Loạt dự án bãi xe Hà Nội quây tôn bất động, đất dự án thành bãi xe ‘lậu’
Nhiều dự án bãi đỗ xe ngầm trên địa bàn TP Hà Nội vẫn nằm "trên giấy" sau nhiều năm được chấp thuận gây nhếch nhác, lãng phí. Trong khi đó, các khu đất vàng dự án "treo" này biến thành những bãi xe tạm, thu phí cao...
Đầu tiên có thể kể đến là dự án xây dựng bãi đỗ xe ngầm kết hợp dịch vụ thương mại trong Công viên Thủ Lệ tại phường Ngọc Khánh (quận Ba Đình, Hà Nội).
Dự án (khoanh đỏ-PV) được UBND TP Hà Nội chấp thuận chủ trương đầu tư từ tháng 5/2019, với tổng kinh phí lên tới trên 1.700 tỷ đồng. Thời gian hoạt động 50 năm, dự kiến hoàn thành vào quý IV/2020.
Dự án này được xây dựng trên diện tích hơn 16.100m2. Trong đó, diện tích xây dựng có chức năng dịch vụ phụ trợ kết nối không gian ngầm và mặt bằng cảnh quan trên mặt bằng khoảng 638m2; diện tích bãi đỗ xe chuyên dụng của vườn thú trên mặt bằng khoảng hơn 2.000m2. Tổng diện tích xây dựng phần ngầm khoảng hơn 72.000m2 với 5 tầng hầm và tầng kỹ thuật.
Thế nhưng sau hơn 5 năm được Hà Nội chấp thuận chủ trương đầu tư, đến nay dự án vẫn “nằm trên giấy”.
Theo ghi nhận của PV, dự án bãi đỗ xe ngầm kết hợp dịch vụ thương mại trong Công viên Thủ Lệ nằm trên đường Đào Tấn, có vị trí đắc địa, được xem là khu đất vàng của Thủ đô.
Hiện dự án đang quây tôn, trở thành bãi xe tạm, showroom ô tô…
Bãi trông giữ xe tạm vẫn án ngữ trên khu đất dự án "treo" thay vì dự án bãi xe ngầm phục vụ người dân.
Dự án bãi đỗ xe tự động (H1-3) tại khu vực cống hóa mương Nguyên Hồng (thuộc địa bàn hai phường Láng Hạ, quận Đống Đa và Thành Công, quận Ba Đình) được Hà Nội phê duyệt từ lâu nhưng cho đến nay vẫn "đắp chiếu".
Theo đó, ngày 8/5/2017 Sở Quy hoạch - kiến trúc Hà Nội đã cấp giấy phép quy hoạch số 2649/GPQH cho Chủ đầu tư là Cty CP Cơ sở hạ tầng (ICO) với dự án bãi đỗ xe tự động P (H1-3) với diện tích dự án lên đến 5.054m2, tại phần đất cống hóa mương Nguyên Hồng.
Theo thiết kế, bãi đỗ xe này có sức chứa khoảng 200 xe ô tô, ngoài ra còn có bãi gửi xe máy, khu bảo dưỡng, vườn hoa tạo cảnh quan.
Theo thông báo, chủ đầu tư tiến hành quây tôn để thực hiện xây dựng bãi đỗ xe tự động từ ngày 19/12/2017.
Tuy nhiên, theo ghi nhận đến nay dự án vẫn chưa có động thái triển khai.
Bên trong khu đất dự án trở thành bãi xe lậu, thu phí hàng tháng cả triệu đồng một xe ô tô.
Sau 7 năm, dự án bãi đỗ xe tự động P (H1-3) vẫn "đắp chiếu", trong khi nhu cầu về chỗ để xe của người dân khu vực ngày càng bức thiết.
Được giao lại từ dự án xây dựng khách sạn trước đây để làm bãi xe ngầm, nhưng hiện nay sau 15 năm thực hiện, bãi xe ngầm trong công viên Thống Nhất tại số 295 Lê Duẩn (quận Hai Bà Trưng) vẫn là bãi đất bỏ không, quây tôn.
Theo đó, năm 2016, Thường trực Thành ủy Hà Nội đồng ý chủ trương của Công ty TNHH MTV Khai thác điểm đỗ xe Hà Nội về đầu tư dự án bãi đỗ xe ngầm tại khu đất 295 Lê Duẩn (quận Hai Bà Trưng) có diện hơn 10.000 m2 nằm cạnh khuôn viên của công viên Thống Nhất.
Theo thiết kế, dự án bãi đỗ xe dự kiến có 3 tầng đỗ xe ngầm, mỗi tầng hơn 5.600 m2, đủ sức chứa 390 chỗ cho ôtô. Tầng mặt đất có sân đường giao thông, cây xanh, nhà điều hành, các công trình phụ trợ khác với tổng mức đầu tư khoảng 100 tỷ đồng. Được biết, bãi đỗ xe chính là phần ngầm của dự án khách sạn SAS Hanoi Royal Hotel trước đây mà Hà Nội đã thu hồi của nhà đầu tư vào năm 2013 sau khi dư luận phản ứng.
Trước đó, tại khu đất dự án, một số cá nhân đã dựng lán tạm làm bãi xe lậu và thu giá cao, sau khi có phản ánh bãi xe lậu đã được giải tỏa. (Ảnh tư liệu).
Theo quy hoạch, từ 2016 đến 2020, Hà Nội sẽ xây dựng 75 dự án bãi đỗ xe mới, với tổng kinh phí đầu tư trên 14.200 tỷ đồng. Với bãi xe ngầm, ngoài 7 dự án đã được phê duyệt, chấp thuận đầu tư, thành phố sẽ xây dựng thêm 4 dự án mới, nâng tổng số bãi xe ngầm giai đoạn 2016 - 2020 lên 11. Tuy nhiên đến nay, các dự án bãi đỗ xe ngầm đều đang chết yểu do nhiều nguyên nhân, như vướng mắc thủ tục và cơ chế đầu tư, thu hồi vốn...
Được biết, UBND TP Hà Nội vừa ban hành kế hoạch về việc tổ chức hội nghị Đối thoại tháo gỡ khó khăn đối với các doanh nghiệp đầu tư, trong đó có hoạt động bến bãi đỗ xe trên địa bàn thành phố năm 2024. Hội nghị diễn ra tháng 11 năm 2024 tại trụ sở UBND TP Hà Nội, đây là dịp để trao đổi, cung cấp thông tin tình hình thực hiện và các khó khăn vướng mắc trong quá trình hoạt động đầu tư đối với các dự án. Qua đó, thể hiện vai trò của chính quyền thành phố đối với việc hỗ trợ, tạo điều kiện, tháo gỡ những khó khăn vướng mắc, đồng hành cùng doanh nghiệp nhằm đẩy nhanh tiến độ dự án.
Nguồn: [Link nguồn]
Dự án Nhà máy bột giấy và giấy Tân Mai Kon Tum do Công ty CP Tân Mai Tây Nguyên làm chủ đầu tư. Khởi công từ năm 2009 với số vốn khoảng 1.300 tỷ đồng trên diện tích khoảng 150 ha, tuy nhiên, đến nay dự án vẫn "đắp chiếu".