Lý do các ngân hàng gấp rút đẩy vốn ra thị trường

Sự kiện: Kinh tế toàn cảnh

Để đạt mục tiêu tăng trưởng tín dụng từ nay đến cuối năm đạt 14-15% như đúng mục tiêu đề ra, các ngân hàng tích cực đẩy vốn ra thị trường.

Số liệu thống kê của Ngân hàng Nhà nước cho thấy, tính đến giữa tháng 6 năm nay tăng trưởng tín dụng của hệ thống tổ chức tín dụng mới đạt 3,79%. Con số này còn cách rất xa so với mục tiêu cả năm là 15%.

Ông Lê Ngọc Lâm - Tổng Giám đốc Ngân hàng BIDV - cho biết, tăng trưởng tín dụng của BIDV cập nhật hết 17/6 là 4,7%, tương ứng dư nợ 1,87 triệu tỷ đồng, tăng 81.000 tỷ đồng so với cuối năm 2023. Tính theo doanh số giải ngân là 3,4 triệu tỷ đồng, vòng quay vốn là 2,78 lần.

Các ngân hàng đưa ra nhiều chính sách để thúc đẩy tăng trưởng tín dụng từ nay đến cuối năm.

Các ngân hàng đưa ra nhiều chính sách để thúc đẩy tăng trưởng tín dụng từ nay đến cuối năm.

Cuối năm ngoái, tín dụng tăng trưởng tại BIDV khá nhanh nên trong tháng 1 và 2 tăng trưởng âm và mới bắt đầu dương trở lại vào tháng 5, nhưng dư nợ so với cùng kỳ năm ngoái tăng 15,6%, con số này không phải thấp. Xét theo địa bàn, tín dụng Hà Nội tăng trưởng 9,6%, TPHCM tăng 4,1%, Nam Trung Bộ tăng 6,3%. Những khu vực còn lại tăng thấp, có cụm âm.

Để thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, BIDV hiện có 16 gói tín dụng quy mô 80.000 - 90.000 tỷ đồng, lãi suất thấp hơn 0,5-2,5%/năm so với khách hàng thông thường. Đồng thời, trong gần 6 tháng, ngân hàng giảm lợi nhuận 3.500 tỷ đồng để hỗ trợ khách hàng.

"Mặt bằng lãi suất đang ở mức thấp, song tín dụng gặp nhiều khó khăn. Ngân hàng rất muốn cho vay, thậm chí là sốt ruột nhưng sức hấp thụ vốn kém, nên tín dụng tăng trưởng chậm. Nhìn số liệu doanh nghiệp rút khỏi thị trường hoặc tạm ngừng kinh doanh, giải thể tăng cao do gặp phải khó khăn thời hậu COVID-19 cho thấy sức khỏe doanh nghiệp đã giảm sút nhiều, dẫn đến cầu tín dụng giảm", ông Lâm nói.

Theo ông Lâm, ngân hàng sẽ thúc đẩy các chi nhánh tích cực tăng trưởng tín dụng trong 6 tháng cuối năm như tổ chức làm việc, đối thoại, kết nối giữa doanh nghiệp với ngân hàng để tìm ra khó khăn, tháo gỡ vướng mắc; tiếp tục triển khai các gói tín dụng, giảm lãi suất để hỗ trợ thúc đẩy tăng trưởng tín dụng theo các chương trình và chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước.

Ông Phạm Toàn Vượng - Tổng Giám đốc Agribank - cho biết, dự kiến đến hết 30/6, tín dụng của ngân hàng sẽ tăng 2,5% và hết năm tăng trưởng 8,5%.

Mặc dù tín dụng của Agribank tăng trưởng thấp, nhưng với đặc thù tín dụng, tệp khách hàng thì đây cũng là một kết quả tốt.

Thời gian tới, Agribank tiếp tục triển khai quyết liệt, các giải pháp đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả; tập trung vốn tín dụng vào các lĩnh vực là động lực phát triển (xuất khẩu, đầu tư, tiêu dùng), tiếp tục tiếp cận và đầu tư vốn đối với các dự án nhà ở xã hội, lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn (lúa gạo, lâm thuỷ sản).

“Chúng tôi sẽ tiếp tục triển khai các chương trình tín dụng ưu đãi lãi suất cho từng đối tượng khách hàng và có chính sách lãi suất phù hợp nhằm hỗ trợ khách hàng vượt qua giai đoạn khó khăn, thực hiện nghiêm túc kỷ luật trong xử lý vi phạm trong công tác cho vay”, ông Vượng nói.

Đại diện Ngân hàng ABBANK cho biết, để thúc đẩy tín dụng, ngân hàng đã rà soát các khách hàng. Khách hàng nào tốt, ngân hàng chủ động tăng hạn mức; những khách hàng có cơ hội hồi phục, ngân hàng cũng mạnh dạn cơ cấu lại theo quy định; chỉ nhóm khách hàng không thể cơ cấu lại mới tập trung thu hồi nợ.

Theo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng, cơ quan này sẽ khẩn trương ban hành các văn bản hướng dẫn Luật Các tổ chức tín dụng năm 2024 nhằm bảo đảm hiệu lực thi hành luật từ ngày 1/7; tiếp tục rà soát để sửa đổi, bổ sung một số văn bản quy phạm pháp luật nhằm tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế, tăng khả năng tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng.

Cũng theo lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước, các chương trình, chính sách tín dụng 120.000 tỷ đồng cho vay phát triển nhà ở xã hội; chương trình cho vay 30.000 tỷ đồng đối với lĩnh vực lâm sản, thủy sản sẽ được quyết liệt đẩy mạnh.

Nguồn: [Link nguồn]

Những khách hàng chưa cập nhật dữ liệu sinh trắc học từ ngày 1-7 sẽ ra quầy giao dịch ngân hàng hoặc cập nhật qua VNeID của các ngân hàng.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Ngọc Mai ([Tên nguồn])
Kinh tế toàn cảnh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN