Lại hoãn thu phí BOT Cai Lậy
Tỉnh Tiền Giang đề xuất giảm phí tiếp cho 31 xã quanh khu vực trạm.
Ngày 22-3, lãnh đạo Bộ GTVT cho biết trạm BOT Cai Lậy chưa thể thu phí trở lại như dự kiến (ngày 25-3).
Công tác chuẩn bị chưa hoàn thành
Theo Bộ GTVT, tỉnh Tiền Giang đề xuất giảm phí cho 31 xã (thay vì chỉ tám xã, phường như hiện tại) là để đảm bảo tính công bằng.
Trước đó, Bộ GTVT có buổi làm việc với tỉnh Tiền Giang (ngày 14-3), các bên liên quan đã thống nhất tổ chức thu tiền dịch vụ tại trạm Cai Lậy dự kiến từ ngày 25-3.
“Tuy nhiên, đến nay công tác trên chưa hoàn thành, do vậy thời gian thu phí như dự kiến chưa thể thực hiện. Bộ GTVT đang tích cực khẩn trương phối hợp với địa phương và các cơ quan liên quan rà soát để thống nhất phương tiện miễn, giảm nhằm sớm thu tiền dịch vụ trở lại. Thời gian chính thức sẽ thông báo đến người dân…” - Bộ GTVT khẳng định.
Bộ GTVT cũng cho biết trước đó đơn vị đã triển khai thực hiện khảo sát lưu lượng giao thông trong bốn ngày (liên tục 24/24 giờ) tại BOT Cai Lậy.
Kết quả, lưu lượng phương tiện trung bình qua trạm khoảng 26.214 lượt/ngày đêm. Trong đó, trên quốc lộ 1 khoảng 16.779 lượt/ngày đêm và trên tuyến tránh khoảng 9.435 lượt/ngày đêm.
BOT Cai Lậy sẽ không thu phí trở lại vào ngày 25-3 như dự kiến. Ảnh: H.Dương
Về tổng mức đầu tư dự án: Qua rà soát, tính toán lại, kết quả tổng chi phí đầu tư là 1.380,94 tỉ đồng. Trong đó, tuyến tránh 680,77 tỉ đồng; tăng cường mặt đường quốc lộ 1 là 379,73 tỉ đồng; xây trạm thu phí 100,64 tỉ đồng và giải phóng mặt bằng 219,80 tỉ đồng.
Bộ GTVT đã họp lấy ý kiến các bộ và địa phương để hoàn chỉnh phương án xử lý bất cập, báo cáo Thủ tướng. Theo đó, Bộ trình Thủ tướng năm phương án xử lý bất cập tại trạm. Trong đó, lựa chọn ưu tiên hai phương án. Một là giữ nguyên trạm thu phí, giảm giá cho các phương tiện, mở rộng phạm vi giảm giá tại khu vực lân cận trạm. Hai là xây dựng thêm một trạm trên tuyến tránh, thu phí cả hai trạm, phương tiện đi tuyến nào, doanh thu sẽ hoàn vốn tuyến đó.
Mở rộng vùng giảm phí
Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ GTVT nhiều lần làm việc trực tiếp với lãnh đạo tỉnh Tiền Giang để thống nhất phương án triển khai. Bộ GTVT và trực tiếp là Tổng cục Đường bộ Việt Nam chỉ đạo nhà đầu tư hoàn tất công tác sửa chữa, bảo trì công trình dự án.
Trên cơ sở thống nhất của địa phương và nhà đầu tư, Bộ GTVT có văn bản chấp thuận mở rộng vùng giảm giá dịch vụ cho các phương tiện lân cận trạm theo đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng (đến nay là tám xã, phường).
Phương án thu phí: Tổ chức thu tiền dịch vụ với công nghệ thu tự động không dừng và một dừng. Theo lộ trình, sẽ thu tự động không dừng cho tất cả làn.
Về tổ chức giao thông, sẽ phân luồng các phương tiện xe tải, xe khách không đi vào trung tâm thị xã Cai Lậy (trừ các xe có nhu cầu giao dịch trong trung tâm thị xã sẽ được Sở GTVT cấp phép).
“Giữ nguyên trạm có nhiều ưu điểm” Ngày 23-11-2018, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã chủ trì họp với địa phương và các bộ, ngành liên quan để quyết định phương án cụ thể. Ngày 20-12-2018, Thủ tướng Chính phủ có chỉ đạo Bộ GTVT triển khai theo phương án giữ nguyên trạm thu phí Cai Lậy như hiện nay. “Triển khai theo phương án này có nhiều ưu điểm hơn các phương án còn lại. Cụ thể, hạn chế tối đa ảnh hưởng đến các dự án tương tự có đầu tư tuyến tránh; đảm bảo mục tiêu đầu tư dự án, tránh ùn tắc, giảm thiểu tai nạn giao thông, giảm thiểu ô nhiễm môi trường…” - lãnh đạo Bộ GTVT khẳng định. |