Lộ việc bán hàng chui ở Việt Nam, Temu xin cấp phép

Sự kiện: Temu
00:00 / 0:00
Chuẩn
Tốc độ đọc

Liên quan đến hoạt động của Temu, Taobao cùng các nền tảng thương mại điện tử từ Trung Quốc đang bán hàng xuyên biên giới gây nguy cơ cho sản xuất hàng hoá trong nước, Cục Thương mại Điện tử và Kinh tế số - Bộ Công Thương cho biết, ngày 24/10 Temu đã có văn bản xin cấp phép hoạt động tại Việt Nam.

Cục Thương mại Điện tử và Kinh tế số - Bộ Công Thương cho biết, Việt Nam là một trong những quốc gia có tốc độ phát triển thương mại điện tử trung bình 25%/năm, thuộc top đầu so với các quốc gia khác ở Đông Nam Á.

Thị trường bán lẻ thương mại điện tử ước đạt 20,5 tỷ USD năm 2023. Số lượng người tiêu dùng mua sắm trực tuyến hiện đang vượt ngưỡng 61 triệu người và giá trị mua sắm trực tuyến của một người vào khoảng 336 USD. Cùng với sự phát triển nhanh và năng động của thương mại điện tử, Việt Nam trở thành điểm đến mới của các nền tảng thương mại điện tử xuyên biên giới, trong đó có Temu.

Theo Cục Thương mại Điện tử và Kinh tế số, Temu là nền tảng thương mại điện tử xuyên biên giới có ngôn ngữ thể hiện tiếng Việt và thuộc phạm vi điều chỉnh của Nghị định 52/2013.

“Ngày 24/10, Temu đã có văn bản chính thức gửi Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số về việc thực hiện các yêu cầu tuân thủ pháp luật thương mại điện tử Việt Nam khi gia nhập thị trường”, Cục Thương mại Điện tử và Kinh tế số cho hay.

Temu ồ ạt bán hàng vào Việt Nam khi chưa được cấp phép hoạt động.

Temu ồ ạt bán hàng vào Việt Nam khi chưa được cấp phép hoạt động.

Để tăng cường công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực thương mại điện tử xuyên biên giới nói chung, thời gian qua, Bộ Công Thương đã có văn bản báo cáo Thủ tướng. Theo đó, Bộ này đề xuất ban hành công điện về việc tiếp tục đẩy mạnh công tác quản lý nhà nước về thương mại điện tử, trong đó có nội dung nghiên cứu, đề xuất ban hành Luật Chuyên ngành về thương mại điện tử xuyên biên giới và sửa đổi Quyết định số 78/2010 của Thủ tướng Chính phủ về mức giá trị hàng hóa nhập khẩu gửi qua dịch vụ chuyển phát nhanh được miễn thuế.

“Bộ Công Thương đã chỉ đạo các đơn vị chức năng như Tổng cục Quản lý thị trường phối hợp với Tổng cục Hải quan tăng cường giám sát, kiểm soát các hàng hoá, sản phẩm từ các nền tảng xuyên biên giới. Ủy ban Cạnh tranh quốc gia tăng cường công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trên không gian mạng, có những biện pháp tuyên truyền kịp thời đến người tiêu dùng, nâng cao nhận thức về những rủi ro khi mua hàng trên các nền tảng thương mại điện tử xuyên biên giới. Trong trường hợp phát sinh những vi phạm, phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông để có biện pháp kỹ thuật ngăn chặn phù hợp”, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số cho hay.

Được biết, Bộ Công Thương cũng đang xây dựng báo cáo trình Thủ tướng chỉ đạo Bộ Tài chính nghiên cứu phương án giám sát, quản lý hàng hóa nhập khẩu lưu thông qua các sàn thương mại điện tử chưa tuân thủ các quy định của pháp luật Việt Nam trong lĩnh vực.

Trao đổi với PV Tiền Phong chiều 24/10, một chuyên gia về quản lý thị trường cho hay, việc quản lý bán hàng hoá xuyên biên giới của các sàn thương mại từ Trung Quốc như Temu, Shein, TaoBao, 1688… đang là vấn đề các cơ quan quản lý cần xem xét. Theo vị này, để quản lý chặt chẽ, đòi hỏi sự kết hợp chặt chẽ của các đơn vị. Trước tiên phải có sự kết hợp của hải quan và biên phòng khi hàng hoá chưa được chuyển vào Việt Nam. Khi hàng vào thị trường trong nước sẽ là nhiệm vụ của quản lý thị trường.

Theo vị chuyên gia, để bảo vệ thị trường, chống được sức ép từ hàng hóa rẻ ngoài biên giới cần có Luật Phòng vệ thương mại. Cùng đó, việc cấp phép quản lý hoạt động của các nền tảng thương mại điện tử như Temu, tao bao, 1688 cần xem xét chặt chẽ. Còn nếu không sẽ rất khó khăn để bảo vệ hàng hoá trong nước.

Việc Temu ồ ạt bán hàng rồi sau đó mới xin giấy phép hoạt động khi bị báo chí chỉ đích danh việc hoạt động không phép cho thấy mục tiêu rất rõ trong việc cạnh tranh với hàng hoá trong nước.

Mặc dù chưa được đăng kí hoạt động tại Việt Nam, sàn thương mại điện tử Temu của Trung Quốc đã làm mưa làm gió trên các nền tảng mạng xã hội. Người...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Phạm Tuyên ([Tên nguồn])
Temu Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN