Lãi suất lên 11%/năm, người dân đang có bao nhiêu tiền gửi ngân hàng?
Lượng tiền nhàn rỗi người dân mang gửi tiết kiệm ngân hàng có dấu hiệu chững lại dù lãi tiết kiệm liên tục được các ngân hàng điều chỉnh tăng trong thời gian gần đây.
Theo số liệu được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) công bố, đến tháng 8/2022, tiền gửi của dân cư là 5.637.001 triệu tỷ đồng. So với lượng tiền gửi của dân cư được Ngân hàng nhà nước công bố vào tháng 7/2022, trong 1 tháng qua người dân mang thêm 7.955 tỷ đồng gửi tiết kiệm ngân hàng.
Đây là tháng thứ 2 liên tiếp lượng tiền nhàn rỗi người dân mang gửi tiết kiệm ngân hàng giảm mạnh. Trước đó, lượng tiền nhàn rỗi người dân gửi tiết kiệm trong tháng 7 cũng chỉ tăng thêm 9.601 tỷ đồng so với tháng liền trước.
Trước đó, tháng 1/2022, lượng tiền gửi tiết kiệm của người dân tăng thêm mạnh nhất với 103.166 tỷ đồng; tháng 4/2022, người dân cũng mang thêm 57.597 tỷ đồng gửi tiết kiệm; tháng 6/2022 lượng tiền gửi tiết kiệm của người dân cũng tăng thêm 50.468 tỷ đồng so với tháng liền trước.
Sau 8 tháng đầu năm, lượng tiền nhàn rỗi người dân mang gửi tiết kiệm tăng thêm 336.504 tỷ đồng so với thời điểm tháng 12/2021, tương đương mức độ tăng 6,35%.
Nhằm huy động nguồn tiền nhàn rỗi trong dân, cuối tháng 10, đầu tháng 11/2022, hàng loạt ngân hàng tiếp tục điều chỉnh tăng mạnh lãi suất tiết kiệm.
Ngân hàng ABBank nâng lãi suất huy động lên 9,4%/năm, thuộc diện cao nhất thị trường hiện nay
Theo đó, sau khi Ngân hàng thương mại cổ phần Sài Gòn (SCB) đưa lãi suất huy động lên mức 9,3%/năm, một số ngân hàng khác cũng đẩy lãi suất lên mức cao hơn, từ 10,5 - 11%/năm.
Cụ thể, lãi suất 11%/năm đã xuất hiện ở sản phẩm Happy Future của Ngân hàng thương mại cổ phần Nam Á ở kỳ hạn 9 tháng. Tuy nhiên mức lãi suất này chỉ áp dụng cho 3 tháng đầu chứ không áp dụng suốt kỳ hạn gửi, 6 tháng còn lại lãi suất là 5,95%/năm.
Còn Ngân hàng TMCP Quốc dân Việt Nam (NCB) công bố lãi suất lên tới 10,5%/năm cho khách hàng cá nhân gửi từ 500 tỉ đồng trở lên áp dụng kỳ hạn 24-36 tháng, thậm chí 60 tháng đối với khách hàng cá nhân.
Theo khảo sát, mức lãi suất từ 8%/năm trở lên đã phổ biến đã xuất hiện ở kỳ hạn 6 tháng trên kênh online của một số nhà băng như Kiên Long (8,8%/năm), SCB (8,7%/năm). Hiện có hàng chục ngân hàng đang áp dụng mức lãi tiết kiệm từ 8%/năm trở lên ở kỳ hạn 12 tháng trên kênh online và tại quầy có thể kể đến như Bắc Á, Bảo Việt, Kiên Long, MSB, Nam Á Bank, OCB, OceanBank, PvcomBank,… và SCB có mức lãi suất huy động cao nhất kỳ hạn này với 9,15%/năm.
Mức lãi suất tiết kiệm 9,3% đang được SCB và Bảo Việt áp dụng ở những kỳ hạn dài. Thậm chí ABBank đang có mức lãi tiết kiệm lên tới 9,4%/năm.
Theo công ty chứng khoán SSI, không chỉ tăng lãi suất, các ngân hàng còn đẩy mạnh chương trình khuyến mại, cộng thêm lãi suất để thu hút dòng tiền nhàn rỗi từ dân cư. Tính đến hiện tại, mặt bằng lãi suất huy động của nhiều ngân hàng đã về lại vùng trước Covid, hoặc thậm chí cao hơn, với mức tăng trung bình 3-4% so với cuối năm 2021.
Về tăng trưởng tín dụng, số liệu mới cập nhật từ NHNN cho thấy, tính đến ngày 20/10, và so với cuối năm 2021, tín dụng tăng 11,38%, huy động vốn tăng 4,8%.
Trong cuộc họp thường kỳ của Chính phủ, đại diện NHNN cũng cho biết diễn biến huy động vốn và tín dụng trong năm 2022 đã đặt ra thách thức đối với hệ số sử dụng vốn của hệ thống ngân hàng rất cao, gây quan ngại về thanh khoản của hệ thống ngân hàng. Do vậy, việc NHNN điều chỉnh các mức lãi suất điều hành trong tháng 9 và tháng 10 là phù hợp nhằm bảo đảm cho các tổ chức tín dụng có khả năng huy động thêm được nguồn vốn để bảo đảm an toàn thanh khoản, và có điều kiện để cung ứng vốn tín dụng cho nền kinh tế.
Trái ngược với đà giảm của thị trường chứng khoán Việt Nam trong phiên giao dịch ngày 3/11, khối tài sản của nữ đại gia 59 tuổi này vẫn ghi nhận mức tăng thêm hơn 220 tỷ...
Nguồn: [Link nguồn]