Lãi và phí “giết chết” con nợ (kỳ 1)

Theo điều tra của PV, hiện nay có rất nhiều trang web, xây dựng hàng trăm app (ứng dụng) để cho người dùng tải về và vay tiền nhanh. Dù số tiền không lớn, từ dăm bảy trăm ngàn đến trên dưới 10 triệu đồng nhưng số người vay lại rất đông, giúp các trùm tín dụng đen thu lợi “khủng” mỗi ngày.

Lãi suất vô tội vạ

Theo tìm hiểu của PV báo Người Đưa Tin, hình thức vay qua app có lãi suất vô tội vạ, không theo một mức chung nào. Khi con nợ chậm trả lãi thì hậu quả khôn lường.

Trao đổi với PV, anh L.P.G, một người vay tiền cho biết: “Tôi vay ở Vdong (công ty TNHH Vietnam Trusting Ai, trụ sở ghi trên website tại tầng 5, tòa nhà Songdo, 62A Phạm Ngọc Thạch, phường 6, quận 3, TP.HCM – PV) vào ngày thứ Bảy thì để thứ Hai tuần kế đó mới có tiền. Tuy nhiên, vay 1,3 triệu đồng nhưng thực nhận chỉ là 910.000 đồng trong 14 ngày phải trả. Sau đó không có nhu cầu vay nữa, tôi quyết định trả lại 960.000 đồng (trong đó có 40.000 tiền lãi) nhưng phía Vdong không chịu, bắt phải trả 1,3 triệu đồng”.

Giải thích với người vay, nhân viên của Vdong cho biết: “1,3 triệu là số tiền vay, còn thực nhận 910.000 đồng là do đã trừ phí dịch vụ. Đó là quy định của công ty, không thể khác được. Nếu đến hạn mà anh/chị không thanh toán, bên thu hồi nợ sẽ làm việc với anh/chị”.

Ngay cả khi con nợ thông báo đã chuyển chỗ ở thì nhân viên cũng luôn biết cách hù dọa: “Người ta sẽ có cách tìm ra em để thu tiền”. Về con nợ có tiền để trả hay không, nhân viên nói thẳng: “Đó là chuyện của em với người ta”. “Tôi đã giải thích là không đủ khả năng trả, vì đã mượn nơi khác nhiều song phía Vdong không chịu”, anh P. cho biết thêm.

Lãi và phí “giết chết” con nợ (kỳ 1) - 1

Một nạn nhân của tín dụng đen bị nhận tin nhắn đòi tiền.

Đây chỉ là một trong hàng triệu trường hợp vay tiền một đằng, nhận tiền một nẻo. Chị Huỳnh Minh Ng. (quê tỉnh Vĩnh Long) phản ánh với PV: “Tôi đang vay của 1 app 6 triệu đồng, trong thời hạn 28 ngày nhưng thực tế khi nhận chỉ được 5 triệu. Đến hạn thanh toán, tôi phải trả tổng cộng lên tới 8,5 triệu đồng. Do chậm trả, một tuần sau, số tiền đã lên đến trên 14 triệu đồng. Thậm chí, khi gọi điện về cho gia đình tôi để “khủng bố”, họ (bên đòi nợ) nói tôi vay tiền để chơi cờ bạc, hút chích ma túy và bao trai nên đang nợ của họ cả tỷ đồng”.

Chị Bình Yến X. (ngụ ở phường 15, quận Gò Vấp, TP.HCM) cho biết: “Thực tế khi tôi vay là 5 triệu đồng nhưng thực nhận chỉ là 3.850.000 đồng. Số tiền 1.150.000 đồng bị trừ ngay lập tức. Họ thông báo đây là lãi tháng đầu cộng phí quản lý dịch vụ, hồ sơ”. Tương tự, anh Trần Minh T. (ngụ ở phường Phước Long B, quận 9, TP.HCM) cho biết: “Tôi vay của Idong với số tiền là 2,3 triệu đồng, tuy nhiên, thực nhận là chỉ còn 1.475.000 đồng trong vòng 21 ngày phải trả”.

Lãi và phí “giết chết” con nợ (kỳ 1) - 2

Bị "khủng bố" điện thoại.

Tương tự, chị T.T cho hay, “tại Robocash (đang ghi là của công ty TNHH Robocash Việt Nam, địa chỉ tầng 5, toà nhà số 51-53 Võ Văn Tần, phường 6, quận 3, TP.HCM - PV): Tôi vay 4,5 triệu đồng nhưng một tháng sau, tôi phải trả 6,9 triệu đồng. Do chưa có tiền thanh toán nên tôi đã đóng gia hạn 1.346.000 đồng nhưng họ vẫn bắt tôi phải đóng lên đến gần 8 triệu đồng, chứ không phải 6,9 triệu đồng như lúc trước. Sau đó, tôi thanh toán trễ 12 ngày thì số tiền nợ đã vượt trên 9 triệu đồng (theo giấy báo gửi về cho gia đình)”.

Vay tiền trong tích tắc, nhiều người “sập bẫy”

Hiện nay, chỉ cần vài bước cơ bản thì người dùng có thể tải các app trên mạng về để “vay tiền nhanh”. Theo quảng cáo của đa phần các app này thì chỉ cần 4 bước là có thể nhận được tiền từ 1 đến 2 tiếng đồng hồ hoặc nếu trễ thì cũng chỉ sau vài ngày.

Ghi nhận của PV cho thấy, đang có hàng loạt công ty đứng sau các app như Idong, Vdong, Evay, Ucash... Để chiêu dụ “con mồi”, nhiều app vẽ ra mức lãi suất thấp, thậm chí là 0%, duyệt hồ sơ nhanh chóng, có tiền ngay...

Lãi và phí “giết chết” con nợ (kỳ 1) - 3

Một app “vay tiền nhanh”.

App Cashwagon Vietnam của công ty TNHH Cashwagon, địa chỉ số 17, Tôn Thất Tùng, Phường Phạm Ngũ Lão, quận 1, quảng cáo: “10 ngày miễn phí cho lần đăng ký đầu tiên, quy trình đơn giản, không phí, không lãi suất cho lần đầu đăng ký”. Đặc biệt, app này cho biết “đã có 1 triệu đăng ký thành công online”. Như vậy, bình quân mỗi app khoảng 1 triệu “đăng ký” thì phải có hàng chục triệu lượt vay theo kiểu online này.

Để tìm hiểu thực tế, PV vào trang Ucash của công ty Cổ phần Luckysky, trụ sở tại 26/22 đường số 3, cư xá Đô Thành, phường 4, quận 3, TP.HCM, với khoản vay 5 triệu đồng trong thời hạn 7 ngày, số tiền cần trả khi đáo hạn là 5.994.500 đồng. Như vậy, sau 7 ngày, PV đã mất gần 1 triệu đồng, mỗi ngày phải trả 140.000 đồng tiền lãi.

Đối với những khách hàng vay lần đầu thì mức cao nhất là 2,5 triệu đồng. Sau 7 ngày, cả gốc và lãi phải trả sẽ lên đến xấp xỉ 3 triệu đồng. Điều đó có nghĩa là riêng tiền lãi đã mất gần 500.000 đồng/7 ngày (tương đương 70.000 đồng/ngày).

Nhìn vào những con số trên, có thế thấy rằng, số tiền lãi cho vay ở các app trên còn cao gấp nhiều lần so với tín dụng đen trên thị trường chợ đen. Tìm hiểu của PV cho thấy, trên thị trường chợ đen đang cho vay giao động từ 5.000 đồng đến vài ba chục ngàn đồng/triệu/ngày. Việc “bị cắt” ngay các khoản phí quản lý hồ sơ, dịch vụ, lãi tháng đầu tiên... cho đến giai đoạn đòi nợ không khác gì vay tín dụng đen truyền thống lâu nay. Các chiêu thức này sẽ được PV đề cập tới ở bài viết sau.

Để vay tiền, ngoài việc đăng ký và cung cấp các thông tin cá nhân liên quan: Địa chỉ, giới tính, tình trạng hôn nhân..., người dùng cần phải chụp hình chứng minh nhân dân kèm theo ảnh để làm cơ sở. Đây cũng là cách để các app này kiểm soát và tung chiêu để đòi nợ hết sức kinh khủng.

Khi duyệt hồ sơ xong thì tiền sẽ được gửi về tài khoản mà người dùng đã cung cấp hoặc tại các điểm có phối hợp thanh toán (trung gian). Tuy nhiên, số tiền thực nhận chỉ không nguyên vẹn như số đã vay vì đã trừ đi khoản phí dịch vụ, phí quản lý hồ sơ... như tín dụng đen. Cũng có vài app giải ngân đúng số tiền mà người vay đã vay nhưng lãi suất rất cao và cộng thêm phí này vào số tiền phải trả khi hết hạn vay.

Anh Nguyễn Hoàng A. phản ánh với PV, khi vay ở app Ucash số tiền là 4,5 triệu đồng nhưng khi trả nợ, anh phải trả lên tới 7 triệu đồng. Chị Nguyễn Thị Thuỳ L. cũng vay ở app Ucash số tiền chỉ 2,5 triệu đồng nhưng trả trễ 30 ngày nên số tiền đã nhảy vọt lên thành... 12 triệu đồng. Lúc này tiền lãi đã không còn “khung” hay “trần” nào. Khi chưa thể thanh toán, do quá sợ hãi, L. xin được gia hạn trả gốc, để tránh phát sinh lãi, app này không cho. Đây cũng là cách thức chung để các app thu lợi, để lãi mẹ đẻ lãi con, “siết cổ” người vay.

Còn nữa...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Nhóm PV ([Tên nguồn])
Kinh Doanh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN