Kinh hoàng lãi suất tín dụng đen "cắt cổ" 365%/năm
Trên thực tế thì người vay phải trả lãi suất rất cao, có khi lên đến 365%/năm, nhiều trường hợp không có khả năng trả nợ do lãi mẹ đẻ lãi con...
Tại Hội nghị triển khai các giải pháp mở rộng tín dụng phục vụ sản xuất và tiêu dùng nhằm hạn chế tín dụng đen vừa diễn ra tại Gia Lai, Công an tỉnh Đăk Nông cho biết: Trên địa bàn tỉnh hiện nay có 186 cơ sở hoạt động kinh doanh dịch vụ cầm đồ (có 165 cơ sở có Giấy phép đang ký kinh doanh), trong đó có 38 cơ sở với 38 đối tượng có biểu hiện hoạt động liên quan đến tín dụng đen.Qua rà soát của Công an tỉnh, phát hiện trên địa bàn có bốn nhóm với 27 đối tượng có biểu hiện nghi vấn hoạt động tín dụng đen.
"Các đối tượng chủ yếu dùng tờ rơi tiếp thị với nhiều hình thức khuyến mãi hấp dẫn để thu hút người vay như: Vay không cần thế chấp, thủ tục đơn giản, nhận tiền ngay… trên thực tế thì người vay phải trả lãi suất rất cao (từ 282-365%/năm), nhiều trường hợp không có khả năng trả nợ do lãi mẹ đẻ lãi con.
Khi đó, bọn chúng sẽ có nhiều thủ đoạn đòi nợ hết sức manh động, gây sức ép đối với người đi vay và nhân thân của họ như: Đe dọa, khủng bố về tinh thần, sử dụng vũ lực (ở mức độ chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự), đổ chất thải, chất bẩn vào nơi ở, nơi sinh hoạt của người vay; tụ tập đông người tại nơi làm việc, kinh doanh, sản xuất của họ và người thân để gây sức ép, thuê người các đối tượng hình sự, thanh thiếu niên hư hỏng để đe dọa, gây sức ép…", ông Trần Xuân Hải, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đăk Nông, cho biết.
Ông Nguyễn Văn Yên - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng cho biết: Trên địa bàn tỉnh có 17 doanh nghiệp đòi nợ thuê và tỉnh đã xử lý thu hồi bảy giấy phép, hiện chỉ có 10 doanh nghiệp hoạt động. Từ năm 2018 UBND tỉnh đã có văn bản ngưng cấp phép cho các công ty đòi nợ thuê trên địa bàn để thực hiện rà soát lại, đến nay chưa cấp mới cho doanh nghiệp nào.
"Tín dụng đen liên quan đến vấn đề thủ tục, thời gian cho vay chứ người đi vay không để ý nhiều đến lãi suất. Vì thế, cần cải cách thủ tục vay vốn”, ông Yên nói
Còn theo chia sẻ của ông Nguyễn Văn Yên - Phó chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, các đối tượng tín dụng đen chủ yếu là đối tượng hình sự từ nơi khác (hầu hết từ các tỉnh phía Bắc) đến Lâm Đồng để câu kết, móc nối với các đối tượng hình sự trên địa bàn hình thành các băng nhóm hoạt động "tín dụng đen". Chúng thậm chí còn giả danh cảnh sát 113 đến từng bản làng để đòi nợ.
Trong khi đó, nạn nhân của chúng rất đa dạng, ở nhiều lứa tuổi, trình độ học vấn, tính chất công việc khác nhau; nhiều người xuất phát từ lòng tham đứng ra làm trung gian huy động, cho vay vốn với lãi suất cao, tự biến mình thành nạn nhân, và vừa là đối tượng...
Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng phát biểu tại hội nghị.
Phát biểu tại hội nghị, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) Lê Minh Hưng nêu ra năm giải pháp trọng tâm góp phần đẩy lùi tín dụng đen.
Đơn cử: Sửa đổi Thông tư 43/2016/TT-NHNN về cho vay tiêu dùng của các CTTC nhằm kiểm soát chặt chẽ hoạt động của các Công ty Tài chính (CTTC), tăng cường quản lý nhà nước về hoạt động của loại hình này thông qua quản lý về qui mô, điều kiện kinh doanh, phạm vi địa bàn hoạt động, khuôn khổ lãi suất… để ngăn chặn tình trạng và nguy cơ mất an toàn và tiếp tay cho tín dụng đen hoạt động; tăng cường vai trò trách nhiệm, quyền hạn của NHNN chi nhánh các tỉnh, thành phố.
Khuyến khích các TCTD mở rộng mạng lưới hoạt động ở những nơi chưa đáp ứng đủ nhu cầu tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng của người dân; phát triển các sản phẩm cho vay tín dụng tiêu dùng lành mạnh, đặc biệt sản phẩm tín dụng trong sinh hoạt đối với các vùng công nghiệp, khu vực đông dân.
Sửa đổi Thông tư 39/2016/TT-NHNN quy định về hoạt động cho vay của TCTD đối với khách hàng nhằm quy định tách bạch hoạt động cho vay phục vụ đời sống và cho vay tiêu dùng cá nhân của các NHTM, tạo điều kiện để các ngân hàng mở rộng cho vay tiêu dùng cá nhân. Nghiên cứu hoàn thiện quy định về cho vay cầm cố bằng sổ tiết kiệm…
Nghiên cứu để đưa ra thực hiện gói tín dụng tiêu dùng cho người nghèo và các đối tượng chính sách để đề xuất sửa đổi, nâng mức cho vay kéo dài thời gian cho vay phù hợp đáp ứng nhu cầu của người nghèo và các đối tượng chính sách...
Ngoài ra, ngành Ngân hàng sẽ cải cách thủ tục hành chính trong hoạt động tín dụng, ngân hàng, cải tiến quy trình, thủ tục cho vay; mở rộng mạng lưới hoạt động ở những địa bàn có mạng lưới hoạt động ngân hàng chưa tương xứng với nhu cầu tiếp cận tín dụng, dịch vụ ngân hàng của người dân, nhất là những địa bàn đang là điểm nóng về tín dụng đen.
Trong đó, NHNN khuyến khích NHTM phát triển mô hình ngân hàng lưu động ở những vùng khó khăn, tạo điều kiện cho các khách hàng thuận tiện hơn trong việc tiếp cận vốn và các dịch vụ ngân hàng khác.
Người đứng đầu ngành Ngân hàng còn cho biết tiếp tục xem xét gia hạn nợ, điều chỉnh kỳ hạn trả nợ khi người dân gặp khó khăn do các nguyên nhân chính đáng chưa thể trả được nợ đúng hạn, giúp người dân tăng khả năng tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng, không phải đi vay nặng lãi từ các đối tượng cho vay tín dụng đen.
“Ngành Ngân hàng sẵn sàng vào cuộc cùng với các cơ quan, bộ ngành, chính quyền địa phương nhằm ngăn chặn đẩy lùi nạn tín dụng đen. Tôi hy vọng rằng với những giải pháp mở rộng tín dụng của ngành ngân hàng và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị sẽ giúp người dân hiểu, nhận diện và dần bài trừ nạn tín dụng đen”, thống đốc Hưng nhấn mạnh.
Cho vay nhanh 100 triệu đồng Tại hội nghị, ông Phạm Toàn Vượng – Phó Tổng giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Agribank) cho biết: Ngân hàng đã triển khai Chương trình tín dụng tiêu dùng quy mô khoảng 5.000 tỷ đồng, món vay tiêu dùng tối đa 30 triệu đồng, thủ tục xét duyệt, giải ngân trong ngày. Ông Nguyễn Văn Lý – Phó Tổng giám đốc Ngân hàng Chính sách Xã hội cho biết, ngân hàng đã nâng mức cho vay tối đa từ 50 triệu đồng/hộ lên 100 triệu đồng/hộ vay không phải đảm bảo tiền vay đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, cho vay phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi và kéo dài thời hạn cho vay từ 60 tháng lên tối đa 120 tháng đối với hộ nghèo… |