Kinh tế Israel thiệt hại ra sao vì chiến sự

Ngành công nghệ, nông nghiệp, xây dựng, du lịch của Israel đều bị kéo tụt vì cuộc chiến được đánh giá kéo dài và tốn kém nhất lịch sử nước này.

Cuối tháng 9, khi xung đột tại Trung Đông kéo dài một năm và xếp hạng tín dụng của Israel tiếp tục bị hạ, Bộ trưởng Tài chính Bezalel Smotrich khẳng định nền kinh tế này đang chịu sức ép, nhưng vẫn đứng vững. "Kinh tế Israel đang gánh áp lực từ cuộc chiến dài nhất và tốn kém nhất lịch sử đất nước. Tuy nhiên, Israel là một nền kinh tế mạnh mẽ, thậm chí vẫn đang thu hút đầu tư", Smotrich nói hôm 28/9.

Chỉ một ngày trước đó (27/9), thủ lĩnh Hezbollah Hassan Nasrallah thiệt mạng trong cuộc không kích của Israel vào thủ đô Beirut (Lebanon), làm dấy lên lo ngại căng thẳng giữa hai bên biến thành một cuộc xung đột toàn diện tại Trung Đông.

Một năm sau cuộc tấn công bất ngờ của nhóm vũ trang Hamas vào Israel, quốc gia này đang cùng lúc triển khai chiến dịch trên bộ chống lực lượng Hezbollah ở Lebanon, không kích Dải Gaza và Beirut, đe dọa trả đũa cuộc tấn công bằng tên lửa đạn đạo của Iran đầu tuần này. Khi xung đột lan rộng ra khu vực, thiệt hại kinh tế cũng sẽ tăng lên, cả với Israel và các quốc gia khác ở Trung Đông.

"Nếu các sự kiện leo thang gần đây biến thành một cuộc chiến dài hơi và dữ dội hơn, hoạt động kinh tế và tăng trưởng ở Israel sẽ chịu tổn thất nặng nề", Karnit Flug - Cựu thống đốc Ngân hàng Trung ương Israel, cho biết trên CNN hôm 1/10.

Một con phố tại Jerusalem vắng vẻ vì ít khách du lịch sau khi chiến sự leo thang. Ảnh: Times of Israel

Một con phố tại Jerusalem vắng vẻ vì ít khách du lịch sau khi chiến sự leo thang. Ảnh: Times of Israel

Trong một báo cáo tháng trước, Liên hợp Quốc cho biết đến nay, xung đột đã làm tình hình ở Gaza tệ đi đáng kể, đẩy khu vực này vào một cuộc khủng hoảng kinh tế và nhân đạo. Bờ Tây đang "trải qua sự suy giảm kinh tế nhanh chóng và đáng báo động".

GDP Lebanon có thể giảm tới 5% trong năm nay, do các cuộc tấn công trả đũa giữa Hezbollah và Israel, theo BMI - công ty nghiên cứu thị trường thuộc hãng đánh giá tín nhiệm Fitch Solutions.

Kinh tế Israel có thể còn giảm mạnh hơn thế, nếu theo kịch bản tệ nhất của Viện Nghiên cứu An ninh Quốc gia thuộc Đại học Tel Aviv. Kể cả trong kịch bản nhẹ nhàng hơn, GDP nước này cũng giảm, do dân số đang tăng nhanh và mức sống đi xuống.

Năm ngoái, trước khi Hamas tấn công Israel, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo quốc gia Trung Đông tăng trưởng 3,4% năm nay. Hiện tại, tốc độ này chỉ còn 1-1,9%. IMF cũng hạ dự báo tăng trưởng của nước này năm tới.

Trong khi đó, Ngân hàng Trung ương Israel lại không còn dư địa giảm lãi suất, do lạm phát đang tăng tốc, lương nhân công tăng và chi tiêu chính phủ leo thang do chiến sự. Hồi tháng 5, cơ quan này ước tính chi phí phát sinh từ cuộc chiến sẽ lên tới 250 tỷ shekel (66 tỷ USD) cho đến hết năm sau. Trong đó gồm cả chi tiêu quân sự và dân sự, như chi phí nhà ở cho hàng nghìn người Israel buộc phải rời bỏ nhà cửa. Con số này tương đương 12% GDP.

Dù Smotrich tự tin kinh tế Israel sẽ phục hồi sau khi chiến tranh kết thúc, các nhà kinh tế lo ngại thiệt hại sẽ còn kéo dài. Flug dự báo chính phủ Israel có thể giảm đầu tư công để tăng nguồn lực cho quốc phòng. "Điều này sẽ giảm tiềm năng tăng trưởng trong tương lai", bà nói.

Thâm hụt ngân sách của Israel đã tăng gấp đôi so với trước chiến sự, lên tương đương 8% GDP. Chi phí đi vay của họ sẽ còn tăng mạnh, khi xếp hạng tín nhiệm của nước này bị cả Fitch, Moody's và S&P hạ bậc thời gian qua.

Thậm chí, xung đột gia tăng và kinh tế đi xuống có thể gây ra tình trạng chảy máu chất xám tại quốc gia Trung Đông. "Chỉ cần vài nghìn người là cũng đủ gây ra tác động lớn. Vì ngành công nghệ phụ thuộc vào số ít cá nhân sáng tạo và có tinh thần khởi nghiệp nhất", Flug cảnh báo. Công nghệ hiện đóng góp 20% GDP Israel.

Sự thiếu chắc chắn khiến gần đây, hầu hết hãng công nghệ mới nước này đăng ký thành lập ở nước ngoài, dù có ưu đãi thuế nếu đăng ký tại địa phương. Một lượng lớn cũng đang xem xét chuyển hoạt động ra ngoài Israel, Avi Hasson - CEO tổ chức phi lợi nhuận Startup Nation Central - cho biết.

Các ngành khác, có tầm quan trọng nhỏ hơn công nghệ, chịu ảnh hưởng nặng nề hơn. Nông nghiệp và xây dựng thiếu nhân lực, do người Palestine bị đình chỉ giấy phép lao động tại đây từ tháng 10 năm ngoái. Việc này đẩy giá rau lên cao và khiến hoạt động xây nhà giảm mạnh.

Lượng khách nước ngoài đến đây cũng lao dốc năm nay. Bộ Du lịch Israel ước tính chiến sự khiến ngành này thiệt hại 18,7 tỷ shekel (4,9 tỷ USD) đến nay.

Khách sạn boutique The Norman ở Tel Aviv đã phải sa thải nhân viên và giảm giá tới 25%. Một số cơ sở của khách sạn này, gồm một nhà hàng trên sân thượng chuyên bán đồ ăn Nhật, vẫn đóng cửa để tiết kiệm chi phí.

Quản lý của khách sạn Yaron Liberman thì cho biết mức độ lấp đầy phòng đã giảm từ trên 80% trước chiến sự xuống dưới 50% hiện tại. "Khi chiến sự kết thúc, tình hình kinh doanh ở đây sẽ sôi động trở lại", ông cho biết. Nhiều khách hàng đã viết email cho ông, nói rằng họ muốn đến đây, nhưng không thể đặt vé máy bay hay mua bảo hiểm du lịch.

"Nhưng hiện tại, yếu tố lớn nhất là sự không chắc chắn. Khi nào chiến tranh mới kết thúc?", Liberman nói.

Ngay cả trước khi căng thẳng leo thang với Israel gần đây, Iran đã đối mặt với tình trạng lạm phát cao, tỷ lệ thất nghiệp gia tăng và đồng tiền mất...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hà Thu (theo CNN, Reuters) ([Tên nguồn])
Căng thẳng Iran - Israel Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN