyên gia cho rằng, sự chênh lệch quá lớn giữa các con số trước và sau kiểm toán phần nào cho thấy chất lượng báo cáo tự lập chưa cao. Để đánh giá sức khoẻ của doanh nghiệp, cần nhìn vào báo cáo tài chính kiểm toán với độ chính xác cao hơn.
Thông tin doanh nghiệp điện máy Thái Lan Casper lỗ nặng không làm giới kinh doanh bất ngờ vì thương hiệu mới nào muốn xâm nhập thị trường Việt Nam đều phải chấp nhận lỗ vài...
Nguồn: [Link nguồn]