Lãi suất tiết kiệm 'leo dốc' nhưng ngân hàng không dám tăng lãi vay: Vì sao?

Sự kiện: Kinh tế toàn cảnh
00:00 / 0:00
Chuẩn
Tốc độ đọc

Lãi suất tiết kiệm tại nhiều ngân hàng thương mại vẫn duy trì đà tăng, nhưng so với giai đoạn cuối năm 2022, đầu năm 2023 thì lợi nhuận thu được từ kênh này đang giảm khoảng 50%.

Theo thống kê mới nhất của WiGroup, từ ngày đầu tuần này có 5 ngân hàng tiếp tục điều chỉnh tăng lãi suất, trong đó có ngân hàng tăng tới 0,8%/năm.

Lãi suất tiết kiệm đua nhau tăng

Cụ thể, ngân hàng Bắc Á tăng lãi suất thêm với biên độ từ 0,1 - 0,15%/năm ở tất cả các kỳ hạn. Qua đó, đưa lãi suất kỳ hạn 6 tháng lên 5,15%/năm, 12 tháng là 5,7%/năm và 24 tháng là 5,85%/năm.

Tương tự ngân hàng GPBank tăng thêm 0,2% cho các kỳ hạn từ 1-9 tháng, trong khi vẫn giữ nguyên lãi suất kỳ hạn từ 12, 24 tháng… Dù đã tăng lãi suất, nhưng gửi 6 tháng tại GPBank, khách hàng cũng chỉ được trả mức lãi là 4,4%/năm, 12 tháng là 5,1%/năm và 24 tháng cũng chỉ có 5,2%/năm.

Trong khi đó, ngân hàng Đông Á cộng thêm 0,2-0,8%/năm cho các kỳ hạn, nhưng lãi suất cao nhất của nhà băng cũng chỉ có 5,95%/năm cho kỳ hạn 24 tháng. Còn nếu gửi tiết kiệm 6 tháng sẽ được nhận mức lãi 5,13%/năm, 12 tháng là 5,72%/năm...

Xét trên toàn hệ thống, hiện lãi suất cao nhất kỳ hạn 6 tháng chỉ có 5,15%/năm thuộc về BacABank và ngân hàng Quốc dân (NCB), mức lãi suất cao nhất đối với kỳ hạn 12 tháng là của ngân hàng SaigonBank với 5,8%/năm, và lãi suất cao nhất của kỳ hạn 24 tháng là DongABank với 5,92%/năm.

Theo Kirin Capital, tuy có tăng song mức lãi suất huy động hiện tại vẫn cách khá xa so với đỉnh lãi suất được thiết lập hồi đầu năm ngoái ở mức 7,4% - 9%/năm. Hơn nữa, lãi suất huy động hiện vẫn đang ở mức rất thấp trong vòng 20 năm trở lại đây.

Chưa cần lo lãi suất cho vay tăng ngay cả khi lãi suất tiết kiệm liên tục tăng. Ảnh: T.L

Chưa cần lo lãi suất cho vay tăng ngay cả khi lãi suất tiết kiệm liên tục tăng. Ảnh: T.L

Theo chuyên gia kinh tế Dương Anh Vũ, mặc dù thời gian gần đây, nhiều ngân hàng thông báo tăng lãi suất tiết kiệm, nhưng thực chất mặt bằng lãi suất tiết kiệm hiện nay vẫn còn thấp so với giai đoạn cuối năm 2022 đầu năm 2023.

Nếu đầu năm ngoái, lãi suất tiết kiệm kỳ hạn 6 tháng tại nhiều ngân hàng thương mại bật lên tới 9%/năm, đến nay rất nhiều ngân hàng chỉ trả lãi suất của kỳ hạn này ở mức 4 – 4,7%/năm, thậm chí nhóm big 4 chỉ có 2,9 – 3%/năm. Tức là lợi nhuận thu được từ kênh gửi tiết kiệm đã bị giảm ít nhất 50% so với hơn một năm trước.

"Một số ngân hàng thấy thông báo lãi suất cao ngất ngưởng lên đến 8 - 9,5%/năm nhưng hỏi ra mới biết muốn được nhận lãi suất này thì phải gửi ít nhất 500 - 2.000 tỉ đồng với kỳ hạn 12 tháng. Đây đều là những mức lãi suất dành cho khách hàng VIP, hoặc để truyền thông quảng cáo mà thôi”, ông Vũ nhận định.

Theo số liệu tổng hợp từ 27 ngân hàng niêm yết trên thị trường, Kirin Capital nhận thấy tỷ suất CASA toàn ngành vẫn tăng trưởng tốt (tăng 20,91% trong quý 2-2024), đi kèm với lãi suất huy động trượt suy giảm giai đoạn vừa qua cũng góp phần chi phí lãi suất giảm mạnh 0,5%, từ mức 4,9% xuống còn 4,4% trong quý 2-2024, đẩy NIM (biên lãi ròng toàn ngành) tăng nhẹ từ 3,4% lên mức 3,5%.

Chính vì vậy, thu nhập lãi thuần của ngành ngân hàng trong quý vừa qua bất ngờ tăng trưởng mạnh mẽ, tăng 19,6% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 128.595 tỉ đồng.

Không có cửa tăng lãi suất cho vay

Dù lãi suất huy động tăng, nhưng thanh khoản hệ thống vẫn dồi dào. Điều đó được phản ánh thông qua lãi suất liên ngân hàng bắt đầu hạ nhiệt và tiền gửi cư dân tiếp tục đi vào hệ thống ngân hàng.

Mới nhất, lãi suất VND bình quân liên ngân hàng kỳ hạn qua đêm (kỳ hạn chính chiếm khoảng 90% giá trị giao dịch) trong phiên 16-9 đã giảm về còn 3,21%/năm, thấp hơn 0,07% so với một ngày trước. So với mức ghi nhận đầu tháng 9, đến nay lãi suất qua đêm liên ngân hàng đã giảm khoản 1,31 điểm % và là mức thấp nhất kể từ đầu tháng 7.

Theo số liệu do lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa công bố, lãi suất hiện nay cho vay những khoản mới trung bình là 6,23%, giảm 0,86% so với cuối năm 2023; trong khi lãi suất tiết kiệm là 3,84%/năm, tăng 0,23%, chủ yếu tập trung ở những ngân hàng thương mại cổ phần quy mô nhỏ.

Lý giải về việc lãi suất huy động tăng nhưng lãi suất cho vay lại không tăng, bà Nguyễn Thị Phượng, chuyên gia tài chính ngân hàng cho biết: Nguyên nhân lớn nhất vẫn là cầu tín dụng không tăng, sức hấp thụ vốn của nền kinh tế vẫn còn yếu. Các ngân hàng đang rất chật vật để tìm khách hàng vay. Nếu hỗ trợ được khách hàng giảm bớt được chi phí nào là ngân hàng sẽ hỗ trợ ngay, bởi nếu không họ sẽ chạy ngay sang ngân hàng có lãi suất tốt hơn.

"Điều này phản ánh là các ngân hàng liên tục tung ra các gói tín dụng với lãi suất ưu đãi, thủ tục cho vay nhanh chóng… để giành khách hàng về phía mình. Các nhân viên tín dụng “đỏ mắt” đi tìm khách hàng vay. Do đó thời điểm này nói đến câu chuyện tăng lãi suất cho vay là không khả thi”, bà Phượng nhấn mạnh.

Tuy nhiên, một số chuyên gia kinh tế cho rằng, các ngân hàng thương mại vẫn còn dư địa để giảm lãi suất cho vay. Bởi dù lãi suất huy động tăng nhưng mức tăng không quá cao, trong khi đó lượng tiền gửi không kỳ hạn (CASA) vẫn duy trì đà tăng.

Vậy liệu các ngân hàng thương mại có dư địa để giảm thêm lãi suất cho vay trong thời gian tới hay không? Trả lời về thắc mắc này, Phó Tổng giám đốc một ngân hàng thương mại cổ phần cho biết: Tôi cho rằng các ngân hàng không còn khả năng để tiếp tục giảm lãi suất cho thêm nữa.

Bởi lẽ, thứ nhất là lãi suất đầu vào không thể giảm thêm, lãi suất cho vay ra cũng không thể tăng được do cầu vốn tín dụng yếu. Thứ hai là khả năng chịu đựng lãi vay của khách hàng đang rất mong manh. Thứ ba là nợ xấu tăng, dẫn đến trích lập dự phòng rủi ro tăng.

"Với tất cả những khó khăn nêu trên khiến các ngân hàng gần như đã cạn nguồn lực để giảm lãi suất rồi”, vị lãnh đạo ngân hàng trên nhận định.

Theo số liệu mà Kirin Capital thống kê từ những ngân hàng niêm yết, tỉ lệ nợ xấu toàn ngành trong quý 2 vừa qua duy trì ở mức 2,2% và chưa có dấu hiệu suy giảm. Trong đó, nợ nhóm 2 (tức là các khoản nợ cần chú ý) đã dần hạ nhiệt so với quý 1-2024 khi giảm từ mức 2,1% về chỉ còn 1,8%, đồng thời cũng thấp hơn so với cùng kỳ năm 2023 (2,6%).

Tuy nhiên, có thể thấy rõ nợ xấu (NPL) của ngành ngân hàng lại duy trì xu hướng đi lên. Tính đến hết tháng 6-2024, nợ xấu toàn ngành đã lên đến 240.320 tỉ đồng, tăng 8,01% so với quý 1-2024 và tăng tới 26,12% so với cùng kỳ. Nguyên nhân cốt lõi vẫn đến từ tình hình ảm đạm tại thị trường bất động sản với những khoản nợ xấu chưa thể giải quyết.

Thêm vào đó, bộ đệm dự phòng rủi ro của toàn ngành ngân hàng cũng mỏng đi khá nhiều trong giai đoạn vừa qua khiến lợi nhuận ngân hàng có khả năng bị bào mòn cao hơn trong nửa cuối năm 2024 và đầu năm 2025 nếu Thông tư 02 hết hiệu lực, việc này khiến các ngân hàng chịu áp lực xử lý nợ xấu gia tăng trong giai đoạn tới.

Nguồn: [Link nguồn]

Đến năm 2024, nhiều người vẫn còn dùng thẻ từ (thẻ ATM công nghệ từ) trong việc giao dịch thanh toán, rút tiền vì ngại chuyển đổi sang thẻ chip.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo THUỲ LINH ([Tên nguồn])
Kinh tế toàn cảnh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN