Lý do 'ế' hơn 13.000 lượng vàng miếng SJC trong phiên đấu thầu hôm nay
Khối lượng đặt mua tối thiểu 1.400 lượng trong phiên đấu thầu vàng khiến cho doanh nghiệp e ngại. Bởi con số đó có thể tương đương đến nửa tháng bán vàng của họ, trong bối cảnh giá vàng biến động như hiện nay, điều đó tiềm ẩn rủi ro.
Tại buổi đấu thầu vàng miếng đầu tiên của năm 2024, ngày 23-4, có 11 đơn vị tham gia dự thầu, bao gồm 4 doanh nghiệp: SJC, DOJI, PNJ, Phú Quý ACB và 7 ngân hàng: MSB, Sacombank, Eximbank, Techcombank, VPBank, HDBank.
Đại diện các ngân hàng, doanh nghiệp tham gia phiên đấu giá vàng ngày 23-4. Ảnh: MT
So với mức giá của ngày 22-4, giá tham chiếu để tính giá trị đặt cọc đã giảm 1,1 triệu đồng/lượng còn 80,7 triệu đồng/lượng. Tổng khối lượng vàng miếng được đưa ra đấu thầu ngày 23-4 vẫn là 16.800 lượng, tương đương 631kg vàng.
Theo nguồn tin riêng, chỉ có hai đơn vị trúng thầu 3.400 lượng vàng là SJC và ACB. Như vậy phiên đấu thầu vàng của Ngân hàng Nhà nước hôm nay còn thừa đến 13.400 lượng vàng miếng SJC.
Đề nghị điều chỉnh quy định
Nói về kết quả của đấu thầu vàng miếng, ông Huỳnh Trung Khánh - Phó Chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam (VGTA), Cố vấn Hội đồng Vàng thế giới tại Việt Nam cho rằng, việc NHNN đấu thầu vàng ở thời điểm này, khi giá vàng miếng SJC bán ra trên thị trường đang ở mức 83,5 triệu đồng/lượng và yêu cầu số lượng mua tối thiểu là 1.400 lượng khiến nhiều đơn vị tham gia đấu giá cân nhắc.
Chuyên gia này cũng chỉ ra bối cảnh thị trường hiện nay cũng khác rất nhiều so với thời điểm năm 2013 khi mà số lượng doanh nghiệp kinh doanh vàng miếng trên thị trường đã giảm đi khá nhiều, hiện tại chỉ còn tập trung vào một số đơn vị lớn như SJC, PNJ, Doji, Phú Quý…Vì vậy nhu cầu vàng miếng cũng không thể lớn như 11 năm trước đây.
Còn từ phía doanh nghiệp, trong cuộc họp đại hội đồng cổ đông sáng 23-4, CEO ngân hàng TPBank Nguyễn Hưng cho biết, TPBank không tham gia đấu thầu vàng lần này bởi biên lợi nhuận thấp.
Đại diện một doanh nghiệp kinh doanh vàng trên địa bàn Hà Nội đồng quan điểm này của ông Nguyễn Hưng, đồng thời cho rằng trung bình một doanh nghiệp mỗi ngày tại Hà Nội bán ra tối đa khoảng 200 đến 300 lượng vàng. Trong khi quy định đấu thầu, mỗi doanh nghiệp phải mua tối thiểu đến 1.400 lượng vàng là hơi nhiều.
"1.400 lượng vàng có thể tương đương từ 1 tuần đến nửa tháng bán ra của một doanh nghiệp kinh doanh vàng bình thường, mà trong bối cảnh giá vàng biến động thất thường như hiện nay, không khó để lý giải tại sao doanh nghiệp có những cân nhắc khi quyết định có tham gia đấu thầu vàng hay không"- Vị này nêu thực tế.
Đại diện doanh nghiệp đề xuất Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh quy định, giảm khối lượng mua tối thiểu để việc đấu thầu vàng hấp dẫn hơn với doanh nghiệp.
Các doanh nghiệp cũng ưu tiên kinh doanh sản phẩm vàng mang thương hiệu riêng của họ, việc ôm quá nhiều vàng miếng SJC không thực sự phù hợp với mục tiêu của nhiều doanh nghiệp.
Người dân xếp hàng mua vàng tại phố Trần Nhân Tông (Hà Nội) ngày 23-4. Ảnh: NGỌC DIỆP
Phản ứng của thị trường
Thị trường vàng trong nước đã có những phản ứng đầu tiên. Giá vàng SJC dù đã giảm trong ngày hôm qua và ngày hôm nay nhưng chênh lệch giữa giá mua và giá bán duy trì ở ngưỡng cao.
Nếu như trong tuần trước, chênh lệch giá mua – bán phổ biến quanh ngưỡng khoảng 2 triệu đồng/lượng thì đến ngày hôm qua chênh lệch giá mua – bán vàng ở mức 2,5 triệu đồng/lượng, tạo ra nhiều rủi ro cho người mua vàng nhỏ lẻ. Hiện tại, chênh lệch mua vào bán ra tạm thời hạ nhiệt xuống còn 2,3 triệu đồng/lượng.
Cập nhật vào thời điểm cuối giờ chiều nay, giá vàng SJC giao dịch ở mức 80,7 – 83 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra). Tại Công ty Vàng bạc Đá quý Doji, giá vàng nhẫn 9999 Hưng Thịnh Vượng giao dịch ở mức 73,7 – 75,4 triệu đồng/lượng.
Cũng trong ngày hôm nay, lác đác có hiện tượng người dân tranh thủ giá vàng giảm để đi mua vàng. Ghi nhận tại phố Trần Nhân Tông, nơi tập hợp nhiều doanh nghiệp kinh doanh vàng bạc trang sức lớn tại khu vực miền Bắc như PNJ, Doji, Bảo Tín Minh Châu, có một số người dân xếp hàng để mua vàng, tuy nhiên lượng mua của mỗi người dân khá nhỏ, chủ yếu mang tính tích lũy.
Giá vàng thế giới dù rớt mạnh trong vài phiên gần đây nhưng vẫn ở ngưỡng rất cao nếu tính trong thời gian 6 tháng gần nhất - Nguồn: Kitco
Trên thị trường thế giới, giá vàng tiếp tục rơi sâu. Ở thời điểm cuối chiều nay, giá vàng thế giới đã về sát mốc 2.300USD/ounce, quy đổi ra khoảng 71 triệu đồng/lượng. Như vậy giá vàng miếng trong nước hiện đang cao hơn giá vàng thế giới đến hơn 11 triệu đồng/lượng. Giá vàng trang sức trong khi đó cao hơn giá vàng thế giới khoảng 4 triệu đồng/lượng.
Thị trường đôla tự do đến cuối giờ chiều nay ghi nhận giao dịch khá trầm lắng, chỉ có lác đác người mua với nhu cầu đi du lịch hoặc đi công tác nước ngoài. Tỷ giá đôla tự do giao dịch ở mức 25.650 – 25.750 đồng Việt Nam/USD.
Tại Ngân hàng Nhà nước, tỷ giá trung tâm ngày hôm nay ở mức 25.275 đồng Việt Nam/USD. Tại Vietcombank, tỷ giá đồng USD ở mức 25.148 – 25.488 đồng Việt Nam/USD.
Nguồn: [Link nguồn]
Trưa ngày 23/4, Ngân hàng Nhà nước cho biết đã đấu thầu thành công 34 lô tương đương 3.400 trên tổng 16.800 lượng vàng được chào bán.