Lỗ liên tục, VNA chật vật xử lý tiền lương
Từ chỗ đang lãi hàng nghìn tỷ đồng, dịch COVID-19 ập tới đã đột ngột đẩy Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (VNA) rơi vào tình cảnh gần như đóng cửa trạng thái bay và lỗ ròng liên tiếp tới mức âm vốn chủ sở hữu.
Trong bối cảnh như vậy, VNA có giải pháp gì về lương để giữ chân lao động, đặc biệt những lao động hiếm như phi công, giáo viên thực hành bay, thợ kỹ thuật máy bay?
Năm 2022, lương bình quân 31 triệu đồng/tháng
Trong báo cáo mới nhất gửi Bộ LĐ-TB&XH về tình hình lao động, tiền lương, Tổng Giám đốc VNA Lê Hồng Hà cho biết, giai đoạn 2018-2019, hãng sử dụng hơn 7.700 lao động. Trong đó có hơn 5.700 lao động ký hợp đồng trực tiếp và hơn 2.000 lao động thuê ngoài. Giai đoạn 2020 - 2022, do ảnh hưởng dịch COVID-19, VNA phải giảm lao động, bố trí 35 - 50% số lao động nghỉ việc không lương, chỉ duy trì hơn 5.400 người; do lỗ liên tục nên quỹ lương của VNA giai đoạn này giảm 38-51% so với thực hiện khi chưa có dịch.
Vietnam Airlines gặp khó trong giữ chân phi công Việt do mức lương quá thấp Ảnh minh họa: Phạm Thanh
Cụ thể, năm 2019 tiền lương bình quân người lao động của VNA hơn 45 triệu đồng/người/tháng; năm 2021 giảm còn hơn 29 triệu đồng/người/tháng; năm 2022 tình hình kinh doanh cải thiện hơn (dù còn lỗ) nên lương bình quân tăng lên 31 triệu đồng/người/tháng. Cụ thể, với phi công, bình quân năm 2019 hơn 138 triệu đồng, năm 2021 còn 89 triệu đồng, năm 2022 lên 91 triệu đồng/người/tháng. Tương ứng trong cùng thời gian, tiếp viên từ 24 triệu đồng xuống 15 triệu đồng và 18 triệu đồng/người/tháng; lao động mặt đất từ 29 triệu đồng xuống còn 19 triệu đồng và 17 triệu đồng/người/tháng.
Về hoạt động kinh doanh, lãnh đạo VNA cho hay, giai đoạn 2018-2019, hãng có lợi nhuận sau thuế hợp nhất hơn 2.500 tỷ đồng/năm; giai đoạn 2020-2022, do ảnh hưởng dịch COVID-19, VNA lỗ hợp nhất bình quân hơn 11.500 tỷ đồng/năm.
“Chảy máu” phi công người Việt
Lãnh đạo VNA nhìn nhận, bất cập lớn nhất với hãng là lương phi công Việt chỉ bằng nửa chi phí thuê phi công nước ngoài, dẫn tới “chảy máu” phi công Việt. Từ năm 2020 tới nay, hãng trả cho 1 phi công nước ngoài đang cao hơn 2,5 tỷ đồng/năm so với trả cho 1 phi công Việt. Cụ thể, năm 2018 - 2019, phi công Việt nhận lương từ 124 đến 135 triệu đồng/người/tháng, trong khi phi công nước ngoài nhận 249 - 281 triệu đồng/người/tháng; năm 2020, con số này lần lượt là 85 triệu đồng/tháng so với 145 triệu đồng/tháng dù cùng làm việc tại VNA.
Lý giải về mức lương chênh lệch trên, lãnh đạo VNA cho biết, phi công Việt ký hợp đồng trực tiếp, hãng phải tính vào tổng quỹ lương nên bị khống chế bởi quy định hiện hành. Trong khi đối với phi công người nước ngoài, hãng phải thuê theo giá thị trường, nên phải qua trung gian và không tính vào quỹ lương.
Tổng Giám đốc VNA Lê Hồng Hà cho hay, giai đoạn trước năm 2020, số phi công Việt của hãng chỉ chiếm 72% tổng số phi công sử dụng, từ năm 2020 tới nay con số này tăng lên 84% (với 780 phi công Việt và 144 phi công nước ngoài). Từ năm 2018 tới nay, cũng có 154 phi công Việt rời VNA đi hãng khác, trong đó riêng 3 tháng đầu năm nay con số rời VNA là 8 phi công.
Ông Hà nhìn nhận, lương phi công Việt tại VNA chưa tiệm cận thị trường, nên khó giữ chân họ ở lại trước sức hút thu nhập cao từ các hãng khác. Thời điểm trước dịch COVID-19, lương phi công Việt tại VNA thấp hơn hãng khác 13-30%, từ khi dịch COVID-19 xảy ra tới nay mức lương cho phi công giữa các hãng lại tăng lên. Với tốc độ phát triển đội máy bay mới của các hãng, mức lương không đổi, trong 3 năm tới, VNA có thể “mất” thêm 120-240 phi công Việt/năm (đa số là lái chính).
Để giữ chân lực lượng phi công Việt, VNA kiến nghị Chính phủ, các bộ ngành cho phép hãng được trích quỹ lương bổ sung để tăng thu nhập cho phi công, áp dụng từ năm 2023. Vì theo quy định hiện hành, mức lương bình quân của phi công người Việt chỉ bằng 43-48% lương bình quân phi công nước ngoài. Để lương phi công Việt bằng 80% lương phi công nước ngoài, năm 2023, VNA phải bổ sung thêm 510 tỷ đồng, nếu tăng lên mức bằng 90% hãng sẽ bổ sung thêm 713 tỷ đồng. Đổi lại, VNA sẽ giữ chân được phi công Việt nên tiết kiệm được khoản tiền chênh do phải sử dụng phi công nước ngoài, tổng chi phí giảm được từ 300-600 tỷ đồng/năm. “Nếu được bổ sung quỹ lương cho phi công, hãng sẽ đồng thời giữ chân được phi công Việt, tăng ổn định và chủ động trong khai thác; vừa giảm chi phí phải trả cho phi công nước ngoài”, ông Hà phân tích.
Bộ LĐ& TBXH nói gì?
Trước đề xuất trên của VNA, lãnh đạo Bộ LĐ-TB&XH cho hay, lương phi công Việt tại VNA đang bất cập so với phi công nước ngoài dù cùng mức so sánh, và thấp hơn thị trường. Thực tế này dẫn tới các hãng cạnh tranh hút phi công Việt từ VNA bằng tiền lương, thực tế có nhiều phi công Việt đã rời VNA. “Phi công Việt rời VNA đang ảnh hưởng lớn đến các hoạt động bay của hãng. Để bù đắp số lượng phi công Việt thiếu hụt, VNA có thể phải thuê phi công nước ngoài với chi phí cao hơn”, lãnh đạo Bộ LĐ-TB&XH nhận định.
Bộ LĐ-TB&XH cho biết, tháng 3 vừa qua, lãnh đạo Chính phủ đã chủ trì họp với các bộ ngành liên quan về cơ chế tiền lương cho phi công VNA. “Các bộ ngành đều cho rằng, cần thiết có cơ chế cho phép VNA tính bù chênh lệch lương giữa phi công Việt và phi công nước ngoài theo điều kiện sản xuất kinh doanh, để ổn định nhân lực phi công phục vụ hoạt động của hãng”, lãnh đạo Bộ LĐ-TB&XH cho biết thêm. Trên cơ sở Chính phủ giao, Bộ LĐ-TB&XH đang chủ trì hoàn thiện quy định cho phép VNA được trích quỹ bổ sung, để trả lương cho phi công Việt tiệm cận lương phi công nước ngoài.
Ủy Ban quản lý vốn nhà nước vừa phê duyệt Kế hoạch lao động, tiền lương năm 2023 của Công ty mẹ - VNA. Theo đó, năm nay, VNA xây dựng kế hoạch kinh doanh lỗ trước thuế khoảng 4.500 tỷ đồng; sử dụng hơn 4.800 lao động. Mức lương áp dụng với chủ tịch HĐQT là 99 triệu đồng/tháng, thành viên HĐQT và trưởng Ban kiểm soát hơn 79 triệu đồng/người/tháng; Kiểm soát viên nhận hơn 49,5 triệu đồng/tháng. Mức lương trên bằng mức thực hiện năm 2022.
Sau chức vô địch SEA Games thứ 8 trong lịch sử của đội tuyển bóng đá nữ Việt Nam, nữ tỷ phú này đã quyết định thưởng lớn cho thầy trò HLV Mai Đức Chung.
Nguồn: [Link nguồn]