Kinh ngạc trước kế hoạch tiêu Tết chỉ hơn 3 triệu đồng của gia đình 4 người
Một bà mẹ 2 con đã chia sẻ kế hoạch chi tiêu Tết siêu tiết kiệm cho gia đình 4 người khiến nhiều người cảm thấy khó tin.
Gia đình 4 người tiêu Tết gói gọn trong 3,8 triệu đồng
Các khoản chi tiêu dịp Tết luôn là mối quan tâm hàng đầu của nhiều người, nhất là những người quản lý chi tiêu gia đình. Câu chuyện bao nhiêu tiền thì đủ tiêu Tết là nỗi đau đầu của nhiều người vợ, người mẹ vì mua sắm mãi không thấy đủ, cắt khoản này cũng không ổn, giảm khoản kia cũng không được.
Mới đây, một tài khoản trong hội nhóm về kiến thức, kinh nghiệm quản lý tài chính cá nhân đã chia sẻ bảng kế hoạch chi tiêu ngày Tết siêu tiết kiệm gói gọn trong 3,8 triệu đồng cho gia đình 4 người gồm 2 người lớn, 2 trẻ nhỏ khiến nhiều người phải "mắt tròn mắt dẹt".
Người này cho biết thu nhập cả 2 vợ chồng 1 tháng là 36 triệu, thưởng Tết 25 triệu. Cứ đến Tết, nhận lương và thưởng là 2 vợ chồng chị gửi tiết kiệm 40 triệu luôn, số tiền còn lại vẫn rủng rỉnh tiêu. Ngày Tết ông bà nội ngoại cho rất nhiều đồ ăn, cả tháng Giêng đến ngoài rằm mới phải mua thức ăn.
Theo bảng dự chi, số tiền chi tiêu cho dịp Tết năm nay của gia đình 4 người là 3,8 triệu. Trong đó bánh kẹo, hoa quả 500 ngàn, 1 mâm cỗ chay 250 ngàn, đồ thắp hương bàn thờ tết hoa quả bánh kẹo 400 ngàn. Biếu bố mẹ 2 bên 2 triệu đồng. Chị dự định dành 700 ngàn để lì xì, trong đó lì xì bố mẹ 2 bên mỗi người 100 ngàn, các cháu mỗi người 10 ngàn.
Bà mẹ 2 con cho biết không mất tiền mua sắm quần áo mới cho dịp Tết vì vẫn mặc quần áo như bình thường, “không có thói quen sống ảo”. Ngoài ra, vợ chồng chị sẽ về ăn Tết với ông bà nội nên được “bao ăn”.
Người này cũng cho biết thêm mỗi năm đều lên kế hoạch chi tiêu cho dịp Tết với ngân sách dưới 5 triệu và chưa năm nào chi vượt 5 triệu cả.
Bảng dự tính chi tiêu Tết khiến nhiều người cảm thấy không thể tin nổi. Ảnh chụp màn hình.
Bảng dự chi thu hút hàng ngàn lượt tương tác và bình luận. Tài khoản Minh Trung dành lời khen: “Bạn quản lý tài chính quá đỉnh luôn”.
Tuy nhiên cũng có nhiều ý kiến cho rằng so với mức thu nhập và thưởng Tết của 2 vợ chồng thì đây không phải là tiết kiệm mà là hà tiện: “Khổ thân ông bà nội ngoại, tết được biếu 1 triệu thì nuôi các con cháu đến rằm”, “Đỉnh nóc kịch trần của ki bo, kẹt xỉ”, “Mức thu nhập như này mà vợ chồng bạn chi như vậy thì eo hẹp quá”.
Ngoài việc bất bình vì gia đình để ông bà 2 bên bao ăn uống mà chỉ biếu 1 triệu, nhiều người còn bày tỏ lòng thương 2 đứa trẻ vì không được bố mẹ mua cho quần áo mới để mặc: “Người lớn có thể không quan trọng việc cứ đến Tết là phải có quần áo mới, nhưng trẻ con thì khác, chẳng đứa trẻ nào không vui khi Tết được mặc quần áo mới cả”...
Tiêu Tết bao nhiêu là đủ?
Trên thực tế, không có một con số cụ thể nào cho việc chi tiêu Tết, cũng không ai nói tiêu Tết bao nhiêu tiền là hợp lý mà tùy thuộc vào điều kiện kinh tế và nhu cầu của mỗi gia đình. Để có một cái Tết vui vẻ, đầm ấm, không áp lực, việc lên kế hoạch chi tiêu rất cần thiết, nhiều gia đình đã lên kế hoạch chi tiêu Tết cụ thể.
Trái ngược với kế hoạch chi tiêu Tết siêu tiết kiệm đến mức khó tin, chị Ngô Ngọc (TP.HCM) cho biết, gia đình sống ở trong Nam, cứ cách năm lại về nhà nội ở miền Bắc, năm sau về nhà ngoại ở miền Nam nên Tết năm nay phải tiêu tầm 60-70 triệu, đấy là đã tiết kiệm hết mức.
Theo lời chị Ngọc, chị mới chỉ mua vé máy bay 2 chiều nhà 4 người đã hết 29 triệu, chưa kể quần áo lạnh, biếu tặng, lì xì,... tổng cũng đã tầm 60-70 triệu. Để tiết kiệm, chị Ngọc chỉ mua quần áo cho con, còn ba mẹ mặc lại đồ từ năm trước. Lì xì cũng chỉ tầm 5 triệu.
Trong khi đó, do gia đình 2 bên gần nhau nên vợ chồng anh Phạm Khắc Ân và chị Nguyễn Thị An (Hải Phòng) tiết kiệm được kha khá chi phí đi lại, tiền chi tiêu cho dịp Tết Ất Tỵ năm nay khoảng 10 triệu.
Gia đình chị Nguyễn Thị An dự tính ngân sách chi tiêu dịp Tết năm nay khoảng 10 triệu đồng. Ảnh: NVCC.
Các khoản dự chi được chị An liệt kê như sau: Biếu ông bà nội ngoại mỗi bên 2 triệu, mua quà Tết 2 triệu, tiền lì xì 2 triệu, mua quần áo cho em bé 500 ngàn. Chị An chỉ dành khoảng 1,5 triệu để mua đồ ăn Tết vì gia đình chị ở cùng ông bà nội, đi ăn nội ngoại mỗi nhà 1-2 bữa là hết Tết.
“Gia đình tôi hạn chế mua đồ ăn tích trữ, chỉ tiêu đủ cho những khoản cần thiết thôi”, chị An nói.
Theo chuyên gia hoạch định tài chính cá nhân Trần Mạnh Hoàng Việt – Công ty cổ phần Tư vấn đầu tư và Quản lý tài sản FIDT, "đủ" là một khái niệm mang tính tương đối. Với mỗi người, định nghĩa về "đủ" sẽ khác nhau, phụ thuộc vào thu nhập, nhu cầu, và quan điểm cá nhân về việc chi tiêu. Có người coi Tết là dịp để thỏa mãn các nhu cầu, trong khi người khác lại đặt trọng tâm vào ý nghĩa đoàn viên và tiết kiệm.
“Quan trọng nhất là chúng ta cần đảm bảo chi tiêu phù hợp với điều kiện tài chính của bản thân và gia đình, để Tết không trở thành gánh nặng”, ông Việt nhấn mạnh.
Chuyên gia hoạch định tài chính cá nhân Trần Mạnh Hoàng Việt. Ảnh: NVCC.
Để việc chi tiêu dịp Tết vừa hợp lý, tiết kiệm mà vẫn thoải mái, chuyên gia Trần Mạnh Hoàng Việt chia sẻ một vài lời khuyên dựa trên kinh nghiệm cá nhân và phương pháp quản lý tài chính thông dụng và được khuyến nghị dùng nhiều nhất:
Trước hết, điều quan trọng nhất là chuẩn bị tài chính từ sớm. Tết là dịp đặc biệt, nhưng cũng là sự kiện lặp lại mỗi năm. Vì vậy, việc hoạch định ngân sách cho Tết không nên chờ đến sát ngày, mà cần được lên kế hoạch từ trước.
Trong công thức quản lý tài chính 50/30/20, phần 30% dành cho chi tiêu mong muốn có thể được phân bổ một cách thông minh để dành một phần cho Tết. Mỗi tháng nên trích một khoản nhỏ từ quỹ này và tích lũy dần. Chẳng hạn, nếu bạn dành ra 5-10% thu nhập mỗi tháng để chuẩn bị, thì khi Tết đến, bạn sẽ có nguồn ngân sách sẵn sàng mà không bị áp lực tài chính.
Tiếp theo, để chi tiêu Tết hợp lý và tiết kiệm, bạn cần ưu tiên lên danh sách chi tiết cho các khoản cần thiết. Hãy xác định rõ những gì thực sự quan trọng đối với gia đình bạn trong dịp Tết, như thực phẩm, quà biếu hay trang trí nhà cửa. Điều này giúp bạn tránh chi tiêu cho những thứ không cần thiết hoặc chỉ mang tính nhất thời.
Một bí quyết khác là nên mua sắm vào thời điểm thích hợp. Các mặt hàng phục vụ Tết thường tăng giá vào sát ngày lễ. Do đó, nếu có thể, hãy tranh thủ mua sắm sớm để tránh việc phải chi trả cao hơn cho cùng một sản phẩm. Với những món đồ không bị ảnh hưởng bởi thời gian như bánh kẹo, rượu, hoặc đồ trang trí, bạn có thể lên kế hoạch mua từ 1-2 tháng trước.
Ngoài ra, đừng quên tận dụng các chương trình khuyến mãi cuối năm của siêu thị, cửa hàng, hoặc các trang thương mại điện tử. Đây là cơ hội để bạn mua được các sản phẩm chất lượng với giá tốt hơn.
Cuối cùng, chuyên gia Trần Mạnh Hoàng Việt nhấn mạnh, Tết không chỉ là chuyện mua sắm hay chi tiêu, mà là dịp để chia sẻ và kết nối. Hãy cân nhắc tổ chức những hoạt động ý nghĩa nhưng không tốn nhiều chi phí, như tự làm bánh chưng, cùng gia đình chuẩn bị bữa cơm Tết, hoặc tận hưởng những giây phút bên nhau thay vì quá chú trọng vào vật chất. Việc chi tiêu Tết sẽ trở nên thoải mái khi bạn biết cách cân bằng giữa nhu cầu và khả năng tài chính của mình.
“Tôi đã lên kế hoạch tiết kiệm cho con từ lúc sinh con ra, mỗi tháng nhất quyết bỏ ra 5 triệu đồng cất đi để sau này con có chỗ dựa kinh tế, học hành...
Nguồn: [Link nguồn]