Kinh doanh vận tải tuyến cố định mùa Covid-19: Nhà xe càng chạy càng lỗ

Trước ảnh hưởng của dịch Covid-19, các nhà xe kinh doanh vận tải tuyến cố định cho biết càng chạy càng lỗ. Nhiều nhà xe đã buộc phải cắt giảm số chuyến, thậm chí tạm nghỉ chạy để chờ qua giai đoạn khó khăn.

Càng chạy càng lỗ

Anh Nguyễn Ngọc Hà, giám đốc công ty cổ phần vận tải Hà Trường Kỳ cho biết đơn vị đang có 12 đầu xe chạy 3 tuyến là Ý Yên – Hà Nội; Ý Yên – Phú Thọ và Ý Yên – Quảng Ninh. Trước khi bị ảnh hưởng của dịch Covid-19, tình hình kinh doanh của doanh nghiệp duy trì ở mức ổn định, đảm bảo thu nhập cho cán bộ công nhân viên của công ty và nộp các khoản thuế, phí vào ngân sách Nhà nước.

Khung cảnh vắng lặng tại bến xe Yên Nghĩa trong ngày cuối tuần (21/3)

Khung cảnh vắng lặng tại bến xe Yên Nghĩa trong ngày cuối tuần (21/3)

Những diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 nên học sinh, sinh viên các trường Cao đẳng, Đại học đã được nghỉ trong suốt thời gian qua. Nhiều lao động thất nghiệp đã về quê tránh dịch nên ảnh hưởng rất nặng nề đến hoạt động của doanh nghiệp. Những ngày này, khung cảnh tại các bến xe khách đều vắng hoe.

Trước lượng khách sụt giảm liên tục thời gian qua, dù doanh nghiệp có 12 đầu xe, nhưng hiện tại chỉ còn 5 xe hoạt động thường xuyên. Anh Hà cũng thừa nhận không biết sẽ tiếp cầm cự được trong bao lâu bởi chi phí cho mỗi đầu xe một ngày hết 3,2 triệu đồng, nhưng tổng thu chỉ được khoảng 1,2 đến 1,5 triệu đồng, tiền lỗ ngày càng lớn bởi xe càng chạy càng lỗ.  

Anh cho biết không chỉ doanh nghiệp mình mà tình hình kinh doanh vận tải của các doanh nghiệp khác cũng đang rất khó khăn bởi lượng khách đi lại trên các tuyến giảm rất nhiều.

Anh Dũng thừa nhận kinh doanh vận tải tuyến cố định đang rất khó khăn

Anh Dũng thừa nhận kinh doanh vận tải tuyến cố định đang rất khó khăn

Không có khách, chạy xe là lỗ cũng là câu chuyện được anh Đoàn Văn Hữu, chủ nhà xe Thanh Phong chạy tuyến Trực Phú – Hà Nội chia sẻ. Anh cho biết, xe mình chạy 2 chuyến đi, 2 chuyến về 1 ngày. Kể từ khi dịch Covid-19 có những diễn biến phức tạp thì tình hình kinh doanh trở nên khó khăn hơn. Trong buổi sáng ngày 21/3, xe lên Hà Nội được 4 người và về được 2 người, chi phí thu được từ khách không đủ tiền dầu và lệnh bến.

Anh cũng chia sẻ, do kinh doanh thua lỗ nên đã rất nhiều nhà xe trên tuyến đã nghỉ chạy trong thời gian qua. Nhà xe tiếp tục duy trì hoạt động dù thua lỗ là nhằm phục vụ người dân đi về tuyến huyện. Bên cạnh đó, việc duy trì hoạt động cũng nhằm giữ chân khách quen mà nhà xe đã nỗ lực gây dựng trong nhiều năm qua.

Tương tự, anh Tạ Văn Dũng – nhà xe Anh Dũng chạy tuyến Mai Châu – Hà Nội cho biết tình hình kinh doanh vận tải tuyến cố định của các nhà xe trên tuyến này trong mùa dịch là khó khăn vô cùng bởi không có khách.

 Nhiều nhà xe phải nghỉ luân phiên để cầm cự trong mùa dịch

 Nhiều nhà xe phải nghỉ luân phiên để cầm cự trong mùa dịch

Anh chia sẻ, kể từ khi Hà Nội công bố ca nhiễm Covid-19 đầu tiên thì lượng khách sụt giảm hẳn. Thậm chí anh đã phải nghỉ chạy xe tới 8 ngày trong tháng 3 này. Để cắt giảm những chi phí, anh cũng đã tạm thời cắt giảm phụ xe và một mình làm hết mọi việc nhưng thu nhập cũng không là bao. Trong 3 chuyến gần nhất sau khi trừ tiền dầu và lệnh xuất bến, anh chỉ còn 130.000đ cho tiền công một ngày làm việc và tiền khấu hao xe.

Anh Tùng lái xe tuyến Phù Yên (Sơn La) – Yên Nghĩa cũng cho biết trong 5 năm chạy xe tuyến cố định của mình thì đây là giai đoạn kinh doanh khó khăn nhất.

Lượng khách đi xe thời gian này không có, xe thường xuyên xuất bến mà không có một vị khách nào. Anh chia sẻ, chi phí mỗi chuyến cho chiếc xe 16 chỗ của mình hết 1 triệu đồng, tuy nhiên liên tục nhiều chuyến gần đây số tiền thu được từ khách và gửi hàng chỉ tầm 500.000đ-600.000đ, do đó anh thường xuyên phải bù lỗ. Trong tuần vừa qua, anh đã nghỉ liên tục 4 ngày mới hoạt động trở lại nhưng cũng không có khách.

Anh Tùng cho biết dù sắp đến giờ xuất bến nhưng vẫn chưa có khách nào

Anh Tùng cho biết dù sắp đến giờ xuất bến nhưng vẫn chưa có khách nào

Các nhà xe đồng loạt kêu cứu

Trước những khó khăn trong hoạt động kinh doanh vận tải hành khách tuyến cố định. Các nhà xe đều hy vọng sẽ nhận được những chính sách hỗ trợ của Nhà nước để có thể vượt qua giai đoạn khó khăn này.

Anh Hà cho biết rất mong ban quản lý các bến xe có thể giảm chi phí về lệnh xuất bến của mỗi chuyến xe để cùng chia sẻ những khó khăn với doanh nghiệp.

Là đơn vị có nhiều đầu xe đang tạm dừng hoạt động, nên anh cũng mong nhận được những gói chính sách hỗ trợ về tài chính, hy vọng các ngân hàng giãn nợ, giữ nguyên nhóm nợ và tiếp tục nhận được những khoản vay ưu đãi với lãi xuất thấp để duy trì hoạt động.

Các nhà xe mong sớm nhận được những chính sách hỗ trợ để vượt qua giai đoạn khó khăn trong mùa dịch

Các nhà xe mong sớm nhận được những chính sách hỗ trợ để vượt qua giai đoạn khó khăn trong mùa dịch

Trong khi đó, anh Tùng, anh Dũng,… hy vọng trong giai đoạn khó khăn bởi dịch bệnh này ban quản lý các bến xe, nhà nước có những chính sách ưu đãi về thuế khoán cho các nhà xe.

Với ban quản lý bến xe, có thể miễn tiền lệnh xuất bến với những ngày mà xe không chạy. Các nhà xe sẽ chỉ phải đóng số tiền này theo số chuyến chạy thực tế bởi việc truy thu khoản tiền này với những ngày nghỉ như hiện nay khiến các nhà xe tiếp tục gặp thêm khó khăn, liên tục phải bù lỗ trong một thời gian dài vừa qua.

Những khó khăn trong hoạt động kinh doanh vận tải hành khách càng trở nên khó khăn bởi các nhà xe cũng chưa biết đến khi nào lượng khách đi xe mới ổn định trở lại. Hiện tại, diễn biến của dịch Covid-19 đang ngày càng có những diễn biến phức tạp, nhiều hoạt động kinh doanh, vui chơi giải trí đã phải tạm thời phải đóng cửa để phòng chống dịch bệnh.

Tình hình khó khăn, thêm một đại gia lớn ”trượt” khỏi bảng xếp hạng tỷ phú USD

Phiên giao dịch 24/3 khép lại với diễn biến trái chiều của các chỉ số. 

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Trung Kiên ([Tên nguồn])
Kinh Doanh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN