Lãi vay margin hạ nhiệt, 'zero fee' nóng lên
Sau đà giảm “không phanh” của lãi suất huy động tại các ngân hàng, tới lượt công ty chứng khoán cũng bắt đầu giảm lãi suất margin, và tích cực mời chào khách vay. Nhiều ưu đãi khác được triển khai song song, trong cuộc đua chiếm lĩnh thị phần môi giới.
Lãi vay margin đồng loạt giảm
Năm 2023, Ngân hàng Nhà nước đã điều chỉnh giảm lãi suất điều hành, lãi suất huy động tiết kiệm của thị trường xuống “đáy”. Có ngân hàng huy động vốn kỳ hạn 12 tháng với lãi suất dưới 5%/năm. Ở đầu ra, lãi suất cho vay, đặc biệt ở các kỳ hạn ngắn cũng được điều chỉnh. Trong bối cảnh này, dù có độ trễ, nhưng các công ty chứng khoán cũng bắt đầu giảm lãi suất margin, và tích cực mời chào khách vay.
Các công ty chứng khoán bắt đầu giảm lãi suất margin.
Dù chỉ mở tài khoản giao dịch tại một công ty chứng khoán, nhưng chị Thanh Hà (Hà Nội) cho biết liên tục nhận được email giới thiệu, hướng dẫn vay margin ưu đãi từ nhiều công ty khác trên thị trường. “Email không chỉ một lần, mà còn được gửi liên tục, từ nhiều tài khoản khác nhau”, chị Hà cho biết.
Chương trình giảm lãi, thậm chí miễn lãi trong 1 khoảng thời gian nhất định, cũng đang được các công ty chứng khoán mở rộng. Chứng khoán Techcombank (TCBS) đang áp dụng lãi suất vay ký quỹ 7,9%/năm với dư nợ ký quỹ trong 180 ngày kể từ ngày giải ngân đầu tiên. Chứng khoán Shinhan Việt Nam áp dụng lãi vay margin 8,8%/năm Lãi suất ưu đãi margin được áp dụng trong 6 tháng kể từ sau 1 ngày (T+1) dư nợ margin đạt từ 200 triệu đồng trong thời gian chương trình. Chương trình kéo dài đến 30/4 hoặc khi hết hạn mức.
Chứng khoán JB Việt Nam (JBSV) áp dụng chính sách miễn lãi margin cho khách hàng trong 30 ngày với mức vay tối đa 100 triệu đồng. Chứng khoán Yuanta Việt Nam cũng áp dụng lãi suất 0% cho 1000 khách hàng mở mới tài khoản ký quỹ và đăng ký đầu tiên. Trước đó, Chứng khoán Yuanta Việt Nam đang có lãi suất margin ưu đãi 8%/năm, áp dụng trong 6 tháng với hạn mức vay không giới hạn...
Tín hiệu giảm lãi margin cũng xuất hiện ở nhiều công ty chứng khoán khác như DNSE, Rồng Việt (VDSC), Vietcap. Công ty trong hệ sinh thái ngân hàng như MBS cũng điều chỉnh giảm lãi suất khoản vay margin thông thường của khách hàng cá nhân. SSI hoàn lãi margin 20% trên lãi thực thu hàng tháng, tối đa 5 triệu đồng/tháng và 50 triệu đồng/năm.
Cuộc đua “zero fee”
Bên cạnh giảm, miễn lãi vay, dịp đầu năm, các công ty chứng khoán cũng mạnh tay triển khai nhiều ưu đãi. Chính sách zero-fee (miễn phí giao dịch) đang trở nên phổ biến hơn trong lĩnh vực chứng khoán. Cuộc đua chuyển từ hạ phí sang miễn phí, đưa phí môi giới về 0. Cuộc cạnh tranh thị phần, thu hút khách hàng trở nên khốc liệt hơn, nhưng đi kèm với đó, nguồn thu chủ lực từ môi giới cũng bị ảnh hưởng.
Những công ty chứng khoán nắm giữ thị phần môi giới lớn, hoặc đang bứt tốc chiếm thị phần đều triển khai zero fee. Chứng khoán VPS chiếm 19,06% thị phần môi giới trên HoSE, miễn phí giao dịch 6 tháng. Chứng khoán SSI cũng từng áp dụng chính sách này. Ghi nhận tăng trưởng 1 bậc trong xếp hạng thị phần môi giới, ở vị trí thứ 4, Chứng khoán Techcombank (TCBS) đang miễn phí giao dịch. Thị phần mở rộng nhưng, doanh thu môi giới của TCBS thu hẹp đáng kể, năm 2023 giảm hơn 46% trong khi chi phí mảng này lại tăng gần 19% so với năm trước. Biên lãi gộp bị thu hẹp từ 82,6% xuống còn 61,5% tương ứng lợi nhuận gộp giảm 60% so với năm 2022.
Nhiều công ty chứng khoán khác cũng đang áp dụng zero fee, như DNSE, Pinetree, JBSV, AIS hay mới nhất là MBS. Doanh thu mảng môi giới của các công ty này đều bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, bù đắp cho phần hụt thu từ zero fee, các công ty lại ghi nhận lãi từ cho vay tăng trưởng tốt. Như TCBS thu về hơn 1.600 tỷ đồng từ lãi cho vay và phải thu trong năm 2023, đứng đầu toàn ngành. Mảng này chiếm tỷ trọng khoảng 30% tổng doanh thu hoạt động của công ty, gần bằng tự doanh.
Với DNSE, lãi từ cho vay và phải thu chính là nguồn thu lớn nhất chiếm 40% tổng doanh thu hoạt động. Tương tự, tỷ trọng này ở Pinetree cũng chiếm hơn 55% doanh thu.
Đến cuối quý IV/2023, dư nợ cho vay tại các công ty chứng khoán ước tính khoảng 180.000 tỷ đồng, tăng khoảng 15.000 tỷ đồng so với cuối quý IV. Trong đó, dư nợ margin ước vào khoảng 172.000 tỷ đồng, tăng 13.000 tỷ trong ba tháng cuối năm.
Nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ tăng giá nhanh gấp đôi so với thị trường chung nhưng tiềm ẩn nhiều rủi ro, đòi hỏi nhà đầu tư phân tích kỹ lưỡng, theo chuyên gia.
Nguồn: [Link nguồn]