Kinh doanh nhượng quyền: Thừa cơ hội, ít thành công

Sự kiện: Kinh tế toàn cảnh

Kinh doanh nhượng quyền đang nở rộ trở lại, có thương hiệu đồ uống từ Trung Quốc đã mở tới hơn 1.000 cửa hàng nhượng quyền tại Việt Nam. Có doanh nghiệp thành công, song cũng có trường hợp khuyên “người mới” không nên nghe theo quảng cáo.

Thương hiệu trà sữa từ Trung Quốc cán mốc 1.000 cửa hàng tại Việt Nam. Ảnh: V.Linh

Thương hiệu trà sữa từ Trung Quốc cán mốc 1.000 cửa hàng tại Việt Nam. Ảnh: V.Linh

Trà sữa, mỳ cay, trà chanh… từng tạo cơn sốt với nhan nhản những cửa hàng nhượng quyền len lỏi khắp Hà Nội. Trước khi COVID-19 xuất hiện, nhiều con phố Thủ đô có tới 2-4 cửa hàng trà chanh san sát nhau, với các chuỗi cửa hàng nhượng quyền: Bụi phố, Chill, Tmore, Layla… Những thương hiệu này có hàng trăm cửa hàng khắp cả nước. Bẵng đi một thời gian, các chuỗi trà chanh lụi tàn, ghế vỉa hè một lần nữa “đổi chủ” với trào lưu Mixue (hãng kem - trà sữa đến từ Trung Quốc).

Ở Hà Nội cho thấy, các cửa hàng Mixue đã len lỏi vào từng khu dân cư, trường học, văn phòng, trung tâm thương mại... Với thế mạnh sản phẩm bình dân, giá rẻ, người người, nhà nhà thi nhau mua thương hiệu Mixue, với giá 800 triệu - 1 tỷ đồng/điểm bán. Đến đầu tháng 4/2023, thương hiệu này cán mốc 1.000 cửa hàng trên cả nước, con số tăng chóng mặt trong thời gian ngắn.

Anh Nguyễn Bình (Hà Nội) từng kinh doanh trà chanh nhượng quyền cách đây 5 năm, và chỉ sau chưa đầy 1 năm đã sang nhượng quán, vì càng làm, càng lỗ, các cửa hàng xung quanh mọc lên như nấm. Năm 2022, anh Bình tìm hiểu để mua Mixue nhưng cuối cùng anh quyết định không đầu tư, do e ngại số vốn bỏ ra lên đến cả tỷ đồng khó thu hồi khi cạnh tranh ở Hà Nội quá lớn.

Chị Hà Linh, người từng kinh doanh cửa hàng Mixue tại Hà Nội và đã sang nhượng quán sau khoảng 1 năm vận hành. Giá nhượng là hơn 1,05 tỷ đồng đã tìm được chủ mới tiếp quản. Cũng như chị Linh, gần đây, một số chủ cửa hàng Mixue đã thông báo qua mạng xã hội để sang nhượng quán.

Không chỉ những “tay ngang” gặp khó, thất bại với kinh doanh nhượng quyền, ngay cả những những người giàu kinh nghiệm cũng từng “nếm” trái đắng. Bà Đoàn Thị Anh Thư, Giám đốc Công ty Cổ phần Thương mại & dịch vụ Vua Cua cho biết, từng thất bại với 2 chi nhánh nhượng quyền tại Nha Trang, TPHCM do chọn sai đối tác, chưa hoàn chỉnh quy trình vận hành chuỗi.

Bài học lớn

Nói về bức tranh nhượng quyền tại Việt Nam, bà Thư thẳng thắn chỉ ra, một số thương hiệu Việt Nam đang làm nhượng quyền theo kiểu chụp giật, chủ yếu thu tiền ban đầu rồi mặc kệ người mua sống chết ra sao. “Tệ hơn, có thương hiệu chưa hề đăng ký sở hữu trí tuệ, các điểm bán hiện tại đang thua lỗ nhưng đã nghĩ đến việc nhượng quyền để kiếm tiền”, bà Thư nhấn mạnh.

Ông Hoàng Tùng, chủ thương hiệu PizzaHome, chuyên gia trong lĩnh vực F&B (dịch vụ ăn uống) cho biết, thời gian gần đây, ông nhận được nhiều câu hỏi “mua nhượng quyền liệu có ổn không?”. Với trường hợp đang “gây bão” của Mixue, ông Tùng phân tích, thương hiệu này có lượng khách hàng tốt cho ngắn hạn. Mô hình đã chứng minh được thành công. Tuy nhiên, trong nhượng quyền, còn có rủi ro ít người để ý là “sức khỏe” của công ty mẹ. “Đôi khi bên bán nhượng quyền không phải công ty mạnh nên hỗ trợ rất ít..”, ông Tùng nói. Với người muốn kinh doanh nhượng quyền, cần tìm hiểu kỹ, không chạy theo quảng cáo, cam kết thu hồi vốn trong vài tháng, thậm chí 10 ngày.

Tổng Giám đốc bảo hiểm MVI Life xin lỗi diễn viên Ngọc Lan

Ngày 20/4, diễn viên Ngọc Lan có buổi làm việc với Công ty MVI Life Việt Nam, thay đổi một số điều khoản và tiếp tục duy trì hợp đồng bảo hiểm này. Tổng Giám đốc Công...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Thuỳ Dương ([Tên nguồn])
Kinh tế toàn cảnh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN