Liên tiếp sập bẫy lừa đảo trúng thưởng
Các đối tượng sử dụng chiêu lừa không mới, chủ yếu đánh vào tâm lý ham trúng thưởng và sự nhẹ dạ, cả tin của nạn nhân
Ngày 8-4, ông Lã Văn Bính (huyện Sóc Sơn, TP Hà Nội) gửi đơn đến Báo Người Lao Động phản ánh về việc bị Trung tâm mua sắm trực tuyến SGSHOP lừa trúng thưởng.
Mất mấy chục triệu đồng mới... tỉnh
Tháng 10-2023, ông Lã Văn Bính nhận được cuộc gọi của một người phụ nữ tự xưng tên Hồng Phúc thông báo thuê bao điện thoại của ông may mắn trúng thưởng qua kênh mua sắm của một đài truyền hình lớn. Để tạo niềm tin, bà Phúc giới thiệu bà đến từ Trung tâm mua sắm trực tuyến SGSHOP - đơn vị quản lý các kênh bán hàng của đài truyền hình.
Bà Phúc hướng dẫn ông Bính thực hiện 5 đơn mua hàng để hợp thức hóa việc nhận quà. Sau khi chuyển số tiền 14 triệu đồng mua 5 đơn hàng này, hồ sơ của ông Bính được chuyển cho người khác "tiếp quản" là bà Hải Vân, vì bà Phúc "bận mở rộng thị trường mới".
Bà Vân hứa tiếp tục giúp ông Bính hoàn thành thủ tục để nhận quà trúng thưởng, với điều kiện ông phải thực hiện 17 đơn hàng khác với số tiền hơn 45 triệu đồng. Sau đó, ông sẽ nhận được quà tặng là chiếc tủ lạnh 536 lít trị giá 32 triệu đồng, 1 phiếu mua hàng giảm giá 10 triệu đồng và tiền quảng cáo 25 triệu đồng. "Họ còn hứa sẽ nhờ đơn vị cung ứng điện máy mua lại những sản phẩm của 22 đơn hàng mà tôi đã mua trước đó" - ông Bính trình bày.
Trong thời gian này, ông Bính nhận được nhiều cuộc gọi hối thúc nhanh thực hiện đơn hàng của một số người tự xưng là ở "ban trao quà", "văn phòng kế toán", "trung tâm quà thưởng quốc gia", "quỹ đầu tư". Những người này hẹn ngày trao quà nhưng hết lần này đến lần khác không thực hiện cam kết.
Chưa dừng ở đó, ông Bính nhận được cuộc gọi thông báo hồ sơ nhận quà của ông đã hoàn thiện song vẫn còn thiếu gói 7 triệu đồng phí tổ chức sự kiện. Chuyển khoản 7 triệu đồng xong, ông Bính lại nhận được thông báo còn thiếu gói 8 triệu đồng phí lưu trữ kho, song được ưu đãi còn 4 triệu đồng. Tưởng đã thực hiện đủ thủ tục nhận quà, không ngờ ông Bính tiếp tục nhận được điện thoại cho biết ông cần chi thêm 3 triệu đồng để làm thủ tục trao quà. Đến khi nhận thấy mình bị lừa, ông Bính đã mất trắng mấy chục triệu đồng.
Tiếp nhận đơn phản ánh của ông Bính, chúng tôi tra cứu thông tin về Trung tâm mua sắm trực tuyến SGSHOP trên mạng thì cho ra kết quả website SGShop.com.vn, hoạt động dưới hình thức sàn thương mại điện tử với nhiều mặt hàng như đồ gia dụng, thực phẩm, sản phẩm chăm sóc sức khỏe... Website đăng công khai địa chỉ doanh nghiệp tại tòa nhà Pearl Plaza (số 561A Điện Biên Phủ, quận Bình Thạnh, TP HCM) cùng số điện thoại 028...68. Tuy nhiên, chúng tôi gọi đến số điện thoại này thì không liên lạc được. Tiếp tục tìm đến địa chỉ doanh nghiệp, chúng tôi được bộ phận lễ tân của tòa nhà cho biết Trung tâm mua sắm trực tuyến SGSHOP không có văn phòng tại đây. "Đã có rất nhiều người đến đây hỏi về trung tâm này để khiếu nại" - lễ tân tòa nhà cho hay.
Đơn thư của bạn đọc gửi đến Báo Người Lao Động phản ánh việc bị Trung tâm mua sắm trực tuyến SGSHOP lừa đảo trúng thưởngẢnh: LONG GIANG
Ổ nhóm lừa đảo quy mô lớn
Liên quan lừa đảo trúng thưởng, ngày 19-4, Công an quận 11, TP HCM đã khởi tố Lê Đức Kông (SN 1989), Nguyễn Thị Hồng Nhung (vợ Kông, SN 1989), Bá Võ Tuấn (SN 1981) cùng 56 đối tượng khác về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản", với số tiền thu lợi bất chính hơn 2 tỉ đồng/tháng.
Bước đầu, cơ quan công an xác định vợ chồng Kông thuê nhân viên, bố trí làm việc tại nhiều căn hộ khác nhau ở chung cư Richstar 2 (phường Hiệp Tân, quận Tân Phú) và chung cư Carilon 5 (phường Hòa Thạnh, quận Tân Phú). Mỗi địa điểm làm việc có một nhóm trưởng, Kông giao việc thông qua các nhóm trưởng.
Vợ chồng Kông chuẩn bị máy vi tính, điện thoại có kết nối các đầu số ảo, danh sách số điện thoại, kịch bản... để các nhân viên sử dụng công nghệ gọi điện bằng tổng đài "ảo". Đây là hình thức gọi điện thông qua internet, cuộc gọi được mã hóa, số điện thoại hiển thị ở phía người nghe là số "ảo", không có thật.
Các nhân viên của Kông có nhiệm vụ gọi điện thoại thông báo nạn nhân là một trong những khách hàng may mắn trúng thưởng một phần quà có giá trị như xe máy, điện thoại... Nạn nhân phải mua sản phẩm do các đối tượng bán để nhận quà hoặc phải nộp một số tiền gọi là "chi phí nhận quà". Khi nạn nhân đồng ý mua sản phẩm hoặc nộp tiền, các đối tượng đóng gói hàng hóa, giao cho nạn nhân bằng dịch vụ giao hàng có thu hộ tiền (COD). Nạn nhân sau khi nhận hàng, trả tiền sẽ tiếp tục bị "dắt mũi" đóng thêm các loại phí khác cho đến khi không còn khả năng thì bị cắt liên lạc.
Trước đây, Báo Người Lao Động đã nhận khá nhiều đơn thư phản ánh về việc bị lừa mua hàng trúng thưởng với chiêu thức tương tự các trường hợp trên. Đơn cử, một nạn nhân ở tỉnh Bình Dương bị lừa mua hàng trúng thưởng với giá cao gấp 3 - 5 lần so với thị trường. Tổng số tiền nạn nhân này mua lên tới hơn 1 tỉ đồng. "Đối tượng đưa ra "mồi nhử" bằng những món quà tặng lần sau có giá trị gấp nhiều lần so với lần trước, ví dụ tivi, xe máy SH, gói du lịch Hàn Quốc, châu Âu, ô tô hiệu Toyota Camry..." - nạn nhân này kể.
Tập hợp bằng chứng, trình báo sớm nhất Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP HCM, nhận xét hình thức lừa đảo này thực chất không mới, đã được các cơ quan công an, báo chí... cảnh báo rất nhiều. Tuy nhiên, nhiều người vẫn bị lừa bởi các đối tượng thường xuyên chỉnh sửa kịch bản tinh vi hơn, sử dụng công nghệ cao, đánh vào sự nhẹ dạ, cả tin và lòng tham con người. Hành vi trên có dấu hiệu vi phạm của "Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản" được quy định tại Bộ Luật Hình sự. Nếu không may trở thành nạn nhân của các vụ lừa đảo, người dân cần lập tức tập hợp tài liệu, bằng chứng - bao gồm ảnh chụp tất cả tin nhắn giao dịch, ghi âm đoạn hội thoại, thông tin biết được về các đối tượng, số điện thoại, sao kê thông tin chuyển khoản ngân hàng - để trình báo sớm nhất cho cơ quan công an xã, phường nơi cư trú. Ngoài ra, nạn nhân có thể trình báo lừa đảo thông qua đường dây nóng Phòng An ninh mạng và Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao 069.219.4053 hoặc website: https://canhbao.ncsc.gov.vn./#!/ của Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia. |
Nhiều người đến Báo Người Lao Động cầu cứu vì đã rơi vào bẫy của những kinh doanh bất động sản bằng hình thức "lùa gà" đi tỉnh mua đất nền
Nguồn: [Link nguồn]