Lãi suất "cắt cổ", khó xóa triệt để

Ðại tá Phạm Văn Tám - Phó Cục trưởng Cảnh sát Hình sự (Bộ Công an) nhận định, tín dụng đen ngày càng phức tạp, len lỏi từ thành phố tới các vùng quê nghèo. Các băng nhóm núp bóng doanh nghiệp, công ty dịch vụ tài chính cho vay với lãi suất “cắt cổ” từ 100-700%/năm dẫn đến những hành vi phạm tội khác và rất khó xóa triệt để.

Lãi suất “cắt cổ” từ 100-700%/năm

Trong buổi Hội thảo khoa học toàn quốc về “hạn chế tín dụng đen” diễn ra sáng 20/12 tại Đại học Kinh tế quốc dân Hà Nội, PGS.TS Đặng Ngọc Đức - Phó Viện trưởng Viện Ngân hàng - Tài chính cho biết, tín dụng đen hay tín dụng ngầm - tín dụng phi chính thức là hình thức vay vốn ngoài sự quản lý, giám sát của cơ quan quản lý về tài chính. Đó là giao dịch cho vay giữa các cá nhân dưới hình thức hụi, họ, phường… với lãi suất cắt cổ.

Ở nước ta những năm gần đây, tín dụng đen đã len lỏi vào đời sống xã hội từ nông thôn lên thành phố, biến tướng ngày càng tinh vi. Đáng chú ý, các đối tượng lợi dụng mạng viễn thông, internet, núp bóng các doanh nghiệp có chức năng cho vay tài chính, dịch vụ đòi nợ, kinh doanh cầm đồ để tạo vỏ bọc. Qua đó, đối phó lực lượng chức năng để tổ chức cho vay không thế chấp, kinh doanh tài chính với lãi suất “cắt cổ” (từ 100%-300%), thậm chí nhiều đối tượng thu lãi 700%/năm so với khoản tiền vay ban đầu nhằm thu lợi bất chính.

“Hành vi của các đối tượng cho vay nặng lãi đã vi phạm pháp luật. Đáng lo ngại hơn, tín dụng đen gắn liền với các băng nhóm, đối tượng có tiền án tiền sự, sử dụng vũ khí, hung khí nguy hiểm để thực hiện các hành vi phạm tội, xâm hại đến tính mạng, sức khỏe nhằm chiếm đoạt của người vay. Điều này gây lo lắng, bức xúc trong nhân dân và nguy cơ trở thành quốc nạn”, PGS.TS Đặng Ngọc Đức nhấn mạnh.

Cũng theo Phó Viện trưởng Ngân hàng - Tài chính, qua nghiên cứu khảo sát cho thấy, gần 70% đối tượng vay tín dụng đen dưới 25 tuổi, 29% người đi vay từ 25-34 tuổi. Những người vay tín dụng đen đa số có thu nhập rất thấp (54,6% người vay có thu nhập dưới 5 triệu đồng). Trong đó, nhiều người không đủ các điều kiện vay tín dụng ngân hàng, không còn lựa chọn, một số khác vay lãi với mục đích phi pháp. Điểm nóng về tín dụng đen như: Hà Nội, TPHCM, Hải Phòng, Quảng Ninh, Bắc Ninh, Tây Nguyên…

Khó xóa triệt để

Nói về vấn nạn tín dụng đen hiện nay, đại tá Phạm Văn Tám - Phó Cục trưởng Cảnh sát Hình sự (Bộ Công an) cho biết, vài năm gần đây tín dụng đen có chiều hướng diễn biến ngày càng phức tạp. Không chỉ người lao động nghèo mà ngay cả các doanh nghiệp, thậm chí người có chức vụ địa vị cũng tham gia. Trong 6 tháng đầu năm 2019, cả nước xảy ra hơn 1.100 vụ phạm pháp liên quan tín dụng đen, trong đó xử lý hình sự 390 vụ, bắt khởi tố hơn 1.000 đối tượng. Bên cạnh những hệ lụy về tài chính, tinh thần, nhiều người đi vay bị đánh đập, phá hủy tài sản, thậm chí nhiều án mạng đã xảy ra.

Các đối tượng trong đường dây cho vay nặng lãi “khủng” bị Công an Thanh Hóa triệt phá. Ảnh: Hoàng Lam.

Các đối tượng trong đường dây cho vay nặng lãi “khủng” bị Công an Thanh Hóa triệt phá. Ảnh: Hoàng Lam.

Theo đại tá Phạm Văn Tám, nhiều băng nhóm núp bóng các công ty để tổ chức cho vay lãi suất cao với quy mô hoạt động khắp cả nước. Đáng chú ý, vừa qua Công an tỉnh Thanh Hóa triệt phá đường dây tín dụng đen “khủng” núp bóng Công ty CP Thương mại và Dịch vụ vận tải Tín Nghĩa do Nguyễn Huy Quang (trú quận Lê Chân, TP Hải Phòng) cầm đầu. Băng nhóm này yêu cầu người vay viết giấy vay tiền hoặc ký hợp đồng thuê xe trá hình. Người vay phải chịu mức lãi suất từ 5.000-9.000 đồng/1 triệu/1ngày (tương đương 182-328%). Quá trình điều tra, cảnh sát xác định, công ty này có tới hơn 50 chi nhánh trên phạm vi toàn quốc.

“Nhiều băng nhóm, công ty cho vay tài chính khác còn rầm rộ chia sẻ trên các trang mạng xã hội như: facebook, zalo…, gửi tin nhắn qua điện thoại hoặc gọi điện thoại tư vấn lãi suất thấp, thủ tục nhanh, không cần thế chấp. Tuy nhiên khi người vay liên hệ thực tế, nhiều công ty đòi nợ thuê gọi điện khủng bố tinh thần người vay và người thân để gây áp lực, đòi nợ lãi suất cao gấp hàng trăm lần. Từ đây phát sinh nhiều loại hình tội phạm khác. Công an các đơn vị, địa phương đã vào cuộc mạnh mẽ, xử lý nhiều vụ việc nghiêm trọng tuy nhiên tín dụng đen ngày càng biến tướng tinh vi, phức tạp khiến lực lượng chức năng chỉ có thể hạn chế mà khó xóa triệt để”, đại tá Phạm Văn Tám nói.

Theo thống kê, toàn quốc hiện có hơn 23.400 cơ sở kinh doanh cầm đồ, 77 cơ sở kinh doanh dịch vụ đòi nợ. Sau ba năm thực hiện Nghị định 96, lực lượng chức năng phát hiện hơn 5.200 lượt cơ sở kinh doanh dịch vụ cầm đồ và 21 lượt cơ sở kinh doanh dịch vụ đòi nợ vi phạm. Công an các đơn vị, địa phương hiện quản lý, đấu tranh với 664 băng nhóm với hơn 5.100 đối tượng. Trong đó có 226 băng nhóm cho vay nặng lãi, 88 băng nhóm có biểu hiện côn đồ, đòi nợ thuê.

Cách nhận biết tín dụng đen núp bóng cho vay trực tuyến

Nhiều mô hình cho vay online, cho vay trực tuyến đang hoạt động tại Việt Nam nhưng các mô hình này chưa có quy định rõ ràng...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Nguyễn Hoàn ([Tên nguồn])
Kinh Doanh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN