Kinh doanh online nở rộ, mặt tiền cho thuê ngày càng thu hẹp

Tại TPHCM, hàng loạt mặt bằng ở khu vực trung tâm ế khách thuê trong thời gian dài với chi chít biển cho thuê kèm số điện thoại, mặc dù mùa mua sắm lớn nhất trong năm đang đến gần. Ngoài ra, một số khu vực đông đúc, kinh doanh sầm uất tại các quận cũng có không ít mặt bằng bỏ trống, treo biển cho thuê hoặc sang nhượng.

Giảm giá nhưng không ai thuê

Dù chủ nhà đã chấp nhận giảm giá mạnh kèm ưu đãi, nhưng nhiều mặt bằng kinh doanh ở khu vực trung tâm TPHCM vẫn vắng khách thuê. Dọc các tuyến đường như Trần Hưng Đạo, Lý Tự Trọng, Nguyễn Thái Học, Nguyễn Trãi..., không khó bắt gặp cảnh mặt bằng treo biển cho thuê, đóng cửa.

Trên đường Nguyễn Trãi (từ Q1 đến Q5), từ đầu năm 2023 đến nay, rất nhiều nhà mặt tiền gắn biển cho thuê nhưng tình trạng ế ẩm chưa có dấu hiện cải thiện. Anh T. (chủ một cửa hàng quần áo thời trang) cho biết, giá thuê mặt bằng trên đường này trung bình từ 30 - 80 triệu đồng/tháng, nhưng do vắng khách nên nhiều người phải trả mặt bằng vì không kham nổi. Còn tại những đường Lê Lợi, Lý Tự Trọng, Hàm Nghi... (Q1) thì giá thuê cao hơn nhiều, khoảng 100 triệu đồng/mặt bằng/tháng trở lên. Thậm chí nhiều căn giá vài trăm triệu đồng, tùy thuộc diện tích, vị trí. Với mức giá này, nếu kinh doanh vắng khách thì chỉ trong vòng vài tháng chủ cửa hàng phải tìm phương án khác. Chủ một căn nhà mặt tiền trên đường Lý Tự Trọng (Q1) cho biết, giá thuê hiện nay đã "hạ nhiệt" rất nhiều so với thời điểm trước dịch Covid-19.

Ngay sát khu vực trung tâm TPHCM, số mặt bằng kinh doanh bỏ trống cũng ngày càng nhiều. Trên đường Nguyễn Tất Thành (Q4), đoạn đường khoảng 300m nhưng có đến 10 mặt bằng bỏ trống. Hầu hết những mặt bằng này có giá thuê dao động từ 130 - 250 triệu đồng/tháng. Theo phía môi giới, giá thuê đã giảm khoảng 20% so với năm 2022, chủ còn miễn phí tiền thuê trong 1 - 2 tháng đầu để khách sửa chữa mặt bằng.

Đường Nguyễn Thị Thập (Q7) là nơi mua bán đông đúc với các thương hiệu nổi tiếng cũng rơi vào tình cảnh tương tự. Chị A. (chủ cửa hàng đồ gỗ) than thở: "Tôi thuê mặt bằng ở đây hơn 5 năm, với giá trung bình 40 triệu đồng/tháng. Lúc đầu buôn bán cũng đắt khách. Nhưng từ dịch Covid-19 đến giờ, có ngày chỉ vài người đến xem hàng. Gồng gánh tiền thuê cửa hàng, nhân viên, điện nước... hết nổi, tôi quyết định trả lại mặt bằng vào tháng 10/2023".

Kinh doanh online nở rộ, mặt tiền cho thuê ngày càng thu hẹp - 1

Không ít mặt bằng có dấu hiệu xuống cấp vì lâu ngày không sử dụng

Không ít mặt bằng có dấu hiệu xuống cấp vì lâu ngày không sử dụng

Ngoài ra, trên đường Cách Mạng Tháng Tám (Q3 và Q.Tân Bình), đường Ba Tháng Hai (Q10 và Q11) hoặc nhiều đường lớn ở vùng ven như các quận Gò Vấp, Bình Tân... cũng có rất nhiều mặt bằng đang tìm khách thuê. Một đoạn đường ngắn tại P13, Q.Bình Thạnh mà có tới 10 mặt bằng đang treo biển cho thuê. Được biết, một số đường tại 2 quận Gò Vấp và Bình Thạnh được coi là khu vực kinh doanh rất ổn định của TPHCM nhờ dân cư đông đúc và sự đa dạng từ quán ăn, nhà hàng cho đến những sản phẩm, dịch vụ, nhưng cũng không tránh khỏi tình trạng trên. Hàng loạt cửa hàng với giá thuê từ 20 - 60 triệu đồng/tháng tại đường Phan Văn Trị, Q.Gò Vấp đang bỏ trống. Theo quan sát của chúng tôi, nhà hàng, tiệm cà phê, cửa hàng thời trang, chi nhánh ngân hàng, thẩm mỹ viện... chiếm đa số trong "làn sóng" trả mặt bằng năm nay.

Nguyên nhân do đâu?

Lý giải xu hướng nhu cầu thuê mặt bằng kinh doanh suy giảm, một số chủ cửa hàng cho rằng do cuộc sống đang khó khăn nên người dân có xu hướng "thắt lưng buộc bụng", kiểm soát chi tiêu gắt gao hơn. Không chỉ giảm mua sắm những mặt hàng thời trang mà ngay cả ăn uống bên ngoài họ cũng cắt giảm. Điều này đồng nghĩa với việc doanh nghiệp kinh doanh phải tính toán lại mọi khoản chi phí để duy trì hoạt động.

Cạnh đó, phần đông người tiêu dùng đang có xu hướng chuyển sang mua sắm online, nhất là qua các sàn thương mại điện tử. Các mặt hàng bán online đa dạng, người mua có thể lựa chọn, so sánh giá cả, mẫu mã chỉ bằng vài cú "click chuột". Nhiều sàn thương mại điện tử còn liên tục trợ giá, tung ra các chương trình khuyến mãi đặc biệt, cung cấp cho khách hàng ưu đãi giảm giá vô cùng hấp dẫn... Và trên hết là mua hàng online giá rất rẻ.

Chính "làn sóng" kinh doanh online đã góp phần khiến nhu cầu thuê mặt bằng ở những vị trí đẹp giảm dần đi. Người kinh doanh đưa ra quyết định khôn ngoan hơn, chọn những mặt bằng rẻ hơn, kết hợp kinh doanh online để tồn tại trong "thời đại số". Hiện nay, rất nhiều người kinh doanh và doanh nghiệp đang chuyển sang bán hàng trên các nền tảng mạng xã hội, sàn thương mại điện tử. Ở đây, người bán có thể tiếp cận khách hàng rộng khắp cả trong và ngoài nước, đồng thời tiết giảm khoản lớn chi phí thuê mặt bằng.

Mặt bằng treo biển cho thuê trên đường Nguyễn Thị Thập (Q7)

Mặt bằng treo biển cho thuê trên đường Nguyễn Thị Thập (Q7)

Số liệu từ Tổng cục Thống kê cho thấy ngay trong thời điểm đại dịch Covid-19 nhưng kinh doanh online của nước ta vẫn đạt con số tăng trưởng đáng ngưỡng mộ, lên đến 30% mỗi năm (giai đoạn 2016 - 2020). Thị trường này cũng đón chào thêm 40% khách hàng mới lần đầu mua sắm trực tuyến và doanh thu vượt 15 tỷ USD trong năm 2021. Năm 2022, số lượng người Việt Nam mua hàng trực tuyến lên đến hơn 51 triệu, tăng 13,5% so với năm trước. Ngoài ra, các kênh bán hàng online trên sàn thương mại điện tử Shopee, Lazada, TikTok Shop..., với hình thức bán hàng nổi bật như livestream và tiếp thị liên kết (affiliate marketing) mang đến hệ sinh thái toàn diện. Điều này giúp nhiều thương hiệu, doanh nghiệp vừa và nhỏ kết nối với các nhà sáng tạo nội dung để tìm ra hướng đi phù hợp, cải thiện kết quả kinh doanh, tạo cơ hội tăng trưởng. Cộng đồng nhà bán hàng và nhà sáng tạo nội dung có sự mở rộng về quy mô, đang định hình xu hướng phát triển mới với mức tăng trưởng lần lượt là 210% và 330%.

Đáng chú ý, từ đầu năm 2023 đến nay, trong bối cảnh tình hình kinh tế khó khăn, nhưng số nhà bán hàng trên thị trường online đã tăng gấp đôi và được dự báo tiếp tục tăng trong thời gian tới. Những con số này chứng tỏ việc kinh doanh online là mảnh đất màu mỡ để các doanh nghiệp vừa và nhỏ sinh lợi, phát triển. Cộng hưởng với điều đó, nhiều siêu thị, trung tâm thương mại lớn liên tục ra đời cũng dẫn đến hiện tượng mặt bằng bị trả lại càng nhiều.

Nhiều mặt bằng kinh doanh trên đường Nguyễn Tất Thành (Q4) đang bỏ trống

Nhiều mặt bằng kinh doanh trên đường Nguyễn Tất Thành (Q4) đang bỏ trống

Tuy nhiên, khi mua sắm online ngày càng bùng nổ sẽ phát sinh những hệ lụy đáng lo ngại, như: tràn lan hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, dễ xảy ra thất thu ngân sách nhà nước khi người kinh doanh cố ý trốn thuế... Thực tế này đang đặt ra những thách thức không nhỏ cho các cơ quan quản lý nhà nước. Nếu chế tài không mạnh đối với những hành vi vi phạm thì không chỉ gây bất công bằng cho các nhóm kinh doanh mà còn làm triệt tiêu nhiều cá nhân, doanh nghiệp làm ăn chân chính.

Theo dự báo của các chuyên gia, cần một khoảng thời gian để tái cân bằng bộ mặt trung tâm TPHCM. Thiết nghĩ việc "tháo chạy", trả lại mặt bằng hàng loạt ở các vị trí mặt tiền kinh doanh từng "hốt bạc" một thời đang gióng hồi chuông cảnh báo: cần sớm có chính sách tháo gỡ khó khăn, ưu đãi nhiều hơn cho các doanh nghiệp quy mô vừa và nhỏ, nhất là giai đoạn khó khăn hiện nay.

Có nên đầu tư chung cư lúc này?

Chung cư liên tục tăng giá bất chấp thị trường bất động sản khó khăn. Theo các chuyên gia, nhà đầu tư nên cân nhắc bởi khi thị trường ổn định, cho thuê tốt, giá bán tăng...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo HỒNG CHÂU ([Tên nguồn])
Thị trường bất động sản Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN