Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp

Sự kiện: Kinh tế toàn cảnh

Kiểm toán Nhà nước (KTNN) chỉ ra những thiếu sót, bất cập, đồng thời đưa ra khuyến nghị giúp các tập đoàn, tổng công ty nhà nước hoàn thiện, nâng cao hiệu quả quản lý tài chính công, tài sản công. Đáng chú ý, KTNN cũng cảnh báo một số doanh nghiệp có dấu hiệu mất an toàn về tài chính.

Kiến nghị tăng thu ngân sách hơn 1.400 tỷ đồng

Kiểm toán Nhà nước vừa công bố “bức tranh” tổng thể trong hoạt động kiểm toán năm 2022 về báo cáo tài chính năm 2021 và các hoạt động liên quan đến quản lý, sử dụng vốn nhà nước của 219 đơn vị thuộc 20 tập đoàn (TĐ), tổng công ty (TCT) và công ty.

Theo cơ quan kiểm toán, trong giai đoạn này, có đến 19/20 TĐ, TCT, công ty sản xuất kinh doanh có lãi. “Điểm sáng” trong đó phải kể tới lợi nhuận sau thuế năm 2021 của TĐ Điện lực (EVN) là 15.647,10 tỷ đồng; Bưu chính Viễn thông (VNPT) 5.064,18 tỷ đồng; Than - Khoáng sản (TKV) 4.719,28 tỷ đồng…

Tuy nhiên, khi đi vào chi tiết, kết quả kiểm toán chỉ rõ, việc quản lý sử dụng vốn, tài sản của các doanh nghiệp (DN) còn nhiều hạn chế, bất cập. Đáng chú ý, phần lớn các đơn vị còn sai sót trong việc hạch toán kế toán, kê khai nghĩa vụ với ngân sách nhà nước (NSNN).

Theo kết quả kiểm toán, EVN phải trích lập dự phòng 367 tỷ đồng.

Theo kết quả kiểm toán, EVN phải trích lập dự phòng 367 tỷ đồng.

Qua kiểm toán, các đơn vị phải điều chỉnh tổng tài sản/tổng nguồn vốn tăng hơn 2.216 tỷ đồng. Đặc biệt, KTNN đã kiến nghị các TĐ, TCT, công ty phải tăng thu NSNN trên 1.411 tỷ đồng, giảm thuế giá trị gia tăng được khấu trừ 8,78 tỷ đồng.

Cơ quan này cho biết, sau khi tiếp nhận thông tin từ KTNN, Bộ Tài chính đã chỉ đạo cơ quan thuế triển khai thực hiện kiến nghị kiểm toán và đã đạt được kết quả tích cực.

Cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính

Cùng với những bất cập nêu, cơ quan kiểm toán đã chỉ ra tình trạng quản lý nợ chưa chặt chẽ, còn để phát sinh nợ phải thu quá hạn, nợ khó đòi lớn, nợ tạm ứng tồn đọng nhiều năm chưa được thu hồi.

Theo kết quả kiểm toán, số nợ khó đòi tại Công ty mẹ - Vinafood1 được xác định lên tới 2.537 tỷ đồng và tại nhiều TĐ, TCT, số nợ khó đòi cũng lên tới hàng trăm tỷ đồng, như Công ty mẹ - Satra 430 tỷ đồng, TKV 279 tỷ đồng. Một số đơn vị phải trích lập dự phòng phải thu khó đòi rất lớn như VNPT phải trích lập dự phòng 509 tỷ đồng; EVN phải trích lập dự phòng 367 tỷ đồng…

Đáng chú ý, KTNN đã cảnh báo một số DN có dấu hiệu mất an toàn về tài chính (trong đó có 3 DN thuộc Vicem và 6 DN thuộc Vinafood1) hoặc bị đưa vào diện giám sát tài chính đặc biệt (1 DN thuộc EVN) theo quy định tại Nghị định số 87/2015/NĐ-CP của Chính phủ.

Liên quan đến vấn đề cổ phần hóa, thoái vốn, theo cơ quan kiểm toán, các TĐ, TCT đang nắm giữ khoảng 63% tổng vốn chủ sở hữu của DNNN và khoảng 65% tổng tài sản của DNNN trong cả nước. Nếu nguồn lực này được phát huy sẽ mang lại những kết quả rất quan trọng cho nền kinh tế.

Tuy nhiên, cùng với việc quản lý, sử dụng vốn nhà nước còn nhiều sai sót như kết quả kiểm toán đã chỉ ra thì việc cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước chưa đạt kế hoạch, yêu cầu; một số dự án lớn còn vướng mắc, chưa thể “hồi sinh”…đang cản trở bước tiến của nhiều DNNN.

Nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu lên tới 8,24 lần

“Điểm danh” những DN có hệ số nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu cao, KTNN nêu rõ: Vicem Tam Điệp có hệ số nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu lên tới 8,24 lần, Công ty CP Lương thực Yên Bái 6,22 lần, Công ty CP Lương thực Cao Lạng 5,66 lần, Công ty CP Xuất nhập khẩu Lương thực - TP. Hà Nội 3,91 lần.

Cùng với đó là những DN được KTNN phát hiện có hoạt động cho vay chưa phù hợp quy định với số tiền rất lớn. Trong đó, Công ty CP Thủy điện Đa Nhim - Hàm Thuận - Đa Mi cho Công ty mẹ - TCT Phát điện 1 vay 799,9 tỷ đồng từ năm 2014-2015; còn Công ty CP Nhiệt điện Phả Lại cho EVN vay 350 tỷ đồng từ năm 2010, nhưng đến 28/12/2021, EVN đã hoàn thành trả nợ vay.

Vấn đề nổi cộm hơn cả được chỉ ra qua kết quả kiểm toán là một số TĐ, TCT, công ty chưa thoái vốn đầu tư theo kế hoạch được duyệt, trong đó Công ty mẹ - Sonadezi chưa thoái vốn tại 3/9 công ty; Vinafood1 chưa hoàn thành giảm tỷ lệ vốn Nhà nước tại 6 công ty con và chuyển nhượng 100% vốn nhà nước tại 11 công ty con và công ty liên kết; Vinafor chưa hoàn thành thoái vốn theo tiến độ, phương án được phê duyệt tại 10/13 đơn vị...

Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Minh Sơn - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội - nhấn mạnh, việc một số DN đầu tư ra ngoài bị thua lỗ thì phải xem xét đó là lỗ của một năm hay lỗ kéo dài qua nhiều năm.

"Bản thân DN phải rà soát hết toàn bộ vấn đề này, từ đó lập lại các phương án kinh doanh của DN”, ông Nguyễn Minh Sơn cho hay.

Nguồn: [Link nguồn]

Kiểm toán Nhà nước vừa gửi Quốc hội báo cáo kết quả kiểm toán năm 2022. Trong đó, cơ quan kiểm toán chỉ ra một số tồn tại liên quan tới cấp tín dụng...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Luân Dũng ([Tên nguồn])
Kinh tế toàn cảnh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN