Lãi suất chứng chỉ tiền gửi “nhảy” lên trên 10%/năm
Cùng với việc tăng lãi suất huy động bằng tiền gửi trực tiếp, trong thời gian gần đây, thị trường ngân hàng ghi nhận thực tế hàng loạt ngân hàng đua nhau phát hành chứng chỉ tiền gửi với lãi suất cao 9-10%/năm.
Hàng loạt cái tên phát hành chứng chỉ tiền gửi kỳ hạn 24-36 tháng với lãi suất xấp xỉ 9%/năm có thể điểm danh như SHB, Sacombank, SeABank...
Nhỉnh hơn một chút, Ngân hàng TMCP Quốc tế (VIB) hiện cũng phát hành chứng chỉ tiền gửi kỳ hạn 61 tháng với lãi suất 9,1%/năm. Đây cũng là mức lãi suất mà VietABank áp dụng với chứng chỉ tiền gửi kỳ hạn 24 tháng.
Song, câu chuyện thực sự “bùng nổ” khi Ngân hàng TMCP Bản Việt khi tung ra chứng chỉ tiền gửi ghi danh dành cho cá nhân và tổ chức với lãi suất lên đến 10,2%/năm (kỳ hạn 5 năm). Còn các kỳ hạn từ 24 tháng đến 48 tháng có lãi suất từ 9,5% đến 10%/năm. Đây là mức lãi suất huy động cao nhất thị trường tính đến thời điểm hiện nay.
Chuyên gia nhận định áp lực tăng lãi suất tiền đồng không lớn.
Trước làn sóng này, các chuyên gia đều nhận định, việc đua phát hành chứng chỉ huy động tiền gửi cho thấy các ngân hàng đang rất khát vốn trung, dài hạn.
Theo quy định của Thông tư 16/2018/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 36/2014/TT-NHNN, bắt đầu từ 1-1-2019, ngân hàng phải giảm tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn từ 45% xuống 40%. Tỷ lệ này có thể giảm xuống 30-35% thời gian tới. Vì vậy, các nhà băng buộc lòng phải phát hành chứng chỉ dài hạn để hút tiền, nhằm đáp ứng tỷ lệ mà NHNN đưa ra.
“Sở dĩ ngân hàng không dâng lãi suất tiền gửi kỳ hạn dài lên cao, mà chọn phát hành chứng chỉ tiền gửi lãi suất cao vì chứng chỉ tiền gửi không được phép rút trước hạn. Trong khi đó, với gửi tiết kiệm, tính ổn định thấp hơn do người dân có thể rút trước hạn”, chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu phân tích.
Cũng theo ông Hiếu, khi huy động vốn bằng chứng chỉ tiền gửi, ngân hàng phải trả chi phí vốn cao hơn nhưng lại thu hút được nguồn vốn dài hạn hơn. Nguồn vốn này vừa đảm bảo thanh khoản, vừa giúp ngân hàng cơ cấu lại dòng vốn của mình.
Là “người trong cuộc”, ông Lê Quang Trung, Phó Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Quốc tế (VIB) cho biết, VIB phát hành chứng chỉ tiền gửi kỳ hạn trên 5 năm là nhằm tăng vốn cấp 2.
Ngoài ra, theo ông Trung, hiện nay, nhu cầu vay vốn trung, dài hạn của doanh nghiệp và cả người dân rất lớn (vay mua nhà, ôtô), trong khi vốn huy động của các các ngân hàng chủ yếu ở kỳ hạn ngắn. Vì vậy, để đáp ứng được nhu cầu thị trường, đẩy mạnh hoạt động kinh doanh, ngân hàng phải tăng huy động vốn trung, dài hạn.
“Trong bối cảnh các nước đang nới lỏng chính sách tiền tệ, giảm lãi suất, tôi cho rằng áp lực tăng lãi suất tiền đồng là không nhiều. Tuy nhiên hiện nay, cầu vốn trung, dài hạn đang rất cao nên lãi suất huy động kỳ hạn trung, dài hạn có thể ổn định ở mức hiện nay hoặc tăng nhẹ. Riêng mặt bằng lãi suất kỳ hạn ngắn không bị ảnh hưởng”, ông Trung nói.
Từ hôm nay, ngày 1/8, ba “ông lớn” ngân hàng thương mại có vốn Nhà nước là Vietcombank, Vietinbank, BIDV đồng loạt giảm...