Lý do 1 triệu tỷ đồng đang tồn trong kho bạc
Đại diện Kho bạc Nhà nước cho biết, cơ cấu khoản tiền 1 triệu tỷ đồng tồn quỹ ngân sách do chậm giải ngân, gồm: Nguồn tiền dành cho đầu tư công, nguồn tiền cải cách tiền lương.
Chiều 18/7, tại họp báo chuyên đề kết quả công tác trọng tâm 6 tháng đầu năm, đại diện Kho bạc Nhà nước trả lời câu hỏi của PV Tiền Phong về việc chậm giải ngân khiến tồn quỹ ngân sách lên tới 1 triệu tỷ đồng.
Ông Lưu Hoàng - Cục trưởng Quản lý ngân quỹ, Kho bạc Nhà nước - cho biết, đây là khoản tiền tồn quỹ ngân sách nhà nước. Hiện nay, tồn quỹ ngân sách nhà nước gồm 2 cấp: Trung ương và địa phương (tỉnh, huyện, xã). Tỷ trọng lớn nhất trong khoản tiền này thuộc vốn đầu tư công.
Bên cạnh đó, tồn quỹ ngân sách nhà nước còn có nguồn tiền từ cải cách tiền lương. Đối với cải cách tiền lương, khoản tiền đã sẵn sàng, Kho bạc Nhà nước chi khi có văn bản yêu cầu từ các đơn vị.
Toàn cảnh họp báo tình hình 6 tháng đầu năm của Kho bạc Nhà nước ngày 18/7.
Trước đó, tại hội nghị sơ kết công tác tài chính - ngân sách nhà nước, triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc nêu thực trạng, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công 6 tháng đầu năm gần 29%, thấp hơn cùng kỳ năm 2023.
“Do chậm giải ngân, số tiền nằm ở kho bạc trên 1 triệu tỷ đồng trong khi doanh nghiệp phải đi vay lãi suất cao là sự lãng phí. Vì vậy, tôi đề nghị, các đơn vị thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công. Khi gặp khó khăn, các đơn vị trình, báo cáo lãnh đạo bộ, tôi sẽ ký và chịu trách nhiệm”, ông Phớc cho biết.
Nói về nguyên nhân chậm giải ngân vốn đầu tư công, ông Trần Mạnh Hà - Vụ trưởng kiểm soát chi, Kho bạc Nhà nước - cho biết, do dự án vướng mắc giải phóng mặt bằng, không thi công và không có khối lượng thanh toán. Theo ông Hà, thời gian qua, thị trường vật liệu xây dựng phục vụ dự án đường cao tốc gặp khó khăn, ảnh hưởng tiến độ thi công các dự án, tác động tiến độ giải ngân vốn. Bên cạnh đó, vướng mắc chủ quan như chủ đầu tư triển khai dự án còn chậm, chậm khối lượng thanh toán gửi về Kho bạc Nhà nước.
"Để đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công, Kho bạc Nhà nước triển khai thanh toán trực tuyến, hỗ trợ chủ đầu tư giải ngân qua dịch vụ công trực tuyến mức độ 4. Kho bạc Nhà nước sẵn sàng giải ngân vốn khi chủ dự án hoàn thành khối lượng, gửi hồ sơ thanh toán. Chúng tôi có hệ thống giám sát giao dịch trên dịch vụ công trực tuyến, đảm bảo không chậm muộn giải ngân" ông Hà cho biết.
Theo đại diện Kho bạc Nhà nước, thời gian tới sẽ tiếp tục siết chặt kỷ cương, kỷ luật, phối hợp với bộ ngành tập huấn nghiệp vụ đầu tư công nhằm đẩy nhanh việc giải ngân vốn.
Nguồn: [Link nguồn]
Riêng trong quý 2/2024, LNTT của FPT đạt 2.664 tỷ đồng, tăng trưởng 20,1% so với cùng kỳ năm trước.