Làm sao 'rã' tiền 'ngủ đông'?

Sự kiện: Kinh tế toàn cảnh

Người dân tăng gửi tiền vào ngân hàng, nhà đầu tư chứng khoán cũng để tiền trên tài khoản chờ cơ hội khiến số dư tiền gửi và tiền chờ tăng kỷ lục. Giới phân tích cho rằng cần có giải pháp để dòng tiền chảy ra nền kinh tế, tạo tăng trưởng.

Tiền gửi vào ngân hàng, “nằm chờ” tại công ty chứng khoán liên tục gia tăng. Ảnh: Như Ý

Tiền gửi vào ngân hàng, “nằm chờ” tại công ty chứng khoán liên tục gia tăng. Ảnh: Như Ý

Kỷ lục tiền “nằm chờ”

Theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước, năm 2023, tiền gửi của người dân và doanh nghiệp vào ngân hàng đạt mức cao nhất từ trước tới nay, với hơn 13,5 triệu tỷ đồng, tăng 14% so với năm 2022.

Kỷ lục khác về tiền gửi, tiền chờ trên tài khoản chứng khoán cũng ghi nhận được tại các công ty chứng khoán. Mùa báo cáo tài chính quý IV/2023 hé lộ về số dư tiền gửi của nhà đầu tư vào thời điểm cuối năm 2023 đạt khoảng 83.000 tỷ đồng (tương đương 3,3 tỷ USD). Đây chủ yếu là tiền gửi của nhà đầu tư giao dịch chứng khoán theo phương thức công ty chứng khoán quản lý. Chỉ trong quý IV/2023, nhà đầu tư rót thêm 6.000 tỷ đồng “nằm chờ” trên tài khoản tại công ty chứng khoán. Tính chung cả năm, số dư tiền gửi tăng khoảng 20.000 tỷ đồng so với đầu năm.

Số tiền này tập trung nhiều ở các công ty dẫn đầu thị phần. Chứng khoán VPS đứng đầu về số dư tiền gửi khách hàng, với gần 16.600 tỷ đồng, bằng 70% so với tiền huy động của một ngân hàng cỡ nhỏ như Ngân hàng TMCP Sài Gòn Công Thương (Saigonbank).

Cách nào thúc đẩy dòng tiền?

Nhiều chuyên gia kinh tế nhận định, tiền gửi vào hệ thống ngân hàng và tiền mặt trong tài khoản chứng khoán cao kỷ lục do triển vọng đầu tư kinh doanh, thị trường chứng khoán không khả quan, chưa đủ hấp dẫn để người dân, nhà đầu tư ra quyết định giải ngân. Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Nguyễn Nhật Minh, chuyên gia làm việc tại Viện Nghiên cứu khoa học ngân hàng (Học viện Ngân hàng) chỉ ra những dấu hiệu đáng lưu ý, phản ánh qua thống kê về đầu tư tư nhân và tiêu dùng cuối cùng. Năm 2023, đầu tư tư nhân chỉ tăng 2,7% - là mức thấp chưa từng có trong 10 năm vừa qua và thấp hơn cả giai đoạn COVID-19 (3,1%). Theo ông Minh, tốc độ tăng đầu tư từ khu vực tư nhân hằng năm thông thường ở mức 12 - 14%, nên con số 3% là rất thấp. Bên cạnh đó, nhu cầu tiêu dùng cũng thấp chỉ tăng 3,52%, thấp hơn rất nhiều so với tăng trưởng kinh tế 5,05%.

Theo ông Nguyễn Nhật Minh, chuyên gia làm việc tại Viện Nghiên cứu khoa học ngân hàng (Học viện Ngân hàng), tốc độ tăng đầu tư từ khu vực tư nhân hằng năm thông thường ở mức 12 - 14%, nên con số 3% là rất thấp. Bên cạnh đó, nhu cầu tiêu dùng cũng thấp, chỉ tăng 3,52%, thấp hơn rất nhiều so với tăng trưởng kinh tế 5,05%.

Đối với thị trường chứng khoán, sau nhịp tăng giá ấn tượng trong quý II và đầu quý III, VN-Index đã sụt giảm trong những tháng cuối năm. Đặc biệt, chứng khoán Việt Nam trở thành một trong những thị trường có diễn biến tiêu cực nhất trên thế giới trong tháng 10.

PGS.TS Nguyễn Hữu Huân (Trưởng bộ môn Thị trường tài chính, Trường đại học Kinh tế TPHCM nhận định, người dân tăng tỷ lệ tiết kiệm là thông tin không mấy tích cực cho nền kinh tế. “Tỷ lệ tiết kiệm tăng cao so với tỷ lệ đầu tư của nền kinh tế, thể hiện thông qua tăng trưởng tín dụng, có nghĩa vốn bị ứ lại ngân hàng. Điều này ảnh hưởng đến tổng cầu. Tổng cầu giảm thì doanh nghiệp lại không bán được hàng, dẫn đến phải giảm lương hoặc sa thải nhân viên, điều này càng làm cho người dân lo ngại, tăng tỷ lệ tiết kiệm”, ông Huân nói và cho rằng đây là vòng xoáy giảm phát và bẫy thanh khoản.

Tuy nhiên, với Việt Nam, ông Huân tin tưởng, nguy cơ giảm phát chưa xảy ra, nhưng có ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế. Với chứng khoán, ông Lê Anh Tuấn- Giám đốc Khối chứng khoán DragonCapital bày tỏ tin tưởng, năm 2024, cơ hội trên thị trường sẽ sáng hơn. Hiện, niềm tin của nhà đầu tư tốt hơn “VN-Index đang ở chu kỳ hồi phục khi hội tụ các yếu tố như lãi suất thấp, vĩ mô ổn định và tăng trưởng lợi nhuận bắt đầu tạo đáy. Định giá thị trường đã ở mức thấp. Dòng tiền trong nước giải ngân vào chứng khoán rất thật”, chuyên gia của Dragon Capital nhấn mạnh.

Theo các chuyên gia, đây là thời điểm để xem xét xóa bỏ việc độc quyền vàng miếng SJC, bảo đảm thị trường trong nước và thế giới liên thông với nhau, tránh sự chênh lệch quá lớn, tác động tiêu cực đến sự an toàn của thị trường tài chính, tiền tệ.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Việt Linh ([Tên nguồn])
Kinh tế toàn cảnh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN