Lãi suất liên ngân hàng giảm, 16 ngân hàng lãi 33 ngàn tỷ
Lãi suất liên ngân hàng (thị trường 2) các kỳ hạn trong tuần vừa qua tiếp tục xu hướng giảm và duy trì ở mức dưới 3%/năm. Còn lãi suất thị trường 1 (tổ chức dân cư) cơ bản vẫn giữ nguyên.
Tuần qua, NHNN đều đặn hút ròng 5.000 tỷ đồng/phiên, riêng phiên thứ 6 là 2.000 tỷ đồng thông qua phát hành tín phiếu kỳ hạn 7 ngày, lãi suất 2.75%/năm. Tính lũy kế từ đầu năm 2019 tới nay, NHNN đã hút ròng tổng cộng 110.507 tỷ đồng qua nghiệp vụ thị trường mở.
Thanh khoản hệ thống ngân hàng duy trì trạng thái tích cực, giúp NHNN hút ròng tiền về qua kênh tín phiếu với mức lãi suất thấp. Đối với kỳ hạn qua đêm và 1 tuần, lãi suất lần lượt giảm từ mức 2,7% và 2,9% xuống mức 2,65% và 2,7%. Tuy nhiên, với kỳ hạn 2 tuần thì lãi suất lại tăng nhẹ 0,05%, lên mức 3,15%.
Thanh khoản các ngân hàng khá dồi dào, lãi suất trên liên ngân hàng liên tục giảm về tiệm cận mức lãi suất tín phiếu, hiện ở mức 2.88%/năm với kỳ hạn qua đêm và 3.0%/năm với kỳ hạn 1 tuần, chênh lệch lãi suất VND-USD thu hẹp về mức 0.5%/năm.
Thực tế, lãi suất huy động thị trường 1 tuần vừa qua có điều chỉnh giảm ở các kỳ hạn ngắn dưới 3 tháng do ảnh hưởng của diễn biến lãi suất trên thị trường 2, tuy nhiên hầu hết vẫn giữ nguyên ở các kỳ hạn còn lại, ghi nhận một vài ngân hàng điều chỉnh tăng 0.1-0.2%/năm với các kỳ hạn từ 6 tháng trở lên. Mức lãi suất hiện tại là 4.1%-5.5%/năm với kỳ hạn dưới 6 tháng, từ 5.5-7.55%/năm với kỳ hạn 6- dưới 12 tháng, 6.4-7.9%/năm với kỳ hạn 12 và 13 tháng.
Lãi suất trên thị trường liên ngân hàng giảm mạnh chỉ còn ở mức 3%/năm tuần qua
16 ngân hàng lãi hơn 33 ngàn tỷ
Hiện tại đã có 16 NHTM công bố kết quả kinh doanh Q2.2019, tổng lợi nhuận trước thuế của các NHTM này là 33.1 nghìn tỷ đồng, tăng 29% , trong đó riêng VCB tăng trưởng 41%, phần còn lại tăng +23.6%.
Điểm tương đồng của hầu hết các ngân hàng là tỷ trọng thu nhập từ lãi tăng lên do cho vay khách hàng tăng nhanh hơn huy động tiền gửi. Tính chung 16 NHTM, tỷ trọng thu nhập từ lãi/ tổng thu nhập là 75%, cao hơn so với mức 72% của cùng kỳ 2018; tăng trưởng cho vay khách hàng là 10% trong khi tăng trưởng huy động tiền gửi chỉ là 8.3%.
Mặc dù còn thiếu một số ngân hàng có thị phần lớn như CTG, BID, VPB nhưng qua đó cũng phản ánh nhu cầu huy động trên thị trường 1 trong 6 tháng cuối năm của các ngân hàng vẫn khá lớn, lãi suất huy động vì thế khó có thể giảm với các kỳ hạn từ 6 tháng trở lên và tiếp tục phân hóa mạnh giữa các ngân hàng.
Tỷ giá giảm nhẹ
Mặc dù đồng USD tăng giá trên thị trường quốc tế, chênh lệch lãi suất VND-USD cũng thu hẹp nhưng sự ổn định của đồng CNY và đặc biệt là nguồn cung ngoại tệ trong nước khá thuận lợi đã khiến cho VND tăng giá.
Tỷ giá giao dịch USD/VND giảm 35 đồng/USD trên ngân hàng, về mức 23.150/23.270; giảm 20 đồng/USD ở chiều mua vào và 25 đồng/USD ở chiều bán ra trên thị trường tự do, về mức 23.200/23.210. Trong khi đó, tỷ giá trung tâm lại tăng thêm 12 đồng/USD, về mức đỉnh 23.079 đồng/USD đã thiết lập ngày 10/7/2019.
Trong bối cảnh quốc tế chưa có nhiều biến động, đồng USD khó có thể tăng giá thêm đặc biệt là khi khả năng FED giảm lãi suất đang được hiện thực hoá, cung cầu ngoại tệ ổn định, tỷ giá USD/VND sẽ duy trì ổn định, dao động quanh 23.200 đồng/USD.
Kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm 2019 ghi nhận lần đầu tiên có ngân hàng vượt 10 nghìn tỷ đồng, nhân viên thu nhập gần...