Lãi suất trái phiếu 20%/năm: Bất thường!

Doanh nghiệp chào bán trái phiếu với lãi suất rất cao để thu hút nhà đầu tư, dẫn đến nguy cơ rủi ro cho cả bên mua lẫn bên bán.

Theo thông báo của Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX), cuối tháng 10-2019, Công ty Đầu tư Thương mại Hồng Hoàng (Công ty Hồng Hoàng) đã hoàn tất đợt phát hành hơn 14 triệu trái phiếu doanh nghiệp (DN) mệnh giá 100.000 đồng/trái phiếu, kỳ hạn 5 năm. Toàn bộ số trái phiếu này được phát hành riêng lẻ cho một nhà đầu tư là tổ chức nước ngoài tại Việt Nam. Đáng chú ý là trái phiếu của Công ty Hồng Hoàng có lãi suất cao kỷ lục: 20%/năm. Trước đó, trái phiếu DN có lãi suất cao nhất là 14,5%/năm do một DN bất động sản phát hành.

Số liệu của HNX cho thấy trong tháng 10-2019 có 34 DN đăng ký phát hành trái phiếu và đã huy động thành công gần 17.000 tỉ đồng (bao gồm cả đợt phát hành của Công ty Hồng Hoàng). Tính từ đầu năm 2019 đến nay, có 176 công ty (chủ yếu là DN bất động sản) đăng ký 760 đợt phát hành trái phiếu DN; trong đó, 617 đợt phát hành thành công, huy động trên 202.000 tỉ đồng.

Lãnh đạo một công ty chứng khoán ở TP HCM nhận xét DN huy động vốn bằng trái phiếu hàng chục ngàn tỉ đồng là hết sức bình thường. Tuy vậy, việc DN phát hành trái phiếu riêng lẻ cho nhà đầu tư nước ngoài với lãi suất cao nhưng không chứng minh được hiệu quả số vốn huy động được là khá bất thường dẫn đến hoài nghi đơn vị phát hành và nhà đầu tư mua trái phiếu chỉ là một. Nếu thật vậy, lãi suất trở thành lợi nhuận của bên mua lẫn bên bán trái phiếu. Vì bên mua là tổ chức nước ngoài đang đầu tư tại Việt Nam nên họ có thể chuyển lợi nhuận về nước, đồng nghĩa bên bán trái phiếu đã chuyển được một số tiền ra nước ngoài.

Một hiện tượng khác của sân chơi trái phiếu là trong bối cảnh các ngân hàng (NH) hạn chế tăng trưởng tín dụng, hệ thống NH thương mại giảm dần tỉ lệ huy động vốn ngắn hạn cho vay dài hạn buộc các DN cần vốn hoặc đến hạn tất toán nợ đã vay phải huy động vốn bằng trái phiếu DN để giải quyết các vấn đề tài chính. Ngoài ra, một số DN phát hành trái phiếu với mục đích đầu tư, kinh doanh. Nếu chẳng may DN phát hành trái phiếu mất khả năng thanh toán hoặc cố tình lừa đảo thì người mua trái phiếu đối mặt nguy cơ mất tiền.

TS Nguyễn Văn Thuận (Trường ĐH Tài chính - Makerting) đánh giá thị trường trái phiếu DN của Việt Nam còn sơ khai, cần khuyến khích phát triển. Tuy nhiên, cuộc chơi trái phiếu chỉ dành cho những nhà đầu có kiến thức, đủ năng lực đánh giá hiệu quả hoạt động, tính khả thi của dự án mà DN đưa ra, nếu không sẽ dễ nhận "trái đắng".

Theo TS Bùi Quang Tín (Trường ĐH Ngân hàng TP HCM), khi phát hành trái phiếu, DN không phải chứng minh với người mua về khả năng sinh lời từ số vốn huy động được. Do đó, để thu hút nhà đầu tư, DN thường chào bán trái phiếu với lãi suất rất cao, có thể dẫn đến rủi ro cho nhà phát hành lẫn người mua. "Giả sử DN phát hành trái phiếu với lãi suất 12%-14,5%/năm (mức lãi suất phổ biến trong thời gian qua) thì tỉ suất sinh lời phải đạt trên 20% mới đủ sức thanh toán gốc và lãi cho người mua trái phiếu. Thế nhưng, trong bối cảnh kinh tế toàn cầu có dấu hiệu khựng lại, DN không dễ đạt được mức sinh lời như mong muốn" - ông Tín nói. 

Bộ Tài chính khuyến cáo nhà đầu tư không mua trái phiếu DN chỉ vì lãi suất cao

Nhà đầu tư cá nhân nhỏ không có năng lực tài chính và kinh nghiệm đầu tư nên tham gia đầu tư qua các Quỹ đầu tư chuyên...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Thy Thơ ([Tên nguồn])
Kinh Doanh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN