Ngành thuế muốn cấm mua bán vàng bằng tiền mặt

Sự kiện: Giá vàng

Cơ quan thuế kiến nghị Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu quy định bắt buộc thanh toán không dùng tiền mặt với các giao dịch mua bán vàng.

Việt Nam là một trong những quốc gia dẫn đầu khu vực Đông Nam Á về nhu cầu tiêu thụ vàng, như năm 2023 khoảng 55,5 tấn, theo báo cáo của Hội đồng Vàng Thế giới. Nhưng các giao dịch mua bán vàng, bạc thường nhỏ lẻ, không đủ hóa đơn, chứng từ, thiếu tính minh bạch, chênh lệch giá trong nước và thế giới cao...

Chia sẻ với VnExpress, đại diện Tổng cục Thuế cho biết thời gian qua, ngành này có nhiều giải pháp để kiểm soát việc xuất hóa đơn điện tử với các giao dịch mua, bán vàng. Tuy nhiên, để kiểm soát được toàn bộ các giao dịch, ngành thuế cho rằng cần sự vào cuộc của các bộ ngành, địa phương.

Khách mua vàng miếng, vàng nhẫn ở cửa hàng SJC trên đường Nguyễn Thị Minh Khai, quận 3. Ảnh: Thanh Tùng

Khách mua vàng miếng, vàng nhẫn ở cửa hàng SJC trên đường Nguyễn Thị Minh Khai, quận 3. Ảnh: Thanh Tùng

Cơ quan này kiến nghị Ngân hàng Nhà nước phối hợp trong kiểm soát dòng tiền, nghiên cứu quy định bắt buộc thanh toán không dùng tiền mặt với các giao dịch mua bán vàng. Cùng đó, các địa phương được đề nghị tăng thanh, kiểm tra giám sát, xử lý vi phạm với các cơ sở không xuất hóa đơn kịp thời cho người mua.

Trước đó, chỉ thị ngày 2/5, Thủ tướng Phạm Minh Chính một lần nữa yêu cầu Ngân hàng Nhà nước thanh tra ngay với thị trường vàng, hoạt động của các doanh nghiệp, cửa hàng, đại lý phân phối và mua bán vàng miếng. Ông yêu cầu các giao dịch mua, bán kim loại quý này phải có hóa đơn điện tử để tăng minh bạch. Các doanh nghiệp không thực hiện, chế tài mạnh nhất là thu hồi giấy phép hoạt động.

Các yêu cầu này được Chính phủ đưa ra nhiều lần trong thời gian gần đây, khi giá vàng liên tục biến động, chênh cao với giá thế giới.

Đại diện cơ quan thuế cho biết, doanh nghiệp kinh doanh vàng, bạc chủ yếu trong hai lĩnh vực, vàng miếng và trang sức, mỹ nghệ. Trong đó, doanh nghiệp kinh doanh vàng miếng phải đáp ứng quy mô về nguồn vốn, mạng lưới chi nhánh, được Ngân hàng Nhà nước cấp phép.

Còn doanh nghiệp mua bán vàng trang sức, mỹ nghệ cần đăng ký kinh doanh theo giấy phép thành lập doanh nghiệp và đáp ứng một số quy định về địa điểm, cơ sở vật chất, trang thiết bị.

"Cơ quan quản lý thuế cơ bản đã kiểm soát được việc xuất hóa đơn", đại diện cơ quan này cho biết. Tuy nhiên, theo đại diện thuế, trường hợp với vàng trang sức, mỹ nghệ, người mua là cá nhân và không lấy hóa đơn, dẫn đến khó khăn cho ngành thuế trong kiểm soát giao dịch.

Do đó, Tổng cục thuế khuyến khích người tiêu dùng lấy hóa đơn khi mua hàng hóa, dịch vụ, qua đó tạo thói quen tiêu dùng văn minh, góp phần bảo vệ quyền lợi khi mua hàng.

Thực tế, các doanh nghiệp và hộ kinh doanh phải thực hiện hóa đơn điện tử từ ngày 1/7/2022, theo Luật Quản lý thuế. Thông tin từ đại diện Tổng cục Thuế cho biết, hiện 100% doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh vàng, bạc đã sử dụng hóa đơn này.

Từ cuối 2022, ngành thuế triển khai giải pháp hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền. Hiện, cả nước có hơn 5.800 cơ sở kinh doanh vàng, bạc áp dụng, sử dụng trên 1 triệu hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền.

Nguồn: [Link nguồn]

Mỗi lượng vàng miếng SJC trưa nay tăng nhanh 700.000 đồng lên mức cao nhất từ trước đến nay 85,8 triệu đồng.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Phương Dung ([Tên nguồn])
Giá vàng Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN