Lăng kính chứng khoán 9/9: Có nên “xuống tiền” ở thời điểm này?
Nhà đầu tư chứng khoán nên nắm giữ những cổ phiếu khỏe đã mua từ trước (nếu có), quyết định mua mới nên chờ đợi nhịp xác nhận rõ hơn của thị trường.
Thị trường chứng khoán bắt đầu tháng 9 với những tín hiệu không mấy tích cực khi bất ngờ lao dốc sau kỳ nghỉ lễ, áp lực điều chỉnh lan rộng. Tuy nhiên, lực đỡ của nhóm cổ phiếu trụ và lực cầu giá thấp vẫn xuất hiện giúp chỉ số "lội ngược dòng" tăng điểm trở lại trong phiên cuối tuần, cởi bỏ phần nào tâm lý bi quan của nhà đầu tư.
Tuần qua, IMP nổi bật với mức tăng 10,48% sau thông tin chốt danh sách cổ đông để phát hành cổ phiếu thưởng với tỉ lệ 100%. Trong khi đó, APH lại trải qua tuần giao dịch đầy biến động khi liên tục nối dài chuỗi giảm điểm, kết tuần mã này mất 8,98% xuống 6.690 đồng/cổ phiếu.
Kết tuần, VN-Index giảm 9,91 điểm so với tuần trước, tương ứng 0,77% xuống 1.273,96 điểm. HNX giảm 1,22% xuống 234,65 điểm. Thanh khoản bình quân cũng giảm 11% xuống 15.928 tỷ đồng/phiên.
Dù chỉ giao dịch 3 phiên nhưng khối ngoại đã bán ròng 1.438 tỷ đồng. Trong đó, khối ngoại bán ròng hơn 1.464 tỷ đồng trên sàn HoSE và mua ròng gần 27 tỷ đồng trên sàn HNX. VPB và HPG là 2 mã bị bán mạnh nhất tuần qua.
Diễn biến chỉ số VN-Index tuần qua (Nguồn: TradingView).
Đánh giá về diễn biến tuần qua, ông Nguyễn Huy Phương – Chuyên gia từ CTCK Rồng Việt (VDSC) cho rằng rằng tín hiệu hồi phục trở lại trên ngưỡng 1.270 điểm có thể giúp thị trường có nhịp hồi phục trong thời gian gần tới.
Dự kiến thị trường chứng khoán sẽ thêm lần nữa kiểm tra lại nguồn cung tại vùng tranh chấp 1.280 – 1.290 điểm. Do vậy, nhà đầu tư có thể kỳ vọng khả năng hồi phục ngắn hạn của thị trường, đồng thời nên ưu tiên các cổ phiếu có diễn biến ổn định và thu hút dòng tiền trong thời gian gần đây.
Tuy nhiên, tạm thời vẫn cần cân nhắc nhịp hồi phục để chốt lời ngắn hạn hoặc cơ cấu danh mục theo hướng giảm thiểu rủi ro.
Còn phòng Chiến lược thị trường – CTK Asean (Aseansc) nhận định, trong tuần qua, thị trường chứng khoán toàn cầu tiếp tục gặp khó khăn khi các thông tin về chỉ số PMI chỉ đạt 47,9 điểm và chỉ số việc làm kém khả quan đã gâp nên sự lo ngại của các nhà đầu tư về khả năng suy thoái của nền kinh tế Mỹ.
Bên cạnh đó, các số liệu tiêu cực về việc làm của thị trường Mỹ và sự suy yếu của nhóm ngành công nghệ (Nasdaq100) cũng tác động tiêu cực đến thị trường chứng khoán toàn cầu trong tuần.
Tuy nhiên, các số liệu vĩ mô trong nước vẫn đang cho thấy nền kinh tế Việt Nam khá vững vàng khi PMI tháng 8 tiếp tục đạt trên 50 điểm và lạm phát đã giảm so với tháng trước qua đó trở thành những thông tin hỗ trợ tốt cho thị trường trong nước thời gian tới, đi cùng với kỳ vọng về việc Fed hạ lãi suất và tỉ giá dần hạ nhiệt.
Hai chỉ báo Stochastic và MACD vẫn duy trì xu hướng đi ngang, cho thấy thị trường vẫn đang trong giai đoạn tích lũy trong biên độ và chưa xác nhận xu hướng tăng rõ ràng.
Song, tín hiệu về sự cải thiện vị thế là có, khi VN-Index kết thúc tuần trên mốc 1.273 điểm, cho thấy sự ổn định về mặt tâm lý về cuối tuần. Điểm trừ của giai đoạn hiện tại vẫn là thanh khoản khi đang không cho thấy sự quyết liệt của dòng tiền để tham gia trở lại thị trường tạo tiền đề cho chỉ số vượt đỉnh.
Chứng khoán Shinhan Việt Nam (SSV) kỳ vọng chỉ số có thể vượt được 1.300 điểm khi nhìn vào những điểm cải thiện của nền kinh tế, cũng như sự thuận lợi của việc duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng.
Tuy nhiên, trong ngắn hạn, cần quan sát các yếu tố về dòng tiền như: sự dẫn dắt của nhóm vốn hóa lớn cùng với đà lan tỏa mạnh mẽ của nhiều nhóm ngành và khối ngoại quay lại mua ròng.
Nhà đầu tư chứng khoán nên nắm giữ những cổ phiếu khỏe đã mua từ trước (nếu có), quyết định mua mới nên chờ đợi nhịp xác nhận rõ hơn của thị trường.
Nguồn: [Link nguồn]
Không một tỷ phú nào có tài sản ròng tăng mạnh hơn Mark Zuckerberg, CEO của Meta, kể từ đầu năm tới nay.