Loạt sếp lớn doanh nghiệp ứng cử đại biểu Quốc hội

Sự kiện: Kinh tế toàn cảnh

Trong 866 ứng cử viên ĐBQH khoá XV, 30 người là lãnh đạo các công ty, hiệp hội doanh nghiệp và có 10 người là nữ. Đây đều là những doanh nhân có uy tín cao trong giới kinh doanh.

Dưới đây là một số doanh nhân nổi tiếng ứng cử ĐBQH khóa này.

Chủ tịch Xây dựng Hòa Bình Lê Viết Hải

Ông Lê Viết Hải- Chủ tịch Xây dựng Hòa Bình. Ảnh: HBC

Ông Lê Viết Hải- Chủ tịch Xây dựng Hòa Bình. Ảnh: HBC

Ông Lê Viết Hải sinh năm 1958 trong một gia đình có 11 anh chị em tại Thừa Thiên- Huế.

Được biết, Công ty CP Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (HBC) được thành lập vào năm 1987, hiện là một trong những nhà thầu xây dựng lớn tại Việt Nam. Ông Lê Viết Hải là nhà sáng lập, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc của công ty suốt hơn 30 năm.

Ngày 1/12/2000, Văn phòng Xây dựng Hòa Bình chính thức đổi tên thành CTCP Xây dựng & Kinh doanh Địa ốc Hòa Bình (nay là CTCP Tập đoàn Xây dựng Hoà Bình). 6 năm sau đó cổ phiếu Hòa Bình chính thức niêm yết trên Sàn giao dịch Chứng khoán TP.HCM với mã HBC.

Ông cùng các thành viên trong gia đình hiện sở hữu hơn 20% cổ phần công ty. Trong đó, riêng ông Hải đang sở hữu hơn 16,05% cổ phần công ty.

Sau khi liên tục đảm nhiệm chức vụ Tổng giám đốc trong 33 năm từ khi thành lập Hòa Bình, Tháng 7/2020, HBC thông báo quyết định của HĐQT, thông qua đơn từ nhiệm chức vụ Tổng Giám đốc của ông Lê Viết Hải. Tổng Giám đốc mới được bổ nhiệm của Tập đoàn xây dựng Hòa Bình là ông Lê Viết Hiếu- người trước đó đảm nhận vị trí Phó Tổng Giám đốc đối ngoại khu vực miền Bắc đồng thời cũng là con trai Chủ tịch Lê Viết Hải.

Việc doanh nhân 62 tuổi nhường lại vị trí CEO Hòa Bình cho con trai phù hợp với quy định về quản trị doanh nghiệp khi chủ tịch HĐQT không được kiêm nhiệm CEO của cùng một công ty đại chúng có hiệu lực vào ngày 1/8/2020.

Với động thái chuyển giao việc điều hành Tập đoàn Hòa Bình cho người kế nhiệm, ông Hải cho biết bản thân có nhiều thời gian hơn, tự tin làm tròn trách nhiệm nếu trúng cử đại biểu Quốc hội (ĐBQH) khóa XV.

"Thuyền trưởng" của Xây dựng Hoà Bình cho biết sẽ thực thi 8 đầu việc chính nếu trúng cử.

Bên cạnh tham gia xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật, doanh nhân này muốn thúc đẩy công nghiệp xây dựng trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, đóng góp sáng kiến quy hoạch theo hướng hình thành các đô thị vệ tinh cho TP.HCM và xây dựng cơ chế đặc biệt cho TP mới Thủ Đức.

Chủ tịch Tập đoàn Dabaco Nguyễn Như So

Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Dabaco Nguyễn Như So.

Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Dabaco Nguyễn Như So.

Ông Nguyễn Như So (SN 1957) được biết đến là Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Dabaco (DBC). Ông sinh ra tại huyện Tiên Du, Bắc Ninh và từng có quãng thời gian 15 năm phục vụ trong quân đội.

Sau khi xuất ngũ và lấy được tấm bằng cử nhân kinh tế, năm 1988, ông được điều về làm Phó Giám đốc Công ty Vật tư Hà Bắc.

Năm 1996, ông được tỉnh điều chuyển về làm Giám đốc Công ty Nông sản Bắc Ninh (tiền thân là Công ty Dâu tằm tơ Hà Bắc) - một doanh nghiệp làm ăn bết bát và đang nằm trong diện giải thể. 

Dưới sự lãnh đạo của ông So, Công ty Nông sản Bắc Ninh dần phát triển. Năm 2008, Công Nông sản Bắc Ninh được đổi tên thành Công ty CP Dabaco Việt Nam, cổ phiếu của công ty cũng chính thức được niêm yết tại Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội.

Năm 2011, doanh nghiệp đổi tên thành Công ty CP Tập đoàn Dabaco Việt Nam.

Tại báo cáo quản trị năm 2020 của Dabaco, ông Nguyễn Như So và những người có liên quan theo danh sách tại báo cáo quản trị năm 2020 năm giữ tổng cộng hơn 23,3 triệu cổ phiếu DBC, tỷ lệ sở hữu của cả nhóm là 24,67%.

Nói về "bí quyết" cân bằng giữa công việc kinh doanh và xã hội, ông So gói gọn trong 4 chữ: "Tự tin, chân thành". Theo vị doanh nhân, tự tin vào bản thân mình thì mới thuyết phục được người khác cùng tin và cùng hành động; sống chân thành, đối xử với mọi người bằng cái tâm trong sáng thì việc khó mấy cũng vượt qua.

Tổng Giám đốc PVN Lê Mạnh Hùng

Ông Lê Mạnh Hùng- Tổng Giám đốc PVN.

Ông Lê Mạnh Hùng- Tổng Giám đốc PVN.

Ông Lê Mạnh Hùng, sinh năm 1973, tại Hưng Yên, hiện đang là thành viên Hội đồng thành viên, Tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN).

Trong sự nghiệp của mình, ông Lê Mạnh Hùng đã có bề dày kinh nghiệm trong ngành dầu khí.

Năm 2013, ông Hùng được bổ nhiệm làm Phó Tổng Giám đốc PVN, phụ trách các lĩnh vực: công nghiệp lọc hóa dầu; công nghiệp khí, các dự án điện khí; công tác an toàn - sức khỏe - môi trường; công tác quản lý chất lượng và công nghệ thông tin của tập đoàn.

Từ năm 2019 đến nay, ông giữ chức thành viên Hội đồng thành viên, Tổng Giám đốc PVN.

Phát biểu mới đây trong Hội nghị thực hiện quy trình giới thiệu nhân sự ứng cử đại biểu Quốc hội khoá XV của PVN, ông Hùng cho biết, nếu được bầu là ĐBQH khoá XV, với những kiến thức kinh nghiệm của mình, ông sẽ cố gắng nghiên cứu, tham gia ý kiến trong hoạt động Quốc hội để có được cơ chế chính sách, pháp luật thúc đẩy hoạt động doanh nghiệp nói chung, trong đó có PVN.

Thông qua diễn đàn Quốc hội, Tổng Giám đốc PVN cho hay sẽ "trao đổi những khó khăn, tâm tư nguyện vọng của ngành dầu khí, đồng thời thông tin, chia sẻ với cử tri cả nước về PVN để nhân dân có được những thông tin đúng, hiểu đúng về vai trò, vị trí của PVN trong phát triển kinh tế và an ninh quốc phòng".

Tổng Giám đốc Công ty CP Nhựa Đại Đồng Tiến Trịnh Chí Cường

Ứng viên Trịnh Chí Cường hiện đang là Tổng Giám đốc Nhựa Đại Đồng Tiến.

Ứng viên Trịnh Chí Cường hiện đang là Tổng Giám đốc Nhựa Đại Đồng Tiến.

Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM đã giới thiệu 3 doanh nhân ứng cử đại biểu HĐND nhiệm kỳ 2021-2026 và 2 doanh nhân ứng cử đại biểu Quốc hội (ĐBQH) khóa XV.

Trong số 5 doanh nhân được giới thiệu lần này, ông Trịnh Chí Cường- Tổng Giám đốc Công ty Nhựa Đại Đồng Tiến (Nhựa Đại Đồng Tiến), được giới thiệu ứng cử ĐBQH khóa XV.

Được biết, CEO Trịnh Chí Cường sinh năm 1981, là con trai cả của Chủ tịch đồng thời cũng là nhà sáng lập doanh nghiệp nhựa Đại Đồng Tiến nức tiếng- Trịnh Đồng.

Năm 2007, sau khi trở về từ Singapore sau 7 năm du học và làm việc, ông Trịnh Chí Cường bắt đầu làm quen với công việc quản lý trong Công ty Nhựa Đại Đồng Tiến của cha mình.

Thời điểm đó, việc ông Cường ngồi vào "ghế nóng" Đại Đồng Tiến khi chỉ mới 26 tuổi là điều hoàn toàn bất ngờ.

Tuy nhiên, CEO Trịnh Chí Cường đã nhanh chóng khẳng định năng lực của mình khi lèo lái con thuyền Đại Đồng Tiến vượt qua khó khăn chung của nền kinh tế.

Dưới thời của CEO Trịnh Chí Cường lãnh đạo, Đại Đồng Tiến đã liên tục thực hiện nhiều dự án táo bạo và có những bước chuyển mình hợp thời.

Năm 2018 là cột mốc thời gian quan trọng đối với Nhựa Đại Đồng Tiến khi hợp tác thành công với Walt Disney để cho ra mắt BST Disney, trở thành đối tác hàng đầu sử dụng hình ảnh bản quyền của The Walt Disney Company trong ngành nhựa tại Việt Nam.

Quy mô tổng tài sản tính đến cuối năm 2019 đã hơn mức 1.000 tỷ đồng.

Trong chương trình hành động của mình, ứng cử viên Trịnh Chí Cường khẳng định sẽ tập trung nghiên cứu, học hỏi, cập nhật kiến thức về luật liên quan đến lĩnh vực thương mại, xuất nhập khẩu, nhằm kết nối và thúc đẩy việc tăng trưởng kinh tế, nâng cao mức sống cho người dân Việt Nam.

Ông Cường cũng bày tỏ, nếu được cử tri tín nhiệm, bầu trúng cử ĐBQH khóa XV, sẽ đẩy mạnh phát triển lĩnh vực thương mại điện tử - xã hội số, áp dụng công nghệ hiện đại vào đời sống, quan tâm, chủ động tiếp cận với những dự án kết nối địa phương, để tạo sức mạnh tổng lực cho khu vực, đặc biệt là khu vực phía nam, kết nối cả nước.

Doanh nhân nữ trẻ tuổi nhất ứng cử Đại biểu Quốc hội khóa XV là ai?

Trong số 866 ứng cử viên Đại biểu Quốc hội khoá XV, có 30 người là lãnh đạo các công ty, hiệp hội doanh nghiệp, trong...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Bạch Hiền ([Tên nguồn])
Kinh tế toàn cảnh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN